Mẹ béo phì, con dễ bị thừa cân
Nguy cơ phát phì ở trẻ có thể nhen nhóm ngay từ trong bụng mẹ. Một nghiên cứu của Mỹ cho thấy, nếu mẹ tăng thừa cân trong thời kỳ đầu mang thai thì đứa con rất dễ bị béo phì trước tuổi đi học.
Nghiên cứu, do tiến sĩ Robert C. Whitaker đến từ Viện Mathematica Policy thực hiện, đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc sớm ngăn chặn hiện tượng béo phì ở trẻ, thậm chí là trước khi chào đời.
"So với trẻ có mẹ đạt mức cân chuẩn trong những tháng thai đầu, nguy cơ béo phì của những em được sinh ra từ mẹ thừa cân cao gấp hai lần, cao điểm là thời kỳ trước tuổi đến trường", Whitaker cho biết. Trong 8.000 trẻ tham gia nghiên cứu, hơn 30% có mẹ từng bị tăng quá nhiều cân vào 3 tháng đầu mang thai. Lên 4 tuổi, cứ 4 trẻ trong số này lại có 1 em bị thừa cân. Trong khi ở nhóm có mẹ bình thường, tỷ lệ này chỉ là 1/10. Trên tạp chí Nhi khoa của Mỹ, Whitaker khẳng định hiện tượng này vẫn xảy ra cho dù có sự tham gia của yếu tố cân nặng lúc sinh của trẻ.
Béo phì là bệnh thường mang tính gia đình, song cho đến nay chưa một công trình nghiên cứu nào đề cập đến mối quan hệ giữa trọng lượng của mẹ trong thời kỳ mang thai và nguy cơ béo phì của bé trước tuổi đi học. Theo Whitaker, có một số giả thuyết về hiện tượng này, trong đó đáng chú ý là khả năng trẻ thừa thưởng một số gene gây béo phì từ mẹ. Ngoài ra, tình trạng thừa cân ở mẹ cũng có thể tác động xấu đến sự phát triển của trẻ khi còn là bào thai. Sự lựa chọn thực phẩm và mức vận động của mẹ cũng ảnh hưởng đến trọng lượng của bé sau này.
Một điều dễ nhận thấy nhất qua nghiên cứu của Whitaker là cần phải phòng ngừa nguy cơ thừa cân ở trẻ trong 3 giai đoạn mấu chốt: trước khi thụ thai, thời kỳ mẹ mang thai và những năm đầu đời của bé.
Mỹ Linh (theo Reuters)