Tiểu đường thai kỳ nguy hiểm cho cả mẹ và con
Mẹ mắc tiểu đường, con dễ bị dị tật. |
Do không được phát hiện tiểu đường trong thời gian mang thai nên chị Nguyễn Thị Xuân (TP HCM) sinh ra một đứa trẻ bị suy hô hấp và mắc bệnh tim bẩm sinh. Còn chị sẽ có nhiều nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thực sự nếu không kịp thời điều chỉnh lối sống.
Chị Xuân có chị ruột bị tiểu đường và bản thân đã một lần có thai chết lưu. Trong quá trình theo dõi thai ở phòng mạch tư, người phụ nữ này không được bác sĩ tầm soát chẩn đoán tiểu đường thai kỳ. Đến khi đau bụng sinh, vào bệnh viện thì kết quả xét nghiệm đường huyết lúc đói của chị lên đến 298 mg% (trị số bình thường là 80-110 mg%). Chị phải sinh mổ; cho ra đời một bé trai nặng 3.950 g nhưng... bị suy hô hấp và mắc bệnh tim bẩm sinh. Các bác sĩ điều trị cho rằng đó là do tình trạng đường huyết cao ở thai phụ đã không được khống chế hiệu quả trong giai đoạn đầu thai kỳ.
Khoa Sản Bệnh viện Hùng Vương TP HCM cũng mới tiếp nhận một phụ nữ 36 tuổi bị thai chết lưu ở tuần thứ 37, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị tiểu đường thai kỳ. Tỷ lệ thai phụ mắc bệnh này hiện khá cao. Một khảo sát tại TP HCM cho thấy có gần 4% số thai phụ mắc bệnh.
Bệnh xuất hiện do sự rối
loạn chuyển hóa đường do thai nghén, dẫn đến tình trạng tăng đường
huyết bệnh lý. Trong số các trường hợp được chẩn đoán trong thai kỳ,
có khoảng 10% đã bị bệnh từ trước khi mang thai và đây là nhóm bệnh
nhân có nguy cơ rất cao.
Đã có không ít thai phụ tử vong vì toan chuyển hóa hay do các biến
chứng khác của tiểu đường thai kỳ. Bệnh hay kèm với cao huyết áp,
bệnh tim mạch, chuyển hóa... và làm suy giảm sức đề kháng, từ đó dẫn
đến tình trạng bội nhiễm hay vết thương khó lành. Tiểu đường thai kỳ
không điều trị tốt có thể dẫn đến những nguy cơ nặng nề đối với thai
nhi, nhất là với thai phụ đã có bệnh từ trước. Các trường hợp không
điều trị ổn định có tần suất thai nhi chết lưu trong bụng hay chết
ngay sau sinh cao gấp 2-4 lần các thai phụ bình thường.
Tần
suất trẻ dị tật bẩm sinh được sinh ra từ những thai phụ có đường
huyết cao trong giai đoạn tạo cơ quan của phôi thai (5-8 tuần sau kỳ
kinh cuối) cao gấp 8 lần bình thường; dị tật tim mạch cao gấp 18 lần
và dị tật hệ thần kinh cao gấp 16 lần. Ngay cả trong các trường hợp
đái tháo đường xuất hiện muộn trong thai kỳ, nguy cơ của thai nhi
như sang chấn lúc sinh hay suy hô hấp... cũng cao hơn nhiều lần so
với bình thường. Nếu không kiểm soát đường huyết tốt, người mẹ dễ bị
sẩy thai, sinh non hoặc thai dễ chết lưu. Con của thai phụ tiểu
đường thai kỳ không được điều trị tốt thường rất nặng cân nhưng lại
dễ bị suy hô hấp, chấn thương trong cuộc sinh, dễ bị nhiễm trùng và
mắc các bệnh lý.
Tuy rất nguy hiểm nhưng các biến chứng nguy hiểm của bệnh có thể
giảm hoặc không xuất hiện nếu thai phụ được quản lý tốt. Theo một
nghiên cứu của Mỹ, ở những thai phụ có tiền sử tiểu đường được điều
trị ổn định từ trước khi mang thai, tần suất sinh con dị tật bẩm
sinh chỉ vào khoảng 1,2%. Con số này lên đến 11% ở nhóm thai phụ
không được điều trị ổn định đường huyết.
Thai phụ tiểu đường sẽ được điều trị bằng chế độ ăn thích hợp, vừa cung cấp đủ dinh dưỡng cho thai nhi và hoạt động của mẹ, tránh được biến chứng toan hóa do thiếu dinh dưỡng, vừa tránh đường huyết lên quá cao. Nên ăn nhiều bữa, thường là khoảng 6 bữa/ngày, tránh để đói vào đêm khuya và rạng sáng. Trường hợp không thể khống chế đường huyết bằng chế độ ăn, người bệnh sẽ được điều trị bằng tiêm Insuline.
Song song với điều trị ổn định đường huyết, tình trạng phát triển của thai nhi cần được theo dõi sát sao qua siêu âm định kỳ hay các thử nghiệm đánh giá sức khỏe thai, đặc biệt trong những tuần lễ cuối.
Trong vòng 20 năm sau sinh, hơn 50% thai phụ tiểu đường thai kỳ sẽ bị tiểu đường thật sự. Do đó, sau khi sinh, người bệnh cần tái khám để phát hiện và điều trị tình trạng tiểu đường còn tồn tại.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)