Tuổi mang thai và những nguy cơ thường gặp
Ở bất cứ tuổi nào, việc thai nghén cũng đều tiềm ẩn cả hai mặt tốt và không tốt. Từ tuổi vị thành niên muộn (17-19), phụ nữ đã hoàn toàn đủ điều kiện thể chất để có thai (tiềm năng sinh sản cao, cơ thể lại khoẻ mạnh).
Thai nghén tuổi vị thành niên
Có thai ở tuổi này thường là ngoài ý muốn, ngoài hôn nhân và là một thách thức rất lớn. Nhiều em đã có những quyết định thiếu cân nhắc khi phát hiện có thai và khi phải đối diện với nhiều áp lực: xã hội, gia đình, bạn bè và cả những khó khăn về tiền bạc. Ở thời điểm này, các em gái rất cần được hỗ trợ về mặt tâm lý để sớm có quyết định hợp lý nhất.
Có em sợ không dám nói thật với người thân trong gia đình, tìm cách giấu tình trạng có thai. Đây là lý do chính khiến các em gái để cho thai nghén phát triển tới mức không còn phá được. Nhiều em khác lại lần lữa trong quyết định giữ thai hay phá thai vì còn chờ đợi thái độ của bạn tình...
Cần chăm sóc
thai nghén cho trẻ vị thành niên (dù chưa kết hôn) một cách tận tình
vì phần lớn các em không đủ điều kiện để tự lo cho mình, làm tăng
nguy cơ cho cả mẹ và con (khi còn trong bụng mẹ cũng như khi sinh
ra).
Thai nghén tuổi 20
Biến chứng thai nghén ở tuổi 20 không cao, nhưng không thể coi nhẹ
việc chăm sóc trong thời gian mang thai và bảo đảm điều kiện để được
tiếp cận dễ dàng với cơ sở y tế nhằm phòng ngừa và phát hiện những
diễn biến không bình thường. Cần khám tổng thể cho mẹ và thực hiện
các thăm dò cần thiết, chẩn đoán siêu âm để theo dõi tiến trình phát
triển của thai (vị trí nhau bám, lượng nước ối, kích thước đầu thai
nhi...). Nếu là lần đầu có thai thì đây cũng là cơ hội tốt để người
phụ nữ trẻ học cách tự chăm sóc: hài hoà trong làm việc và nghỉ
ngơi, ăn uống an toàn, vận động hợp lý.
Thai nghén tuổi
30
Nhiều phụ nữ có thai lần 2 hay 3 vào độ tuổi này. Sự mỏi mệt do thai nghén thì thường nhiều hơn so với những kỳ thai trước.
Có thai khi đã ngoài 30 tuổi sẽ làm tăng nguy cơ đẻ con bị hội chứng đao (Down) hoặc có khuyết tật ở nhiễm sắc thể. Lý do là tuổi tác làm cho các nhiễm sắc thể ở trứng không tách biệt tốt, chúng dễ kết dính với nhau và khi tạo thành một tổ hợp nhiễm sắc thể nào đó thì có thể dẫn đến hội chứng Down và nhiều bệnh khác do có nhiễm sắc thể thừa. Nếu đã nghi ngờ hội chứng Down, người mẹ phải đối diện với lựa chọn giữ và phá thai. Hai thăm dò hay được làm nhất và cần làm sớm là chọc hút nước ối để xét nghiệm và sinh thiết gai nhau. Cả hai thăm dò này đề tiềm ẩn nguy cơ gây sảy thai.
Một số biến chứng tăng huyết áp, tiểu đường khi có thai tăng lên ở
tuổi này và nếu có thai lần đầu ở giai đoạn muộn của tuổi 30 thì tỷ
lệ phải mổ lấy thai cũng cao hơn.
Thai nghén tuổi 40
Mặc dù nhiều phụ nữ ở tuổi này đã trải qua thai nghén an toàn, sinh con khoẻ mạnh nhưng thực ra việc thai nghén có nhiều nguy cơ. Có cả một danh sách những vấn đề tiềm ẩn hay gặp ở tuổi 40, thường hay xảy ra nhất là tiểu đường và tăng huyết áp khi có thai. Bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ bị tiền sản giật, đẻ non, có vấn đề ở nhau thai, dị tật bẩm sinh hoặc con đẻ ra quá to (trên 4 kg) nhưng lại yếu, giống như "người khổng lồ chân đất sét". Tăng huyết áp cũng là nguyên nhân của nhiều tai biến cho mẹ (sản giật, suy thận...) và cho thai (nhẹ cân, đẻ non...).
Khoảng 40% thai
nghén tuổi 40 kết thúc bằng mổ lấy thai, cao hơn nhiều so với phụ nữ
trẻ, lý do là vì người mẹ muốn tránh những rủi ro khi chuyển dạ. Khả
năng sinh đôi sinh ba cũng nhiều hơn dù không dùng thuốc hỗ trợ sinh
sản và có nhiều nguy cơ hơn cho cả mẹ, con.
Thai nghén
tuổi 50
Có thai vào tuổi 50 chỉ là chuyện cá biệt và những thai nghén này thường có
nhiều biến chứng. Lý do khó có thai là: khả năng sinh sản rất thấp; tăng tỷ lệ
sẩy thai, bay bị bệnh tiểu đường khi có thai; tăng nguy cơ bị tăng huyết áp thai
nghén. Hai bệnh tiểu đường và tăng huyết áp thai nghén dễ dẫn đến tiền sản giật.
Ở tuổi ngũ tuần, khả năng phải mổ lấy thai là trên 40%; nguy cơ sinh con dị tật
bẩm sinh cũng cao nhất. Với đứa trẻ, nhiều nguy cơ có bất thường về nhiễm sắc
thể, thường gặp nhất vẫn là hội chứng Down và nguy cơ sẩy thai, đa thai.
Nhiều y văn cho thấy những thay đổi sinh học đầu tiên về chức năng
sinh sản của phụ nữ đã xảy ra trước khi mãn kinh khá lâu, khoảng
15 năm và thay đổi rõ hơn khoảng 10 năm trước kỳ kinh cuối cùng. Trên 90% phụ nữ
có thể đã giảm khả năng sinh sản vào 5 năm cuối trước mãn kinh, khi chưa xuất
hiện cơn bốc nóng hoặc vã mồ hôi về đêm và cả khi kinh nguyệt vẫn còn đều đặn.
Khả năng sinh sản của phụ nữ đã bắt đầu giảm ngay từ tuổi 27 và giảm nhanh sau tuổi 35. Theo Hội Y học sinh sản Mỹ thì trên 90% phụ nữ dưới 30 vẫn sinh con nhưng chỉ còn 85% có thể sinh con ở độ tuổi 30-34. Tỷ lệ này là 70% ở độ tuổi 35-39 và 35% ở độ tuổi 40-44. Những phụ nữ đến độ tuổi 45 mà vẫn muốn có thai thì chỉ có 10% đạt được kết quả.
Những con số thống kê về sẩy thai tăng theo tuổi tác cũng cho thấy một thực trạng ảm đạm hơn nữa: gần 15% phụ nữ bị sẩy thai dưới 35 tuổi. Tỷ lệ này là 20% ở độ tuổi 35-37, 25% ở độ tuổi 38-40 và 40% ở tuổi tứ tuần.
Có những phương pháp để giúp phụ nữ đạt được nguyện vọng có thai nhưng cơ may cũng giảm nhanh theo tuổi tác. Ví dụ, nhờ điều trị nên tỷ lệ mang thai có thể tăng lên 20% đối với phụ nữ dưới 35 tuổi bị hiếm muộn không rõ nguyên nhân. Tỷ lệ này chỉ còn 10% khi 35-40 tuổi hoặc thấp hơn nữa khi đã ngoài 40. Những cặp vợ chồng muốn thụ thai trong ống nghiệm cũng vấp phải triển vọng xấu tương tự. Tỷ lệ trẻ đẻ ra sống nhờ thụ thai trong ống nghiệm là hơn 30% đối với phụ nữ dưới 30. Nhưng đến tuổi 40 thì tỷ lệ thành công là dưới 10%.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)