ĐAU ĐẺ VÀ VẤN ĐỀ ĐẺ KHÔNG ĐAU
BS. PHÓ ĐỨC NHUẬN
Từ xưa đến nay Đẻ và Đau được coi là một phạm trù "Nhân - Quả". Dân gian ta
đã từng có câu "Đau đẻ, ngứa ghẻ, đòn ghen"; đồng bào miền Nam lại hay nói
"phải banh da, xẻ thịt" mới đẻ được con ra đời. Trong thực tế có những bà mẹ
khi chuyển dạ, đến cơn đau do dạ con co bóp người thì nhăn nhó, chảy nước
mắt, suýt xoa, rên rỉ, kẻ thì kêu trời, la hét; có người còn hoảng loạn, bò
lê bò càng trên sàn phòng đẻ. Tuy nhiên không phải không có người chuyển dạ
và sinh đẻ một cách nhẹ nhàng. Họ chỉ cảm thấy hơi tức bụng, mỏi lưng rồi
đến khi mót rặn thì chỉ sau vài ba hơi cháu bé đã chào đời. Tác giả bài viết
này khi mới tốt nghiệp, nhận trực đỡ đẻ tại một bệnh viện huyện miền núi
được bàn giao một bà có cổ dạ con mở hết sắp đẻ đến nơi, nhưng khi vào phòng
đẻ chẳng thấy ai, chỉ thấy ở phòng chờ ba cặp vợ chồng đang ăn cơm nên phải
hỏi: "Ai là bà... được bàn giao sắp đẻ đây?" thì một bà trong số các cặp vợ
chồng đó tươi cười trả lời "Tôi đây chú ạ, tôi ăn vội miếng cơm để có sức mà
chú!".
Vậy sự thật đẻ có đau không?
Nghiên cứu về sinh lý chuyển dạ đẻ, người ta biết rằng đó là một quá
trình sinh lý diễn ra để kết thúc thai nghén và trong các tháng mang thai,
cơ thể bà mẹ được chuẩn bị kỹ lưỡng để tạo điều kiện cho đứa trẻ trong dạ
con chui qua đường sinh sản ra ngoài: đó là tình trạng giữ nước trong cơ thể
cộng với tác dụng của các hormon sinh sản (lúc đầu là của buồng trứng, sau
đó là của bánh nhau) nên các mô được mềm ra, có khả năng giãn ra rất nhiều.
Ngay cả các gân (giây chằng) bám quanh các khớp xương vùng chậu hông cũng
mềm, lỏng ra khiến các khớp xương này cũng có thể giãn cho khung xương chậu
rộng thêm khá nhiều trong quá trình rặn đẻ. Khi chuyển dạ các cơ dạ con phải
co bóp. Lúc đầu các cơn co này nhẹ, ngắn, thưa; càng về sau các cơn co đó
càng mạnh, càng dài và càng mau hơn lên. Nhờ các cơn co dạ con, cổ dạ con sẽ
mở rộng dần và ngôi thai sẽ được đẩy dần xuống thấp. Đến khi cổ dạ con mở
hết (10 cm) và khi ngôi thai đã xuống thấp trong âm đạo thì bà mẹ có cảm
giác mót rặn. Trong cơn rặn, cùng với cơn co dạ con còn có sự co bóp của các
cơ thành bụng và cơ hoành giúp tăng sức đẩy cho thai ra ngoài. Dựa trên đặc
điểm sinh lý đó, một số nhà nghiên cứu cho rằng đẻ phải là một quá trình
không gây đau đớn cho bà mẹ nhưng sở dĩ bà mẹ thấy đau là do phản xạ được
tạo nên từ đời này qua đời khác người ta đã truyền cho nhau rằng "đẻ thì
phải đau" hoặc "không đau thì sao mà đẻ được".
Tác
giả là một thầy thuốc sản khoa thực hành, không dám phản bác lại ý kiến nêu
trên nhưng qua chăm sóc các bà mẹ chuyển dạ và sinh đẻ tôi nghĩ họ có đau
đớn thật sự. Hơn nữa nếu quan sát các loài sinh vật, gần gũi nhất là các gia
súc nuôi trong nhà khi sinh đẻ, ta đều thấy chúng quằn quại rên rỉ, biểu
hiện một nỗi đau nhất định, mà đối với chúng làm gì có ai "truyền" cho ý
tưởng "đẻ phải đau" để chúng có phản xạ có điều kiện này đâu.
Tuy
nhiên, cũng qua theo dõi các bà mẹ "vượt cạn", các thầy thuốc sản khoa đều
có nhận xét rất giống nhau là nếu bà mẹ nào bước vào cuộc chuyển dạ với thái
độ chủ động, bình tĩnh, tin tưởng ở chính mình và ở cán bộ chuyên môn thì
các bà mẹ này sẽ trải qua cuộc đẻ một cách tương đối dễ dàng, ít đau đớn.
Ngược lại những bà mẹ bước vào cuộc đẻ với tâm trạng lo lắng, thiếu tự tin,
luôn nghĩ đến các điều không may có thể xảy ra cho mình, không tin tưởng ở
thầy thuốc và nhân viên phục vụ thì cuộc sinh đẻ của họ thường vất vả, đau
đớn nhiều, thậm chí có khi còn bị tai biến. Nói tóm lại yếu tố tâm lý đối
với bà mẹ khi sinh đẻ là điều rất quan trọng và có ảnh hưởng đến mức độ đau
đớn, vật vã của họ trong giai đoạn này. Cũng do yếu tố tâm lý này mà "ngưỡng
đau" ở mỗi người một khác. Trên máy ghi cường độ cơn co dạ con trong chuyển
dạ người ta thấy khi cơn co đạt đến áp lực 25mm thủy ngân thì hầu hết các bà
mẹ bắt đầu thấy đau; nhưng với người có tâm lý vững vàng thì mức gây đau có
thể cao hơn và ngược lại ở người có trạng thái tâm lý không tốt, luôn luôn
hoang mang lo sợ thì chưa cần tới "ngưỡng" đau họ đã thấy đau đớn và đã rên
rỉ, kêu la rồi.
Chính vì để tạo tâm lý tốt, thuận lợi cho các bà mẹ khi đi đẻ mà ở các bệnh
viện, thầy thuốc, nữ hộ sinh và các nhân viên phục vụ luôn luôn được nhắc
nhở phải tạo điều kiện dễ chịu, thân mật, thông cảm với sản phụ. Có bệnh
viện còn tổ chức các lớp học cho các bà mẹ tương lai để hướng dẫn cho họ
biết quá trình sinh lý khi chuyển dạ và sinh đẻ; cho sản phụ tiếp xúc với
nhân viên phòng đẻ và nơi họ sẽ được chăm sóc, theo dõi khi đến đẻ để bà mẹ
không còn cảm thấy xa lạ, nhân viên phục vụ đã như người bạn quen từ trước.
Ở các nước phát triển, cơ sở đẻ rộng rãi, số người đẻ hàng ngày không nhiều,
người ta còn cho người chồng vào ngồi bên cạnh người vợ lúc chuyển dạ và khi
sinh để tạo sự yên tâm cao nhất cho sản phụ, đồng thời cũng còn tác dụng
giúp người chồng hiểu được nỗi đau đớn, vất vả của "một nửa cuộc đời mình"
khi sinh nở và từ đó sẽ có tình cảm tốt đẹp hơn, trách nhiệm hơn đối với vợ
con. Những điều nói trên chính là cơ sở của phương pháp "đẻ không đau" bằng
tâm lý.
Ngoài phương pháp tâm lý nói trên, từ xa xưa người ta đã cố gắng tìm mọi
cách để giảm đau cho bà mẹ khi đẻ, từ việc dùng các thuốc gây mê toàn thân
đến các thuốc an thần kinh nhưng các biện pháp đó tuy có giảm được nỗi đau
cho bà mẹ lại ít nhiều có ảnh hưởng xấu đến thai nhi do cuộc chuyển dạ kéo
dài hàng chục tiếng đồng hồ. Hiện nay biện pháp gây tê ngoài màng cứng để
giảm đau khi đẻ là biện pháp được sử dụng rộng rãi ở các nước phát triển
bằng cách luồn vào khoang ngoài màng cứng của tủy sống qua khe đốt sống thắt
lưng một ống dẫn rất nhỏ và lưu tại đó để bơm thuốc tê vào sẽ làm mất hoàn
toàn cảm giác đau khi chuyển dạ. Lượng thuốc tê này thường xuyên được bổ
sung khi cần thiết, nhờ đó bà mẹ vẫn tỉnh táo trong suốt quá trình chuyển dạ
và đẻ nhưng không hề đau đớn và thuốc không gây ảnh hưởng xấu nào đối với
thai nhi.
Để
kết luận, có thể nói rằng đẻ có thể kèm theo đau đớn nhưng mức độ đau đó ở
mỗi người một khác. Nếu bà mẹ là người có hiểu biết, chủ động, yên tâm, tự
tin thì mức độ đau sẽ chịu đựng được; ngược lại khi bà mẹ quá lo lắng, thiếu
an tâm, không tin tưởng ở cơ sở phục vụ thì cuộc đẻ sẽ có nhiều vất vả và
đau đớn sẽ tăng lên. Các biện pháp hỗ trợ cho bà mẹ đẻ không đau đều ít
nhiều có tác dụng tốt, giảm được nỗi đau đớn, vất vả của người "vượt cạn".