THUYÊN TẮC ỐI
BS. BÙI THANH VÂN
Thuyên tắc ối là một
nguyên nhân gây đột tử cho sản phụ trong chuyển dạ, là nỗi kinh hoàng cho
các nhà làm công tác sản khoa, vì tỷ lệ tử vong gần như là 100%, phương pháp
dự phòng hầu như chỉ là việc làm sao để hạn chế việc sinh đẻ.
Theo nhiều tác giả, tần
suất thuyên tắc ối xảy ra là rất hiếm, tuy nhiên, với số lượng sinh đẻ quá
lớn như hiện nay, thì khó mà tránh được những trường hợp tử vong gây đau đớn
cho mọi người, và đôi khi là cả một nỗi hàm oan cho các y, bác sĩ sản khoa,
vì chỉ độ nửa giờ trước khi xảy ra biến cố, sản phụ là một người hoàn toàn
khỏe mạnh. Hơn nữa, tử vong trong thuyên tắc ối thường không chỉ lấy đi tính
mạng người mẹ, mà đôi khi là cả em bé còn trong bụng mẹ, nên nỗi đau sẽ càng
tăng lên gấp bội.
Thuyên tắc ối là bệnh lý
nước ối đi vào tuần hoàn của mẹ.
Thuyên tắc ối phát triển
trên nền tảng:
1. Có lỗ rách màng ối và
màng đệm.
2. Các tĩnh mạch tử cung
hay cổ tử cung hở ra.
3. Áp lực buồng tử cung
đủ mạnh để đẩy nước ối vào tĩnh mạch.
Nhau bong ở bờ, tổn
thương tử cung hay cổ tử cung, tạo nên ngõ vào tuần hoàn của mẹ. Thường gặp
trong các trường hợp chuyển dạ nhanh. Cơn gò tử cung nhiều cũng có thể làm
suy thai, dẫn đến thoát phân su vào nước ối, cũng làm tăng độc tính của nước
ối khi đi vào tuần hoàn của mẹ. Khả năng gây tử vong của việc nước ối đi vào
tĩnh mạch thay đổi rất đáng kể, phụ thuộc vào các thành phần chứa trong nước
ối. Khả năng gây tử vong cao nhất khi trong nước ối có nhiều bã thai (tế
bào, lông tóc, chất gây...) và nhất là phân su sệt.
Cơ chế bệnh sinh: Tác giả Schneider (1955) đã chứng
minh khả năng gây tử vong cao khi truyền nước ối vào tĩnh mạch chó thí
nghiệm, nhất là nước ối có phân su. Người ta hình dung những thành phần của
nước ối bao gồm tế bào da thai nhi bị bong ra, lông tóc, chất gây, và chất
nhày... được các cơn co tử cung mạnh bơm từ túi ối bị vỡ vào tĩnh mạch tử
cung. Sự tắc nghẽn trầm trọng mạch máu phổi do các thành phần trên hoặc từ
fibrin được thành lập trong mạch máu sẽ dẫn đến suy tim cấp do tắc nghẽn
phổi - như tác giả Schneider và Henry (1968) đã gọi là một bệnh cảnh Tâm-phế
cấp. Nếu bệnh nhân không tử vong ngay sau trụy tuần hoàn đầu tiên này, thì
chẳng bao lâu sau, máu sẽ chảy từ các mạch máu bị vỡ do rối loạn đông máu.
Tiểu cầu giảm nặng, máu đông kém, các cục máu đông nhỏ, mềm và dễ tan.
Triệu chứng lâm sàng: Những dấu hiệu thường xảy ra đột
ngột, trên những sản phụ chuyển dạ kéo dài, sau khi đã sổ nhau, hoặc xảy ra
ở những sản phụ đang chuyển dạ trong thời kỳ xóa mở cổ tử cung. Đặc điểm
bệnh lý là không có một dấu hiệu gì có thể báo trước.
- Bệnh nhân đau ngực dữ
dội và đột ngột.
- Giãy giụa mãnh liệt.
- Nôn thốc tháo.
- Khó thở xuất hiện một
cách đột ngột, nhanh chóng và rất kịch liệt.
- Bệnh nhân thấy thiếu
oxy nên có vẻ hốt hoảng, sợ hãi như có cảm giác sắp chết.
- Tím tái toàn thân.
- Trụy tim mạch làm cho
bệnh nhân chết nhanh chóng.
- Chảy máu dữ dội và đột
ngột ngay từ khi sổ nhau, sự chảy máu không phụ thuộc vào sự co bóp của tử
cung.
- Máu loãng không đông.
Các yếu tố nguy cơ
- Chuyển dạ kéo dài.
- Chuyển dạ có cơn co tử
cung mạnh.
- Rối loạn co bóp giữa
thân tử cung và cổ tử cung.
- Nhau bong non.
- Nhau bám thấp hay nhau
tiền đạo.
Chẩn đoán lâm sàng: dựa trên
- 3 hội chứng: Suy hô hấp.
Suy
tuần hoàn.
Hội
chứng xuất huyết.
- 2 biến chứng: Thần kinh: hôn mê, co giật.
Suy
thận thực thể.
Chẩn đoán xác định
chắc chắn: Nhờ
vào quan sát vi thể giải phẫu bệnh tìm thấy các thành phần của nước ối trong
mạch máu phổi của bà mẹ.
Điều trị: Nhằm 3 mục tiêu:
Cung cấp oxy.
Duy
trì cung lượng tim và huyết áp.
Điều trị rối loạn đông máu.
Tóm lại: Khi vận động sinh đẻ có kế hoạch,
người ta thường chỉ nghĩ đến khía cạnh xã hội của vấn đề sinh đẻ có kế hoạch
như: để phát triển kinh tế quốc gia, khả năng gia đình chỉ có thể nuôi dạy
tốt nếu có ít con, tuy nhiên vấn đề quan trọng hơn nữa là để đảm bảo sức
khỏe và tính mạng bà mẹ thì ít được nhắc đến hơn. Thật vậy, tỷ lệ tử vong
của bà mẹ có liên quan đến vấn đề sinh đẻ ở các nước đang phát triển cao gấp
hàng chục lần ở các nước phát triển. Tuy vậy, dù ở những nước phát triển
cũng có những trường hợp tử vong đột ngột trong chuyển dạ, mà ngay cả nền y
học tiên tiến nhất cũng đành bó tay, đó là trường hợp của thuyên tắc ối. Tần
suất rất thấp (chỉ khoảng 1/10.000 - 1/20.000 cuộc sinh) nhưng tỷ lệ tử vong
rất cao.
Xin mượn lời của tác giả
Schneider (1955) để kết luận: "Trong thuyên tắc ối, 99% bệnh nhân tử
vong, còn lại 1% bệnh nhân chẩn đoán sai là thuyên tắc ối". Vì vậy, muốn
phòng ngừa, biện pháp duy nhất là hạn chế sinh đẻ.