Mẹ bị cúm, con dễ mắc chứng tâm thần phân liệt
Thai phụ cần tránh nhiễm cúm. |
Nếu thai phụ bị nhiễm cúm, đứa trẻ sinh ra sẽ có nguy cơ phát triển chứng tâm thần phân liệt rất cao khi trưởng thành, các nhà khoa học Mỹ cảnh báo. Nguy cơ mắc bệnh cao gấp 7 lần so với bình thường nếu người mẹ bị cúm trong 3 tháng đầu tiên.
Tình trạng nhiễm cúm khi còn là bào thai chiếm tới 14% số ca bệnh tâm thần phân liệt - tiến sĩ Alan S. Brown đến từ Đại học Tổng hợp Columbia phát biểu tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Tâm thần Mỹ vừa qua. Lần đầu tiên, nhóm của Brown đã thành công trong việc xác định tình trạng nhiễm cúm trong thai kỳ qua phương pháp xét nghiệm máu. Trước đó đã có một vài nghiên cứu về đề tài này, song tất cả đều dựa trên kết quả điều tra người mẹ về quá trình mang thai, hoặc thiết lập mối liên hệ giữa một đợt bùng phát dịch cúm với nguy cơ phát triển bệnh ở một nhóm dân cư xác định.
Trong khi đó, Brown và cộng sự đã tiến hành thử nghiệm kháng thể của virus gây cúm với các mẫu máu lưu trữ lấy từ mẹ của 64 bệnh nhân tâm thần phân liệt và 125 người bình thường.
Kết quả cho thấy, trong 3 tháng đầu của thai kỳ, nếu người mẹ bị nhiễm cúm thì nguy cơ phát triển chứng tâm thần phân liệt ở con cao gấp 7 lần so với người khoẻ mạnh. Nếu tiếp xúc với virus cúm trong 5 tháng đầu thì nguy cơ cao gấp 3 lần.
Bản chất của mối quan hệ giữa bệnh cúm khi mang thai và chứng tâm thần phân liệt vẫn còn là ẩn số. Song theo nhóm nghiên cứu, nó có thể liên quan đến những ảnh hưởng trực tiếp từ virus, hoặc gián tiếp từ những hóa chất mà cơ thể tiết ra để phản ứng với tác nhân gây bệnh.
Kết quả nghiên cứu được xem là lời khuyến cáo chị em trong độ tuổi sinh đẻ cần tiêm phòng bệnh cúm. Tuy nhiên, "việc tiêm phòng trong quá trình mang thai là không cần thiết vì việc này dễ gây ra hậu quả khó lường cho cả mẹ và con", Brown nói.
Mỹ Linh (theo Reuters)