Xét nghiệm ung thư sớm bằng microchip
Các nhà khoa học thuộc Đại học Berkeley (Mỹ) vừa tạo ra một loại microchip có khả năng phát hiện sớm triệu chứng ung thư tuyến tiền liệt. Thiết bị này có độ nhạy gấp 20 lần so với các thiết bị phát hiện ung thư hiện đại đang được áp dụng trên thế giới.
Bệnh ung thư tuyến tiền liệt xuất hiện khi nồng độ một protein bệnh lý có tên là PSA trong máu đạt mức tới hạn. Và chỉ ở mức này các phương tiện xét nghiệm hiện nay mới nhận dạng được protein PSA. Riêng thiết bị của Đại học Berkeley lại có thể dự đoán được khả năng mắc bệnh nhờ đo được chính xác có bao nhiêu phân tử protein PSA, kể cả khi lượng chất này thấp hơn ngưỡng nói trên.
Thiết bị này bao gồm một chip silicon có râu cảm biến bằng SiN, kích thước bằng đường kính của sợi tóc. Khi cho chíp này chạy vào mạch máu, sợi SiN sẽ hút các protein PSA và bị cong dần. Một thiết bị laser khác sẽ đo góc cong của sợi râu SiN và cho biết có bao nhiêu phân tử protein PSA trong máu.
Từ sự ra đời của microchip này, các nhà khoa học hy vọng sẽ tạo ra được hàng loạt microchip khác cho phép nhận diện nhiều loại bệnh lý ngay trong mạch máu và tuyến bài tiết của cơ thể.
Lao Động (Theo Biotechnology)