MỘT SỐ ÐẶC ÐIỂM SIÊU ÂM TRONG VIÊM GAN

NGUYỄN THIỆN HÙNG

Trung tâm Y khoa MEDIC, Thành phố Hồ Chí Minh

I. ÐẶT VẤN ÐỀ

Viêm gan do nhiều nguyên nhân khác nhau (nhiễm trùng, do lạm dụng thuốc, do rượu, do một số bệnh hệ thống) là một bệnh hãy còn phổ biến và khó chẩn đoán sớm. Sau chiến tranh kéo dài hơn 30 năm, đất nước còn nghèo, đa số dân sống bằng nghề nông, chủ yếu là lao động thủ công, mà thói uống rượu vẫn rất phổ biến tại nông thôn. Vì dân trí thấp nên ý thức phòng bệnh chưa cao, dễ bị nhiễm bệnh, trong khi vấn đề phòng chống dịch bệnh và mạng lưới bảo vệ sức khỏe chỉ mới tập trung vào một số bệnh thời khí và bệnh xã hội chủ yếu (như bướu cổ, sốt rét, lao, thấp khớp cấp...). Những báo cáo gần đây cho thấy tỉ lệ nhiễm viêm gan siêu vi B trong cộng đồng dao động từ 12-20%. Ðến nay trong nước vẫn chưa triển khai kịp thời thuốc chủng ngừa viêm gan siêu vi B, cũng như các xét nghiệm phát hiện viêm gan B và C. Tại các bệnh viện lớn, hiện nay việc sinh thiết gan vẫn chưa được thực hiện thường qui.

Từ năm 1987 siêu âm chẩn đoán từng bước phát triển tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam hình thành một mạng lưới chẩn đoán hình ảnh siêu âm đến tận tuyến huyện, góp phần đắc lực trong việc phát hiện, chẩn đoán bệnh sớm và hiệu quả.

Khoảng năm 1993 các kit xét nghiệm truy tầm viêm gan B, C và A cũng như thuốc tiêm ngừa viêm gan B được một số cơ sở chẩn đoán và điều trị nhập về tại thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng giá tiền xét nghiệm và thuốc chích ngừa viêm gan B vẫn còn quá cao, bình quân xét nghiệm 5HBV là khoảng 190.000,0 đồng, và 210.000,0 đồng khác cho 3 mũi tiêm ngừa viêm gan siêu vi B, trong khi giá tiền cho một lần khám siêu âm là 20.000,0 đồng (thời điểm giá 1 đôla Mỹ là 11.673,0 đồng).

Trong vòng 10 năm trở lại có các báo cáo nước ngoài nghiên cứu viêm gan do nhiều loại nguyên nhân bằng siêu âm (khoảng hơn 120 báo cáo từ 1987 đến 1996 theo MEDLINE). Tuy có nhiều triệu chứng siêu âm được đề nghị để chẩn đoán, vẫn chưa có sự thống nhất ý kiến vì không có triệu chứng bệnh lý đặc hiệu (nonspecific pathognomonic signs). Câu hỏi của chúng tôi là nên chăng dùng siêu âm chẩn đoán, và mạng lưới đến tuyến huyện của nó, để khám sàng lọc người nhiễm siêu vi gan B và C trong cộng đồng, những người này sau đó mới được xét nghiệm đánh dấu sinh học viêm gan B và C để xác chẩn, trong hoàn cảnh việc sinh thiết gan chưa thể thực hiện rộng rãi. Nhờ vậy không phải tốn kém chi phí rất lớn cho xét nghiệm đánh dấu sinh học viêm gan B và C để phát hiện bệnh (như cách làm của các nước khác), mà chỉ xét nghiệm khi có dấu hiệu bệnh khi khám lâm sàng và siêu âm.

Sơ đồ 1: Các yếu tố liên quan đến viêm gan tại Việt nam.

Sơ đồ 2: Mô hình chuẩn đoán viêm gan kinh điển

 

Sơ đồ 3: Mô hình chiến lược chẩn đoán viêm gan và thái độ xử trí do chúng tôi đề nghị.

 

Các từ khóa:

Viêm gan và viêm gan siêu vi B và C.- Xét nghiệm đánh dấu sinh học/ HBV và HCV markers.- Bệnh/ Không bệnh.- Uống rượu.- Lạm dụng thuốc.- Nhiễm siêu vi, vi trùng, ký sinh.- Siêu âm.- Ðánh dấu.- Theo dõi.- Chích ngừa viêm gan B.

 Mục đích của chúng tôi trong công trình này nhằm khảo sát khả năng chẩn đoán của siêu âm trong viêm gan như là biện pháp khám sàng lọc và ghi nhận các đặc điểm hình thái học gan trong viêm gan B và C qua một bảng tiêu chuẩn chẩn đoán viêm gan bằng siêu âm do chúng tôi hệ thống hóa và đề nghị, trong hoàn cảnh chưa làm được sinh thiết gan rộng rãi.

Do đó, công trình có mấy mục tiêu chính như sau:

1/ Hình thành bảng hệ thống hoá tiêu chuẩn chẩn đoán viêm gan bằng siêu âm.

2/ Ðánh giá độ nhạy, độ chính xác và độ đặc hiệu của siêu âm trong chẩn đoán viêm gan khi so sánh với xét nghiệm sinh hoá và đánh dấu sinh học viêm gan siêu vi B và C.

3/ Nêu lên đặc điểm hình thái học của gan trong viêm gan, đặc biệt là trong viêm gan siêu vi B và C.

 II. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU

Cho đến gần đây, viêm gan vẫn được quan niệm là chẩn đoán của lâm sàng và xét nghiệm (Choi,BI. 1996)(3) vì cấu trúc gan không thay đổi nhiều trên CT và MRI, chỉ có gan to và phù nề khoảng quanh cửa (periportal oedema). Trong khi đó nhiều người làm siêu âm đồng ý rằng siêu âm có độ nhạy giúp phân biệt gan bình thường và bất thường (theo Irving,HC. 1994)(12). Nếu như trước năm 1990 rất ít sách siêu âm bàn về viêm gan, lần lượt Higashi,T. và cộng sự (1991)(9), Kurtz,AB. (1994)(10) và Hagen-Ansert,SL. (1995)(8) đã có những mô tả đặc điểm siêu âm về cấu trúc viêm gan cấp và mạn trong các sách loại cẩm nang (manual) và sách tham khảo (textbook).

Trong nước hầu như chưa có tài liệu nào về đặc điểm siêu âm trong viêm gan ngoại trừ các báo cáo của chúng tôi (đã đăng trong Y học TP. Hồ Chí Minh(18), Hình thái học(20) và Siêu âm ngày nay(21)).

1. Hình ảnh giải phẫu gan trên siêu âm:

- Về kích thước:

- Chiều cao gan phải: Bình thường là 13,0 cm, theo Niederau và cộng sự là 10,5 ± 1,5 cm (31).

- Chiều trước sau gan phải: Bình thường là 15,0 cm.

- Chiều trước sau gan trái:Bình thường là 10,0cm nhưng rất thay đổi, theo Niederau  và cộng sự là 8,1±1,9cm(31).

- Tỉ lệ gan phải/gan trái: Bình thường là 1,5; ở xơ gan là 1,1 (1).

- Về cấu trúc siêu âm: Gan bình thường có cấu trúc đồng dạng và echo dày trung bình (4).

 2. Hình ảnh viêm gan trên siêu âm:

 Từ năm 1993 chúng tôi đã đề nghị hệ thống hóa các tiêu chuẩn siêu âm chẩn đoán viêm gan như sau (16,21)(xem bảng 1):

  BẢNG 1:TIÊU CHUẨN SIÊU ÂM ÐỀ NGHỊ CHẨN ÐOÁN VIÊM GAN

Tiêu chuẩn đề nghị

Viêm gan cấp

Viêm gan mạn

 

1.Kích thước

Lớn / Bình thường

Bình thường / Teo

2. Bờ

Nhẵn

Không đều / Nhẵn

3. Mặt sau

Lõm

Lồi

4. Chủ mô (so sánh với lách)

Ðồng dạng
-Kém
-Dày

Không đồng dạng với các hạt nhỏ tái tạo
Thô

5. Vách tĩnh mạch cửa

Echo dày và dày ³ 5 ly

Echo dày và dày ³ 5 ly

6. Túi mật

Vách phù nề hoặc không.
Không có mật

Méo dạng,
vách không dày.

 3. Những nghiên cứu trong và ngoài nước:

Garrassini,ME. và cộng sự (1995) cung cấp các dữ kiện lâm sàng, xét nghiệm và siêu âm của viêm gan A, B và C(5). Về lâm sàng, mệt mỏi, sốt, lạnh và có hạch thường gặp trong viêm gan A. Ðau khớp, ngứa và phát ban thường gặp trong viêm gan B. Bilirubin thường cao hơn trong viêm gan B và C hơn là viêm gan A. Men ALT thường cao trong viêm gan B và A và thấp trong viêm gan C. Lách to thường gặp 45-50% viêm gan A và C và chỉ có 15% trong viêm gan B. Vách túi mật thay đổi trong 50% viêm gan A. Chỉ có 3,3% viêm gan B tiến triển mạn tính trong khi có đến 75% viêm gan C diễn tiến mạn tính. Ở trẻ em, Toppet,V.và cộng sự (1990) nhận thấy viêm gan A có các triệu chứng siêu âm như: gan to, vách túi mật dày, khoảng cửa sáng và có hạch rốn gan, vùng tụy và mạc nối nhỏ (28). Các hạch này có trung tâm echo dày. Ikeda,S. và cộng sự (1989) còn phân biệt trên siêu âm về thay đổi kích thước túi mật ở viêm gan trẻ sơ sinh và teo đường mật bẩm sinh (11). Narula,MK. và cộng sự (1989) thấy túi mật trong viêm gan cấp tăng bề dày vách, giảm thể tích và có echo bất thường trong túi mật trong 2-4 tuần (14). Giorgio,A. và cộng sự (1989) theo dõi thay đổi hình thái và tính chuyển động của túi mật (7) đáp ừng vối tổn thương gan cấp bằng siêu âm tức thời (real-time ultrasonography): túi mật hypotonic và hypokinetic trong 58,4% trường hợp (n=255) qua hiện tượng dày vách, tăng thể tích, và đáp ứng với chất béo thấp hơn nhóm chứng trong 3 tuần. Năm 1991, Sharma,MP. và cộng sự thấy túi mật trong viêm gan A dày vách (98,2% ca), tăng thể tích (25% ca), sẽ hồi phục hoàn toàn trong 12 tuần, và hiện tượng phục hồi lại túi mật là quy luật của diễn tiến bình phục về lâm sàng (25). Vogl,T. và cộng sự (1991) so sánh giá trị của MRI và CT với siêu âm trong bệnh lý gan lan tỏa: MRI có khả năng phát hiện các tổn thương viêm gan khu trú và mạn tính, trong khi CT và siêu âm phát hiện các tổn thương khu trú và lan tỏa của gan thấm mỡ (29). Tuy nhiên MRI lại phân biệt chính xác mô mỡ trong khối tân sinh. MRI phát hiện chính xác các thay đổi xơ hóa gan cao nhất. Trong bệnh Wilson, MRI cho thấy cấu trúc đặc trưng của chủ mô gan. Các tác giả như Naumov,N. và cộng sự (1987) và Castellano,G. (1994) dùng echo-histogram (2,15) nghiên cứu chủ mô gan trong bệnh lý gan mạn tính và bệnh lý gan lan tỏa. Ảnh hưởng của chiếu xạ, thuốc và rượu trên chủ mô gan cũng được nhiều tác giả ghi nhận. Vurbanov,G. và cộng sự (1989) nhận thấy trong lô nghiên cứu có 13% (n=108) trường hợp viêm gan cấp do rượu có ứ mật. Những bệnh nhân này có lipid toàn phần, gamma-GTP, ASAT, cholesterol, LDL-cholesterol, coefficent LDL/HDL-cholesterol, beta-lipoprotein cao hơn bệnh nhân ứ mật thông thường (30). Cấu trúc gan của nhóm bệnh lý gan lan tỏa được khảo sát bằng receiving characteristic (ROC) analysis (6) (Garra,BS. và cộng sự,1989), ultrasonic attenuation coefficent của gan người và động vật hữu nhũ khác (24) được Parker,KJ. và cộng sự đối chiếu (1988). Suzuki,H. và cộng sự (1991) dùng cepstral analysis (26) khảo sát cấu trúc echo của bệnh lý gan mạn tính và frequency domain analysis (27) để đánh giá thay đổi cấu trúc trong bệnh lý gan lan tỏa, còn Oosterveld,BJ. và cộng sự nghiên cứu ultrasonic attenuation và texture analysis (23) của bệnh lý gan lan tỏa (1991).

Nhìn chung có nhiều cách khảo sát chủ mô gan và cấu trúc gan và túi mật, nhưng chưa có tác giả nào nêu được đầy đủ các đặc điểm siêu âm trong viêm gan và hệ thống hóa các tiêu chuẩn chẩn đoán viêm gan bằng siêu âm.

 III. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

1. Ðối tượng:

Là các bệnh nhân đến khám tại Trung tâm Chẩn đoán Y khoa từ nhiều nơi, chủ yếu là từ thành phố Hồ Chí Minh (xem phụ lục 1).

2. Thiết kế nghiên cứu:

Là một nghiên cứu mô tả, cắt ngang và mù đơn, người khảo sát siêu âm gan không biết được kết quả xét nghiệm cận lâm sàng khác và kết luận sau cùng. Kết quả thu thập và kết luận chẩn đoán do bác sĩ lâm sàng thực hiện một cách độc lập.

a. Các biến số trong hỏi bệnh:

Tuổi, Giới, Tỉnh, Thành phố, Nghề nghiệp.

Các yếu tố: Xâm da (tattooing), Có thai,Truyền máu, Rượu, Lạm dụng thuốc, Sốt rét, Sau mổ, Thương hàn...

Tiền sử: Gia đình có ai bị viêm gan. Bản thân có bị viêm gan.

b. Các biến số trong xét nghiệm sinh hóa: ALAT,ASAT, (GOT, GPT), Gamma-GPT, 5HBV, AntiHCV.

c. Các biến số trong siêu âm gan:

Kích thước gan P, gan T, thùy đuôi, bề dày khoảng cửa, mặt sau gan lồi/không lồi, góc gan nhọn/bầu, cấu trúc gan thô/dạng hạt nhỏ/đồng dạng, túi mật méo dạng/không, vách túi mật dày/phù nề/bình thường.

3. Mẫu nghiên cứu:

Cỡ mẫu được ước lượng theo công thức sau:

Tỷ lệ ước tính trong quần thể 15%

Ðộ tin cậy 95%

Ðộ chính xác tương đối (45-55%) 10% (của 50%)

Tra bảng ước lượng (13) một tỷ lệ 15% trong quần thể với một độ chính xác tương đối (45-55%) thì cỡ mẫu là 2177 người.

4. Chọn mẫu:

1/ Nhóm chứng 109 ca không có bệnh lý qua khám lâm sàng và siêu âm.

2/ Nhóm ngẫu nhiên đến khám siêu âm vì các lý do khác nhau: chán ăn, mệt mỏi,ăn không tiêu... 817 ca (nhóm I) được cho xét nghiệm sinh hóa và đánh dấu sinh học có sự thỏa thuận của bệnh nhân vì phải đóng tiên xét nghiệm.

3/ Nhóm đã được siêu âm nghi là viêm gan 1367 ca (nhóm II) được cho xét nghiệm sinh hóa và đánh dấu sinh học có sự thỏa thuận của bệnh nhân vì phải đóng tiên xét nghiệm. Nhóm này có 2 phụ nhóm dựa trên men gan gan tăng 1,5 lần và 3 lần so với bình thường.

5. Phương tiện nghiên cứu:

- Máy siêu âm KONTRON SIGMA 1, đầu dò sector 5 MHz.

- Men gan được đo tự động bằng máy Technicon (Mỹ).

- Xét nghiệm đánh dấu sinh học viêm gan B và C của Abbott (Mỹ).

- Số liệu thu thập và xử lý theo tỉ lệ % bằng phần mềm vi tính.

III. KẾT QUẢ

III.1. Nhóm I:

 Gồm 817 ca, có các giá trị sau khi đối chiếu với xét nghiệm đánh dấu sinh học HBV và HCV:

-Ðộ nhạy  = a / a+c = 729 / 729 + 24 = 729 / 753 = 96,81 %

-Ðộ đặc hiệu = d / b + d = 34 / 30 + 34 = 34 / 64 = 53,12 %

-Giá trị phỏng đoán dương tính  = a / a+b = 729 / 759 = 96 %

-Giá trị phỏng đoán âm tính  = d / c+d = 34 / 58 = 58,6 %

-Ðộ chính xác= a+d / tổng số ca = 729 + 34 / 817 = 763 / 817 = 93,39%

III.2. Nhóm chứng:

 Kết quả của chúng tôi ở 109 người (41 nam và 68 nữ)bình thường(22):

- Chiều cao gan phải là  11,84 ± 0,66 cm.

- Chiều trước-sau gan phải là  12,25 ± 0,78 cm.

- Chiều trước-sau gan trái là  8,99 ± 0,82 cm.

- Thùy đuôi, với chiều ngang (dầy) là  1,71 ± 0,32 cm.

 III.3. Nhóm II:

Gồm 1367 ca có xét nghiệm đánh dấu sinh học viêm gan B và C dương tính và men gan tăng từ 1,5 đến 3 lần so với bình thường (xem bảng 3). 

Ðặc điểm cấu trúc và hình thái siêu âm gan mật

Viêm gan (US+, Markers+)

N = 1367 ca

 

Số ca

Tỉ lệ %

Cấu trúc Thô

211

15,4

Dày

196

14,3

Kém

149

10,9

Hạt

132

9,7

Ðồng dạng

489

56,5

Gan to

330

24,1

Vách tĩnh mạch cửa dày

96

7

Mặt sau lồi

276

20,2

Bờ gan không đều

56

3,7

gồ ghề

5

0,4

đều

1032

75,5

Góc gan bầu

18

1,3

Túi mật nhỏ

4

0,29

không ghi nhận

964

70,51

xẹp

4

0,29

méo dạng

45

3,29

vách dày

12

0,87

không thấy

2

0,14

bình thường

331

24,21

 Bảng 2: Các đặc điểm siêu âm của gan và túi mật trong viêm gan.

Xem bảng 2 chúng ta thấy có thay đổi cấu trúc gan và túi mật trong viêm gan siêu vi B, C nhưng ít (không hơn 24%) và không đặc hiệu qua siêu âm chẩn đoán.

 IV. BÀN LUẬN

IV.1. Về khả năng sàng lọc của siêu âm trong viêm gan:

Khả năng phát hiện viêm gan của siêu âm khi đối chiếu với các xét nghiệm đánh dấu

sinh học HBV, HCV và các xét nghiệm sinh hóa khác:

-Ðộ nhạy = 96,81 %

-Ðộ đặc hiệu  = 53,12 %

-Giá trị phỏng đoán dương tính  = 96 %

-Giá trị phỏng đoán âm tính  = 58,6 %

-Ðộ chính xác = 93,39%

Với các kết quả của nhóm 817 ca, siêu âm có độ nhạy cao trong khám phát hiện viêm gan theo các tiêu chuẩn đề nghị tuy độ đặc hiệu không cao. Ðáng chú ý là chỉ có thay đổi cấu trúc gan và túi mật không quá 24% các trường hợp của 1367 ca viêm gan B và C.

IV.2. Tính khả thi của siêu âm trong việc khám sàng lọc viêm gan:

- Giá rẻ.

- Có thể làm đi làm lại nhiều lần mà không gây hại.

- Máy siêu âm đã có ở tuyến huyện.

- Có tiêu chuẩn chẩn đoán rõ ràng, đơn giản và dễ thực hiện.

- Bệnh nhân chuộng và tin cậy phương pháp khám siêu âm. Bác sĩ nhận thấy cũng có ích khi sử dụng các thông tin của siêu âm, tuy rằng điều này tùy thuộc kinh nghiệm của bác sĩ đọc siêu âm.

IV.3. Thời gian chẩn đoán:

Không quá 24 giờ cho một chẩn đoán (lâm sàng, siêu âm và xét nghiệm) tại Trung tâm Y khoa MEDIC.

 V. KẾT LUẬN

Mặc dù cấu trúc gan và túi mật không thay đổi nhiều trong viêm gan B và C và không đặc hiệu, chúng tôi nhận thấy dù sao bảng hệ thống hoá các tiêu chuẩn chẩn đoán viêm gan bằng siêu âm cũng có tác dụng định hướng chẩn đoán trong chừng mực nhất định. Với những nhận xét chủ quan về tình hình siêu âm hiện nay như đã nêu trên, chúng tôi hy vọng việc dùng siêu âm để khám sàng lọc viêm gan trong hoàn cảnh hiện tại là điều khả thi, góp phần trong chăm sóc sức khỏe ban đầu, ngăn chặn lây lan viêm gan siêu vi trong cộng đồng và giảm thiểu các biến chứng có thể xãy ra như xơ gan, ung thư gan nguyên phát tại Việt nam.

 VI. TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.BLERY,M.,CHAGNON,S.,LAUGAREIL,P.: Apport de l'Echographie, de la Tomodensitométrie et de l'Imagerie par résonance magnétique dans l'exploration des cirrhoses, Journées Francophones de Radiologie, Cours de Perfectionnement Post-universitaire, Novembre 1988, Société FranVaise de Radiologie.

2. CASTELLANO,G., GONZALEZ,A., COLINA,F., RODRIGUEZ,S., MUNOZ,MT., SANCHEZ,F., GARFIA,C., CASIS,B., FERNANDEZ,I., CANGA,F., et al: Diagnostic Value of the Hepatic Echo-Histogram in Chronic Hepatopathy, Rev.Esp.Enferm.Dig.,1993 Dec.;84(6):373-80. (MEDLINE 1994).

3. CHOI, BI: Diffuse Liver Disease: US, CT, MR in MRI, CT, Ultrasound: Current Status and Future Direction, Asian-Oceanian Seminars on Diagnostic and Interventional Radiology, Hong Kong, October 24-25, 1996.

4. CURRY,R.A và TEMPKIN, B.B.: Ultrasonography: An Introduction to Normal Structure and Functional Anatomy, 1st ed. W.B. Saunders Company, 1995.

5. GARASSINI,ME., GOMEZ,B., HERNANDEZ,A., MARIN,L., ALVARADO,M.: Clinical, Laboratory and Ultrasonography Features of Acute Viral Hepatitis, G-E-N,1994 Jul-Sep; 48(3):133-7. (MEDLINE 1995).

6. GARRA,BS., INSANA,MF., SHAWKER,TH., WAGNER,RF., BRADFORD,M., RUSSELL,M.: Quantitative Ultrasonic Detection and Classification of Diffuse Liver Disease. Comparison with Human Observer Performance, Invest.Radiol., 1989 Mar, 24(3):196-203. (MEDLINE 1989).

7. GIORGIO,A., FRANCICA,G., AMOROSO,P., FICO,P., DE STEFANO,G., PIERRI,P., LETTIERI,G., ALOISIO,T., FINELLI,L., PIERRI,G.: Morphologic and Motility Changes of the Gallbladder in Response to Acute Liver Injury. A Prospective Real-Time Sonographic Study in 255 Patients with Acute Viral Hepatitis, J.Ultrasound Med., 1989 Sep; 8(9):499-506. (MEDLINE 1989).

8. HAGEN-ANSERT, SL: The Liver, pp.99-158, Textbook of Diagnostic Ultrasonography (Volume 1), 4th ed. Mosby-Year Book, 1995.

9. HIGASHI,T., MIZUSHIMA,A., MATSUMOTO,H.: Introduction to Abdominal Ultrasonography, Springer-Verlag Berlin Heidenberg, 1991.

10. KURTZ, AB.: Ultrasound, ACR Learning Files, CD-Rom, 1994.

11. IKEDA,S., SERA,Y., AKAGI,M.: Serial Utrasonic Examination to Differentiate Biliary Atresia from Neonatal Hepatitis - Special Reference to Change in Size of the Gallbladder, Eur.J.Pediatr..1989 Febb.;148(5):396-400. (MEDLINE 1989).

12. IRVING, H.C.: Diffuse Liver Disease, pp. 295-307, in Clinical Ultrasound, a Comprehensive Text, Abdominal and General Ultrasound (2 volumes), Cosgroves,D., Meire,H., Dewbury,K. editors, Churchill Livingstone, Longman Group UK Limited, 1993.

13. LWANGA, SK and LEMESHOW,S: Sample Size Determination in Health Studies, A Practical Manual, WHO, Geneva, 1991 (bản dịch của Lê Hoàng Ninh và Trương đình Kiệt).

14. NARULA, MK., SACHDEV,HP., DUBEY,AP., GUPTA,NC., SAHA,MM.: Sonographic Evaluation of Gallbladder in Acute Viral Hepatitis, indian Pediatr.,1989 Jul;26(7):636-40. (MEDLINE 1989).

15.NAUMOV,V., LUKANOV,L.: The Echographic Histogram - Its Use in the Diagnosis of Diffuse Liver Diseases, Vutr.Boles, 1987;26(6):50-5. (MEDLINE 1987)

16.NGUYỄN THIỆN HÙNG: Siêu âm chẩn đoán trong viêm gan (sơ kết từ tháng 8/1993 đến tháng 6/1994), MEDIC 1994.

17. NGUYỄN THIỆN HÙNG: Thay đổi cấu trúc siêu âm gan mật trong viêm gan siêu vi B và C, MEDIC 1996.

18. NGUYỄN THIỆN HÙNG và PHAN THANH HẢI: Hình ảnh siêu âm chẩn đoán trong bệnh lý gan lan tỏa, Y học TP. Hồ Chí Minh, số 2, tập 1, 1997, tr,1-6.

19. NGUYỄN THIỆN HÙNG, PHAN THANH HẢI and PHẠM THỊ THU THỦY: Ultrasound in Hepatitis, Asean Association of Radiology 9th Congres, Singapore, 23-26, January, 1997.

20. NGUYỄN THIỆN HÙNG và PHAN THANH HẢI: Siêu âm chẩn đoán trong một số bệnh lý gan lan tỏa, Hình thái học, Tập 5 số 2-1995 và Tập 6 số 2-1996, tr.18-20.

21. NGUYỄN THIỆN HÙNG, PHẠM THỊ THU THỦY và PHAN THANH HẢI: Siêu âm chẩn đoán trong viêm gan, Siêu âm ngày nay, số 8, tháng 11-1996, tr.8-10.

22. NGUYỄN THIỆN HÙNG: Cấu trúc siêu âm và kích thước một số tạng bụng và đầu mặt cổ ở người Việt nam, Siêu âm ngày nay, số 10, tháng 5 và 7-1997, tr.9-11.

23. OOSTERVELD,BJ., THIJSSEN,JM., HARTMAN,PC., ROMIIJIN,RL., ROSENBUSCH,GJ.: Ultrasound Attenuation and Texture Analysis of Diffuse Liver Disease: Methods and Preliminary Results, Phys.Med.Biol.1991 Aug;36(8):1039-64. (MEDLINE 1991).

24.PARKER,KJ., ASZTELY,MS., LERNER,RM., SCHENK,EA., WAAG,RC.: In-vivo Measurements of Ultrasound Attenuation in Normal or Diseased Liver, Ultrasound Med.Biol.,1988,14(2):127-36. (MEDLINE 1988).

25. SHARMA,MP., DASARATHY,S.: Gallbladder Abnormalities in Acute Viral Hepatitis: a Prospective Ultrasound Evaluation, J.Clin.Gastroenterol. 1991 Dec.; 13(6):697-700.(MEDLINE 1991).

26. SUZUKI,K., HAYASHI,N., SASAKI,Y., KONO,M., IMAI,Y., FUSAMOTO,H., KAMADA,T.: Ultrasonic Tissue Characterization of Chronic Liver Disease Using Cepstral Analysis, Gartroenterology, 1991 Nov;101(5):1325-31. (MEDLINE 1991).

27. SUZUKI,K., HAYASHI,N., SASAKI,Y., KONO,M., KASAHARA,A., IMAI,Y., FUSAMOTO,H., KAMADA,T.: Evaluation of Structural Change in Diffuse Liver Disease with Frequency Domain Analysis of Ultrasound, Hepatology,1993 Jun;17(6):1041-6. (MEDLINE 1993).

28.TOPPET,V., SOUAYAH,H., DELPLACE,O., ALARD,S., MOREAU,J., LEVY,J., SPEHL,M.:Lymph Node Enlargement as a Sign of Acute Hepatitis A in Children, Pediatr. Radiol.1990, 20(4):249-52.(MEDLINE 1990).

29. VOGL,T., STEINER,S., HAHN,D., SCHEDEL,H., LISSNER,J.: Diffuse Liver Parenchymal Disease:the Value of MRI Compared to Sonography and CT, Rofo.Fortschr.Ged.Rontgenstr.Neuen.Bildgeb.Verfahr.1991May;154(5):495-503.(MEDLINE 1991).

30. VURBANOV, G.: The Clinico-Laboratory Characteristics of the Cholestatic Form of Acute Alcoholic Hepatitis, Vutr-Boles, 1989; 28(6):36-40. (MEDLINE1989).

31.WITHERS, C.E.: The Liver, Ultrasound Categorical Course Syllabus, pp.123-132, American Roentgen Ray Society, 1993.

VII. PHỤ LỤC:

Phụ lục 1: Mẫu nghiên cứu: Phân bố theo địa phương.

Số bệnh nhân

Tỉnh

n=1367

An giang

50

Vũng tàu

39

Bến tre

46

Bình định

05

Bình thuận

43

Cần thơ

05

Ðắc lắc

50

Ðồng nai

65

Ðồng tháp

49

Thành phố HCM

675

Khánh hòa

04

Kiên giang

15

Lâm đồng

09

Long an

90

Minh hải

18

Ninh thuận

01

Phú yên

03

Quãng ngãi

03

Sóc trăng

06

Sông bé

30

Tây ninh

29

Tiền giang

105

Trà vinh

35

Vĩnh long

39

 DÙNG SIÊU ÂM KHÁM SÀNG LỌC VIÊM GAN, NÊN HAY KHÔNG NÊN

Nguyễn Thiện Hùng, Trung tâm Y Khoa MEDIC, Thành phố Hồ Chí Minh.

Tóm tắt : Mục tiêu: 1/ Hình thành bảng hệ thống hóa tiêu chuẩn chẩn đoán viêm gan bằng siêu âm. 2/ Tính độ nhạy, độ đặc hiệu và độ chính xác của siêu âm trong viêm gan. 3/ Nêu đặc điểm hình thái siêu âm trong viêm gan B và C. Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả, cắt ngang và mù đơn. Ðối tượng: Có 2 nhóm bệnh nhân thuộc bệnh lý gan lan tỏa được khám siêu âm, sau đó được xét nghiệm sinh hóa và làm xét nghiệm dấu hiệu huyết thanh học HBV và HCV. Kết quả: Tác giả đề nghị các tiêu chuẩn chẩn đoán viêm gan bằng siêu âm ở 817 ca (nhóm I), có độ nhạy 96,81%, độ đặc hiệu 53,12% và độ chính xác 93,39% khi đối chiếu với dấu hiệu huyết thanh học HBV và HCV. Ở nhóm II, các thay đổi về cấu trúc gan (kiểu echo, khoảng quanh cửa, mặt sau, bờ gan, góc gan) và của túi mật được thống kê lại ở 1367 ca viêm gan siêu vi B và C, chỉ có 24% thay đổi ghi nhận được. Kết luận: Bảng hệ thống hóa tiêu chuẩn chẩn đoán viêm gan bằng siêu âm có tác dụng định hướng chẩn đoán. Việc dùng siêu âm để khám sàng lọc viêm gan có tính khả thi trong hoàn cảnh hiện nay (giá rẻ, chưa làm sinh thiết gan). Tác giả cũng đề cập đến vai trò và khả năng của siêu âm chẩn đoán trong bệnh lý gan lan tỏa trong chăm sóc sức khỏe ban đầu, nhằm hạ thấp các nguy cơ viêm gan siêu vi và ung thư tế bào gan nguyên phát.

 

SHOULD WE USE ULTRASOUND AS SCREENING MODALITY OF HEPATITIS

 Nguyễn Thiện Hùng, MEDIC MEDICAL CENTER, HCMC.

Abstract: Objectives: 1/ Formation a table of systematization on hepatitis ultrasound criteria. 2/ Finding out the sensibility, specificity and accuracy of ultrasound modality in hepatitis. 3/ Showing characteristics of ultrasound findings in B, C hepatitis. Design: A descriptive, cross-sectional and single-blinded study. Objects:Two groups of patients had been examined by ultrasound scanning and after that performed blood tests including liver functions and serological markers of HBV and HCV. Results: Proposed criteria of hepatitis diagnosing on 817 cases (group I) by author had the sensibility # 96,81%, the specificity # 53,12% and the accuracy # 93,39% in comparison with HBV and HCV serological markers. In group II, some changes of liver structure (echo patterns, periportal space, posterior surface, borders, liver angles) and gallbladder had been reported in 1367 cases of viral hepatitis B and C, only 24% of cases having liver morphologic changes. Conclusions: The table of systematization on hepatitis ultrasound criteria has an orientation effect on diagnosis. Using ultrasound as screening modality of hepatitis is realizable to perform at present (low cost, difficult to perform liver biopsy). Author also implicated the role and capacity of ultrasound scanning in diagnosis of diffuse liver disease, in primary health care, to reduce the risks of viral hepatitis and hepatocell carcinoma in Vietnam.

Các phương tiện cận lâm sàng

"Tiêu diệt" khối u trong não
Abstract thai ổ bụng
An interesting case of Fasciola gigantica in Ho Chi Minh City, Viet nam - Medic
Bước đầu khảo sát siêu âm mạch máu
Bước đầu nhận xét hình ảnh siêu âm hạch ở một số bệnh lý có biểu hiện hạch ổ bụng
Bướu thận và xơ hóa củ
Bướu thận và xơ hóa củ - Nguyễn Thiện Hùng
Bảng kê một số bệnh gân cơ khớp 1999
Bệnh Osgood Schilatter: Bệnh lý gây nhiều tranh cãi - MEDIC
Bệnh Peutz - Jeghers - MEDIC
Carcinoid Tumor di căn Gan, Lách
Cardiac Hemangioma
Chuyện “cổ tích” về kỹ thuật siêu âm 
Chẩn đoán chính xác một trường hợp hiếm gặp: U thể cảnh (Carotid Body Tumor) - Hà Thị Thanh Tuyền
Chụp X-quang thông thường
Coffee Bean Sign
Comet Tail Effect hay Ring-Down Artifact
Có nên siêu âm thai dưới 10 tuần tuổi?
Công dụng của Siêu âm Doppler
Cấu trúc siêu âm các tạng bụng và đầu mặt cổ ở người Việt Nam - Nguyễn Thiện Hùng
Doppler mạch máu
Doppler ổ bụng
Dày vách ruột: Phân biệt do viêm và do thiếu máu bằng siêu âm màu và siêu âm ảnh đôi (duplex ultrasound)
Dãn mạch minh họa tình trạng viêm
Dùng siêu âm khám sàng lọc viêm Gan
Gastric Leiomyosarcoma - Phạm Thị Thanh Xuân
Giá trị của siêu âm Doppler năng lượng (PDS)
Histogram cường độ Siêu âm
Hình ảnh học tăng áp lực tỉnh mạch cửa - Nguyễn Thiện Hùng
Hình ảnh siêu âm chẩn đoán trong bệnh lý gan lan tỏa
Hình ảnh siêu âm Doppler màu một số bệnh lý tuyến vú - Phạm Thị Thanh Xuân
Hình ảnh siêu âm một trường hợp u tế bào gan nguyên phát sau thuyên tắc hóa dầu qua ống thông Toce 4 tháng - Nguyễn Thiện Hùng
Hình ảnh siêu âm Áp-xe gan A-míp
Hình ảnh siêu âm ống tiêu hóa - Nguyễn Thiện Hùng
Hình ảnh siêu âm ổ bụng
Hội chứng Mirizzi - Nguyễn Thiện Hùng dịch
Loạn sản khớp hông
Lần đầu tiên ứng dụng kỹ thuật nội soi bóng đơn tại TPHCM
Một số hình ảnh siêu âm Doppler màu qua ngã âm đạo - Phan Thị Thanh Thủy
Nguyên tắc của doppler trong siêu âm tim
Nhân một trường hợp di căn tuyến giáp từ Melanoma ác - Nguyễn Tuấn Cường
Nhân một trường hợp thai ổ bụng nguyên phát 32 tuần
Nhân trường hợp tuyến giáp lạc chỗ ở đáy lưỡi
Nhân trường hợp tuyến giáp lạc chỗ ở đáy lưỡi
Nhìn lại Gan thấm mỡ
Những điều kỳ diệu của y học hạt nhân 
Nội soi
Nội soi tràn dịch màng phổi
Rim Sign và Halo Sign trong siêu âm - Nguyễn Thiện Hùng
Ring-Down Artifacts Posterior to the Right Diaphragm on Abdominal Sonography: Sign of Pulmonary Parenchymal Abnormalities
Sandwich Sign trong siêu âm - Nguyễn Thị Thảo Hiền
sieuam/medsoft.gif
Siêu âm
Siêu âm 3 chiều một số hình ảnh sản khoa
Siêu âm 3 chiều và Doppler năng lượng khảo sát sự tạo mạch máu
Siêu âm bằng máy 4 chiều ở Hà Nội
Siêu âm bệnh thấp - Nguyễn Thiện Hùng trích dịch
SIÊU ÂM CHẨN ÐOÁN PHÁT HIỆN PHÌNH ÐỘNG MẠCH CHỦ BỤNG
Siêu âm chẩn đoán và bệnh lý thủng tạng rỗng - Phan Thị Thanh Thủy
Siêu âm cơ , gân cơ và dây chằng - Nguyễn Thiện Hùng dịch
Siêu âm Doppler
Siêu âm Doppler
Siêu âm Doppler màu một trường hợp bướu tim gây động mạch Phổi
Siêu âm Doppler màu trong chẩn đoán ung thư tế bào Gan nguyên phát
Siêu âm Doppler tĩnh mạch cửa ở viêm gan mạn và xơ gan - Nguyễn Thiện Hùng
Siêu âm khảo sát Gan thấm mỡ
Siêu âm nhiều, nên không?
Siêu âm phát hiện khối u ống tiêu hóa - Nguyễn Thiện Hùng
Siêu âm phát hiện ung thư tế bào Gan nguyên phát (H. C. C. ) Trên bệnh nhân viêm gan mạn và xơ gan: theo dõi sau 5 năm - Nguyễn Thiện Hùng
Siêu âm thai kỳ
Siêu âm theo dõi thai kỳ là cần thiết
Siêu âm thận
Siêu âm trong chẩn đoán lạc nội mạc tử cung - Trần Thị Thúy
Siêu âm và bụng cấp tính: thực tế lâm sàng
Starry Sky, Centrilobular Pattern, Portal Reaction, Dark Liver - Nguyễn Thiện Hùng
Sóng siêu âm làm “chổi” như thế nào?
Sản phụ
Thiết bị siêu âm 3D giúp phát hiện sớm ung thư vú
Thận bế tắc: Chẩn đoán với siêu âm Doppler và chụp thận bài tiết - Nguyễn Văn Công
Triệu chứng học siêu âm - Nguyễn Thiện Hùng
Ultrasound Diagnosis in Hepatitis
Vai trò của siêu âm trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý tuyến giáp - Nguyễn Tuấn Cường
Vai trò của siêu âm trong phát hiện bệnh lý ung bướu trong cộng đồng - Medic
Vách thực quản tâm vị trong xơ gan: Đối chiếu siêu âm qua ngã bụng và nội soi - Nguyễn Thiện Hùng
Vôi hóa gan - Nguyễn Thiện Hùng biên dịch
X quang
Xét nghiệm HIV trong vòng 30 phút
Xét nghiệm máu giúp chẩn đoán nhanh cơn đột quỵ
Xét nghiệm máu giúp phát hiện sớm bệnh Alzheimer
Xét nghiệm máu mẹ để phát hiện dị tật thai nhi
Xét nghiệm máu phát hiện được xơ gan
Xét nghiệm mới phát hiện bệnh viêm gan C
Xét nghiệm nhóm máu có xác định được huyết thống
Xét nghiệm tế bào tử cung
Xét nghiệm ung thư sớm bằng microchip
Xét nghiệm vi trùng lao mới chính xác và nhanh hơn
Xét nghiệm viêm gan B bằng que thử nhanh
Xét nghiệm y khoa: Xét nghiệm máu
Điện chẩn đoán - ECG, EMG, EEG
Điện tâm đồ (ECG)
Đo mật độ xương
Đo điện tâm đồ Holter
Đã có thiết bị phát hiện ung thư sớm nhất
Đặc điểm siêu âm tổn thương Gan