Cách xử trí những điều khó chịu khi mang thai
Không nên đứng hoặc ngồi quá lâu. |
Khi bị chuột rút, bạn hãy duỗi thẳng chân rồi từ từ hướng ngón chân về phía trước, cơ sẽ giãn ra. Muốn tránh bị chuột rút, bạn đừng đứng quá lâu.
Đó là một trong những mẹo vặt để khắc phục những rắc rối mà nhiều phụ nữ vẫn gặp phải trong thai kỳ. Sau đây là một số hiện tượng khó chịu khác và cách xử trí.
- Buồn nôn, nôn: Hãy thay đổi cách nấu nướng cho dễ ăn hơn. Tránh ăn các thức ăn có mùi làm bạn khó chịu. Đừng để quá đói hoặc ăn quá no vì 2 trạng thái này đều làm dạ dày khó chịu, dễ gây buồn nôn. Nếu hay bị nôn vào sáng sớm thì khi thức giấc, bạn đừng vội trở dậy mà hãy nằm yên trên giường và ăn nhẹ.
- Khó tiêu, đầy hơi, đau dạ dày, táo bón: Nên ăn thức ăn có nhiều chất xơ như rau, hoa quả. Tránh các chất cay nóng, đồ hộp, đồ uống có ga. Nên ăn thành nhiều bữa nhỏ và ăn chậm, nhai kỹ. Sau khi ăn đừng nằm xuống ngay. Nên vận động, tập thể dục nhưng không tập những động tác cúi gập lưng. Khi ngủ nhớ kê cao đầu và ngực.
- Đau lưng: Luôn giữ lưng thẳng cả khi đứng hoặc ngồi. Nếu muốn nhấc vật gì, hãy ngồi xổm xuống rồi đứng lên, dùng khớp gối chứ đừng cong lưng. Cần thường xuyên thay đổi vị trí, tư thế vì việc ngồi hay đứng lâu đều gây đau lưng. Không nên đi giày hoặc dép cao gót.
- Phù bàn chân và mắt cá: Khi nằm nghỉ, bạn hãy gác chân lên cao. Nên ăn uống tốt và uống nhiều nước nhưng đừng ăn mặn quá. Nếu thấy cả tay và mặt đều phù thì đó là dấu hiệu đáng ngại, phải đi khám ngay.
- Giãn tĩnh mạch hậu môn: Đừng bao giờ ngồi quá lâu, nên ăn nhiều thức ăn có xơ để tránh táo bón. Khi nằm, nên nằm nghiêng bên trái (để tử cung không đè vào mạch máu lớn nuôi dưỡng thai), nếu nằm ngửa thì kê gối dưới mông. Muốn dùng thuốc nhuận tràng hay bôi thuốc hậu môn thì phải hỏi ý kiến bác sĩ.
- Giãn tĩnh mạch chân: Tránh nâng các vật nặng, thỉnh thoảng nằm thẳng để cho chân được nghỉ. Nếu phải đứng làm bếp lâu, hãy đứng một chân và thả lỏng một chân, chân nghỉ đặt cao hơn, thỉnh thoảng đổi chân. Hãy mặc quần áo rộng rãi, hằng ngày để ra một chút thời gian để tập thể dục.
- Chóng mặt, hoa mắt: Không ngồi dậy hoặc đứng lên một cách đột ngột mà vận động từ từ để não khỏi thiếu máu. Tăng cường các thức ăn bổ máu như thịt, cá, trứng, sữa, đậu, lạc. Bạn cũng nên uống thêm thuốc có chứa sắt. Nếu đôi lúc cảm thấy chóng mặt, hãy nằm xuống hoặc ngồi cúi đầu giữa 2 đầu gối để máu lên não nhiều hơn. Nếu hiện tượng này xảy ra liên tục thì bạn cần phải đi khám.
- Khó ngủ: Bạn hãy tập thể dục, hoạt động nhiều vào ban ngày. Phòng ngủ phải thoáng khí. Chọn tư thế ngủ phù hợp (nhiều bà mẹ thích nằm nghiêng, kê mình lên một cái gối).
- Khó thở: Khi đứng hoặc ngồi phải thẳng lưng. Khi nằm phải nằm nghiêng, nếu nằm ngửa thì đặt gối nâng đầu và ngực lên cao. Nếu tình trạng khó thở kéo dài thì bạn nên đi khám.
- Cơ quan sinh dục ướt át khó chịu: Nên mặc quần áo lót bằng vải bông và mặc quần rộng cho thoáng khí. Nếu âm đạo tiết dịch nhiều, bạn hãy lót vải thấm hoặc dùng băng vệ sinh mỏng. Sau khi đi vệ sinh, bạn lau rửa từ phía trước ra sau. Nếu dịch âm đạo hôi, có màu vàng, hồng, nâu hoặc bạn thấy ngứa nhiều ở cửa mình thì nên đi khám để được điều trị ngay.
Nông nghiệp Việt Nam