Thai nhi cảm nhận thế giới như thế nào?
Nhiều bà mẹ muốn biết đứa trẻ trong bụng có nhận ra giọng nói của mình không. Theo các chuyên gia, thai nhi không thể hiểu và nhận ra giọng nói của cha mẹ, mà chỉ cảm thấy sự thay đổi trầm bổng của âm thanh và lâu ngày sẽ quen với sự trầm bổng này, nhất là giọng hát.
Nhiều ông bố, bà mẹ đã cảm nhận được sự thay đổi của con mình ngay
từ khi chúng chưa ra đời và họ tin rằng đứa con cũng nhận ra sự hiện
diện, quan tâm của cha mẹ. Nhưng không ít người cho rằng đây chỉ là
sự tưởng tượng và đứa bé trong bụng mẹ chưa thể có nhận thức. Gần
đây, các chuyên gia đã khám phá ra rằng, cơ quan nhận cảm của bé
phát triển sớm trong bụng mẹ và chúng có thể nhận biết thế giới bên
ngoài qua các giác quan khi được 5-6 tháng. Trước khi sinh ra, bé đã
nghe được tiếng động, rất nhạy cảm với mùi, vị, và có cả xúc giác
nữa.
Cùng với sự tăng trưởng và việc “tự thu xếp” cho mình
khi ở trong bụng mẹ, bé còn phát triển những khả năng cảm nhận không
thể ngờ được. Thai nhi có thể nghe và rất nhạy cảm về vị giác, thính
giác. Sự hiện diện của bé khiến người mẹ phải thay đổi thói quen, sở
thích ăn uống (thèm những thức ăn bất thường khi có thai). Nếu bà mẹ
ăn phải thứ gì khó chịu thì dĩ nhiên bào thai cũng “phản ứng”.
Trong 5 giác quan, thính giác phát triển sớm nhất. Trong giai đoạn bào thai, bé ngủ nhiều hơn thức và âm thanh sẽ đánh thức bé dậy. Đến tháng thứ sáu, bé đã bắt đầu nghe được. Thế giới âm thanh của bé rất khác so với chúng ta, bé không thể nghe âm thanh từ tai của mẹ. Nhiều nghiên cứu cho thấy khi còn trong bụng mẹ, bé thường nghe được những âm thanh trầm hơn là âm thanh cao, nghe được tiếng tim đập của mẹ, âm thanh hoạt động của dạ dày mẹ và tiếng động của máu qua nhau thai nuôi mình. Những âm thanh đó chỉ vào khoảng 30 decibel (tương đương tiếng thì thầm trong một phòng kín).
Giáo sư Jean Pierre Relier, người có trên 30 năm kinh nghiệm theo
dõi giai đoạn trước sinh cho sản phụ ở Bệnh viện Port Royal (Paris,
Pháp) cho rằng, đứa bé sắp chào đời có khả năng xúc giác tinh tế hơn
chúng ta nghĩ, nó có thể nhận biết sự khác biệt khi bố mẹ mơn trớn
và âu yếm.
Điều đáng ngạc nhiên là bé có thể nhận biết sở
thích và mùi vị thức ăn mà người mẹ đã dùng. Dù không thở bằng mũi
và ăn bằng miệng nhưng bé vẫn cảm nhận được mùi vị (trong bụng mẹ,
nhau thai sẽ đảm nhận chức năng thở và ăn). Một nghiên cứu ở
Palestin cho thấy, mùi vị của nước ối sau khi sinh tương đồng với
những loại thức ăn mà người mẹ đã dùng trong thời gian có thai, vì
vậy có khả năng bé đã cảm nhận được. Theo giáo sư Relier, mùi của
sữa mẹ sau khi sinh cũng tương tự mùi nước ối trong bụng mẹ và điều
này đã hình thành thói quen mùi vị cho bé.
Rượu, thuốc lá, ma
túy, một số thuốc… rất có hại cho trẻ sắp sinh vì những chất này có
thể qua được hàng rào nhau thai, ảnh hưởng đến sự phát triển năng
lực của bé về sau. Tuy ở trong bụng mẹ nhưng bé rất nhạy cảm với môi
trường khói thuốc. Các nhà khoa học cho biết, những lo âu căng thẳng
của người mẹ cũng tác động đến bé, sự đau đớn của mẹ cũng được bé
cảm nhận và chia sẻ.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)