Xét nghiệm y khoa: Nội soi
Người ta đưa một ống nội soi vào cơ thể, qua các lỗ tự nhiên, để kiểm tra các bộ phận bên trong như phổi, thực quản, dạ dày, tá tràng, đại tràng, trực tràng. Bác sĩ cũng có thể đưa ống qua một lỗ nhỏ được mở ở ổ bụng hoặc khớp.
Trong khi nội soi, bác sĩ có thể dùng kẹp lấy một chút mô để làm xét nghiệm.
Nội soi phế quản
Sau khi gây tê tại chỗ hoặc gây tê ở họng, ống nội soi được đưa qua mũi hoặc miệng, rồi theo khí quản tới tận các nhánh phế quản lớn. Khi đi qua dây thanh đới, ống này có thể gây ho mạnh và cảm giác ngạt thở.
Xét nghiệm không mấy dễ chịu, có thể gây đau nhẹ nhưng cho phép chẩn đoán bệnh ung thư phế quản từ rất sớm.
Người bệnh không được hút thuốc trong vòng 2 ngày trước khi làm xét nghiệm.
Nội soi dạ dày hành tá tràng
Sau khi gây tê tại chỗ ở miệng và họng, bác sĩ đưa ống nội soi qua miệng, thực quản, dạ dày tới phần đầu tiên của ruột mà người ta gọi là tá tràng. Kỹ thuật này cho phép chẩn đoán tình trạng viêm, loét và các khối u.
Khi đi qua đường tiêu hóa, ống có thể gây cảm giác hết sức khó chịu cũng như phản xạ nôn mạnh và đau đớn mặc dù bệnh nhân đã được gây tê.
Bệnh nhân phải nhịn đói trước khi làm nội soi và không được ăn uống trong vòng 2 giờ sau đó.
Nội soi đại tràng
Đưa ống nội soi vào cơ thể qua hậu môn, tới trực tràng và đại tràng. Có thể lấy mẫu tế bào để làm xét nghiệm và cắt bỏ polyp (nếu có).
Bệnh nhân cần được chuẩn bị kỹ càng: tuân thủ chế độ ăn đặc biệt trong những ngày trước khi làm xét nghiệm và uống nhiều lít một dung dịch gây tiêu chảy vài giờ trước khi nội soi để tống hết phân khỏi đại tràng.