Các yếu tố nguy cơ sinh nonTác giả : BS. CAM NGỌC PHƯỢNG (Khoa Hồi sức sơ sinh BV. Nhi Đồng I) Sinh non là sinh sớm trước 37 tuần hay trước 259 ngày, tính từ ngày đầu của kỳ kinh chót. Định nghĩa sinh non không dựa vào cân nặng trẻ lúc sinh dưới 2.500g. Lý do là có những trẻ sinh đủ tháng hoặc già tháng nhưng cũng có thể có cân nặng lúc sinh thấp. Mặt khác, có những trẻ mà mẹ bị tiểu đường cũng có cân nặng trên 2.500 dù sinh trước 37 tuần. Vì vậy, trẻ có cân nặng lúc sinh dưới 2.500g được gọi là trẻ sinh nhẹ cân.TẦN SUẤT SINH NONTần suất sinh non thay đổi từ quốc gia này sang quốc gia khác, và thay đổi từ vùng này sang vùng khác trong cùng một quốc gia. Tỷ lệ sinh non ở Mỹ là 9,8% so với Anh là 6,4%, ở Đức là 3,4%.
Tại các nước Đông Nam Á, có 25-30% trẻ sinh non. Sinh non không phải là nguyên nhân trực tiếp gây tử vong. Tuy nhiên, trong 10 trẻ sơ sinh tử vong, có đến 7-8 trẻ non tháng chết do các biến chứng của sinh non. Vì vậy, sinh non chiếm tỷ lệ đáng kể trong những nguyên nhân mắc bệnh và góp phần gây tử vong sơ sinh. Cải thiện vấn đề chăm sóc trẻ sinh non sẽ góp phần cải thiện tử vong sơ sinh. Chi phí phòng ngừa cũng như điều trị trẻ sinh non tương đối cao. NGUYÊN NHÂN SINH NON1. Các yếu tố dịch tễ:Một số yếu tố dịch tễ được xem là có liên quan và làm tăng tỷ lệ sinh non. Những yếu tố đi kèm theo trẻ sinh non, nhưng không nhất thiết là nguyên nhân trực tiếp bao gồm chủng tộc, tuổi, tình trạng kinh tế xã hội, tình trạng hôn nhân, nghiện thuốc lá và tiền căn sản khoa như số lần sinh, số lần sẩy thai và sinh non trước đó, số lần thai lưu và sơ sinh tử vong trước đó, cũng như tình trạng xuất huyết và bệnh lý đồng miễn dịch. Phụ nữ da đen có tỷ lệ sinh non là 18,6%, cao hơn phụ nữ da trắng (8,3%). Một nghiên cứu thống kê sản khoa cho thấy phụ nữ da màu có tỷ lệ sinh non cao gấp đôi phụ nữ da trắng. Phụ nữ mọi chủng tộc dưới 15 tuổi có tỷ lệ sinh non cao nhất, trong khi phụ nữ trong nhóm tuổi từ 25-29 có tỷ lệ sinh non thấp nhất. Tác giả Boldman và Reeds đã ghi nhận tỷ lệ sinh non gia tăng ở vùng đô thị có thu nhập thấp, vùng thiếu các phương tiện truyền thông và báo chí, vùng có tỷ lệ thầy thuốc thấp. Phụ nữ sinh được miễn giảm chi phí có tỷ lệ sinh non cao hơn 67-84% phụ nữ sinh dịch vụ tư. Tác giả Baird cho thấy vợ của công nhân có tỷ lệ sinh non cao nhất, vợ của nông dân có tỷ lệ sinh non thấp nhất, vợ của công chức và lao động thủ công có tỷ lệ sinh non trung bình. Phần lớn các trường hợp sinh non không tìm thấy nguyên nhân rõ ràng và thường được xem là vô căn. Nguyên nhân sinh non cũng có thể do thầy thuốc chủ động mổ bắt con sớm và ước tính tuổi thai sai. Siêu âm xác định tuổi thai và xét nghiệm độ trưởng thành của phôi giúp cải thiện độ chính xác của ước tính tuổi thai. Các bệnh lý cấp tính ở bà mẹ kèm với sốt như viêm đài bể thận, nhiễm siêu vi có thể gây sinh non và việc tử cung tăng co bóp được quy cho tác dụng của prostaglandins phóng thích ra khi mẹ sốt. Các bệnh lý mãn tính ở mẹ như bệnh tim, thận hoặc cao huyết áp kèm với sinh nhẹ cân nhưng không chắc là sinh non. Các bệnh lý nội tiết kèm tăng nguy cơ sinh non bao gồm cường giáp, cường phó giáp và cường tuyến thượng thận. Chấn thương vùng bụng cũng có thể gây sinh non. Nhiều nghiên cứu cho thấy khoái cảm tình dục vào tháng cuối thai kỳ làm tăng co thắt tử cung và tăng tỷ lệ sinh non. Có một số tác nhân như mycoplasma thường được phân lập ở cổ tử cung của bà mẹ sinh non. Tuy nhiên mối liên quan giữa nhiễm trùng sinh dục và sinh non chưa được xác định rõ. Các bất thường di truyền của thai kèm với sinh non và thai lưu, sẩy thai sau 2 đến 3 tuần. Xuất huyết trước sinh do nhau tiền đạo hoặc nhau bong non kèm tăng tỷ lệ sinh non. Phụ nữ da trắng chưa kết hôn có tỷ lệ sinh non cao hơn 90% so với phụ nữ da trắng đã kết hôn. Với mọi chủng tộc nói chung, trẻ sinh hoang có tỷ lệ sinh non cao. Nghiện và hút thuốc lá sẽ làm tăng nguy cơ sinh non và nhẹ cân so với tuổi thai. Sinh non thường xảy ra vào lần sinh đầu tiên và sau lần sinh thứ tư. Tuy nhiên, số lần sinh có vẻ không ảnh hưởng đáng kể lên tỷ lệ sinh non. Tiền căn mẹ sẩy thai, thai lưu, sinh non trước đó, xuất huyết trước sinh (do nhau tiền đạo và nhau bong non), bệnh lý đồng miễn dịch đều làm tăng tỷ lệ sinh non. 2. Các yếu tố bệnh căn Các yếu tố bệnh căn có liên quan đến sinh non được chia làm 4 nhóm: thuộc về bà mẹ, về nhau thai, về tử cung và về thầy thuốc. Các yếu tố bệnh căn sinh non
Các yếu tố thuộc về tử cung như tử cung quá căng do đa ối hoặc đa thai thường làm tăng co thắt tử cung và dẫn đến sinh non. Sinh non gặp ở 30-47% trường hợp sinh đôi và cao gấp đôi ở sản phụ đa ối so với không đa ối. 10% tổng số trẻ sinh non thuộc nhóm đa thai và việc đặt các dụng cụ ngừa thai trong tử cung cũng làm tăng nguy cơ sinh non. Bà mẹ bị dị dạng tử cung có tỷ lệ sinh non đến 20%, nếu thai kỳ đã tiến triển trên 20 tuần. Gần đây, người ta phát hiện 16% bà mẹ sinh non có bất thường bẩm sinh tử cung và 8% có hở eo cổ tử cung. Vỡ ối sớm gặp ở 15-34% trẻ sinh non, nhưng vấn đề là ở chỗ nguyên nhân gây vỡ ối sớm là yếu tố gây khởi phát co thắt tử cung hơn là bản thân của vỡ ối sớm. Người ta nhận thấy nhiễm trùng ối có thể gây sinh non mà không có vỡ ối sớm. Cổ tử cung hở trên 8mm có làm tăng nguy cơ sinh non ở bà mẹ đã có sẩy thai trước đó. Chấn thương cổ tử cung, phá thai to (14 tuần) có thể góp phần sinh non sau đó. DỰ ĐOÁN SINH NONCác yếu tố nguy cơ cao kèm sinh non đã được sử dụng để dự đoán sinh non, tuy nhiên độ chính xác của chúng còn thấp. Sử dụng các yếu tố nguy cơ cao như tuổi, tầng lớp xã hội, hút thuốc, sẩy thai trước đó, tác giả Fechick chỉ nhận biết được 9% số con so và 25% con rạ có sinh non. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu khác cho thấy việc dự đoán sinh non cao gấp 3 lần sinh non thực tế. |