Suy dinh dưỡng bào thai
Thai phụ cần ăn uống đủ chất và lượng. |
Trẻ đẻ đủ tháng cân nặng dưới 2.500 gam được coi là suy dinh dưỡng bào thai; thường do mẹ không ăn uống đầy đủ, làm việc và nghỉ ngơi bất hợp lý khi mang bầu. Nếu trong giai đoạn cuối thai kỳ, mẹ chỉ tăng dưới 6 kg thì chắc chắn bào thai đã bị suy dinh dưỡng.
Suy dinh dưỡng bào thai (SDDBT) là thể suy dinh dưỡng sớm nhất. Ở những trẻ này, các cơ quan như da, cơ, xương, não, gan, thận... đều bị ảnh hưởng mà điều dễ nhận thấy nhất là trẻ sinh ra nhẹ cân. Hậu quả của tình trạng này tùy thuộc vào giai đoạn bào thai bị suy dinh dưỡng (SDD), chế độ nuôi dưỡng trẻ sau khi chào đời.
SDD xảy ra ở 3 tháng cuối của thai kỳ làm cho bộ não chậm phát
triển, sau này trẻ sẽ kém thông minh. Trẻ SDDBT khi chào đời dễ bị
hạ thân nhiệt, hạ đường máu gây rối loạn nhịp thở, hạ canxi máu gây
co giật. Nếu được nuôi dưỡng đúng, trẻ sẽ phát triển tốt và đạt mức
cân nặng bình thường sau 2-3 tháng. Ngược lại, trẻ sẽ tiếp tục bị
suy dinh dưỡng, ốm đau, quặt quẹo, còi cọc, chậm phát triển trí tuệ,
kém thông minh. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, có đến 1/3 số trẻ cân
nặng khi sinh dưới 2.500 gam bị chết trong năm đầu đời.
Với những trẻ bị SDDBT, việc nuôi dưỡng, chăm sóc có tầm quan trọng
đặc biệt. Cần ủ ấm trẻ thường xuyên, tốt nhất là
theo kiểu chuột túi; theo dõi sát sao để phát hiện và xử trí kịp
thời chứng hạ thân nhiệt, đường máu, canxi máu. Tắm rửa rốn hằng
ngày bằng nước sạch. Cho trẻ bú mẹ trong nửa giờ đầu sau khi lọt
lòng; bú mẹ hoàn toàn trong 4-6 tháng đầu đời, bú nhiều lần hơn
những trẻ có cân nặng bình thường. Nếu trẻ bú kém, cần vắt sữa mẹ ra
cốc rồi cho ăn bằng thìa.
Chỉ cho
ăn bổ sung khi trẻ được 5 tháng tuổi, phải bảo đảm khẩu phần có đủ
dinh dưỡng cả về lượng và chất. Ngoài ra, cần cho trẻ uống vitamin
A, vitamin D và tiêm vacxin phòng bệnh đầy đủ theo quy định của
ngành y tế.
Để chủ động phòng ngừa SDDBT, phải có kế hoạch
chăm sóc bà mẹ tương lai ngay từ khi còn nhỏ, không để các em gái bị
SDD, thấp cân, còi cọc. Khi mang thai, cần ăn uống đầy đủ, làm việc,
nghỉ ngơi hợp lý để có thể đạt mức tăng cân trung bình đến cuối thai
kỳ là 10-12 kg; Không để ốm đau, thiếu máu trong khi mang thai, sinh
đẻ.
BS Bạch Thông, Sức Khoẻ & Đời Sống