Các kiểu nghén kỳ lạ
Khi mang thai, chị Trần Thanh Vân, một bác sĩ ở Đà Nẵng, ăn được hầu hết các món, chỉ sợ mỗi mùi... ông xã. Chỉ cần anh đứng tít ngoài cửa, chị đã "ngửi" thấy và nôn thốc nôn tháo.
Chỉ cần nói đến từ "nghén" là phần lớn những người đã làm mẹ đều rùng mình, bởi đó là khoảng thời gian vất vả mà người phụ nữ phải chịu đựng. Không chỉ sợ mùi tanh của cá, thèm của chua..., các bà bầu còn có hàng trăm kiểu nghén chẳng giống ai. Không thứ thuốc nào chữa được, không ai có thể đoán biết được mà cũng không sách vở nào ghi hết những "món" mà phụ nữ mang thai... sợ.
Câu chuyện của chị Vân có lẽ là "độc nhất vô nhị". Mang thai đứa con đầu tiên, nữ bác sĩ này thấy mừng vì trong giai đoạn nghén, chị ăn uống được hầu hết các món, không thấy mệt khi gặp những thực phẩm có mùi tanh. Nhưng oái ăm thay, chưa kịp mừng chị đã phát hiện ra hiện tượng vô cùng kỳ lạ: cứ gặp mặt chồng là chị... buồn nôn. Thậm chí nhìn chiếc áo của chồng treo trên móc cửa, chị cũng nôn thốc nôn tháo, ngay cả "mùi" chồng ở trong phòng ngủ cũng làm chị mệt vì nôn. Thử nghiệm thêm nhiều lần, cả nhà khẳng định, chị bị "nghén chồng". Chồng chị lấy làm buồn bực vì không hiểu tại sao vợ lại đi "nghén" mình, nghĩ lẩn thẩn đủ điều...
Rồi khi những băn khoăn, buồn bực ấy qua đi, anh lại day dứt vì không thể gần gũi, chăm sóc cho vợ lúc bụng mang dạ chửa. Thương vợ, anh len lén nhìn, nhưng chị Vân nghén "thính" đến mức chỉ cần anh đứng ngoài cửa phòng nhìn vào, chị đã nghe mùi chồng, dù trước khi đến, anh đã "khử mùi" kỹ càng. Vậy là anh lại phải chứng kiến một trận nôn của chị. Thế là người chồng đành ngậm ngùi nén chặt yêu thương, không dám đến gần vợ suốt thời gian nghén.
Chuyện nghén của chị Huyền My, chủ một hiệu ảnh cưới ở đường Hoàng Diệu, Đà Nẵng cũng "kinh dị" không kém. Chị sợ tất tần tật các loại xà phòng, từ xà phòng tắm, giặt... đến gội. Chính vì vậy mà chị "ghét" và cách ly những ai thơm tho mùi... xà phòng. Không chỉ chị My ngừng sử dụng loại hóa mỹ phẩm mà tất cả mọi người trong gia đình chồng đều phải tránh tắm khi chị ở nhà. Những người không thể không dùng xà phòng thì phải đi nơi khác tắm gội và chỉ được về nhà khi đã... hết mùi. Chồng chị là khổ nhất, dù cố gắng làm biến mùi thì vẫn còn chút ít, vậy là phải chứng kiến cảnh vợ nôn ra mật xanh mật vàng vì mình. Trong thời gian vợ nghén, hễ được sếp phân công đi tỉnh xa là anh vô cùng phấn khởi vì được tắm gội thỏa thích.
Ngay tại chỗ chị My làm việc, đồng nghiệp cũng tránh tắm những loại xà phòng quá thơm. Riêng phần chị, vốn là người sạch sẽ nhưng từ khi mang thai, 10 ngày chị mới gội đầu một lần, tắm không dùng xà phòng. Chị cũng thôi không đụng tay đến chuyện giặt giũ, rửa chén bát.
Chuyện nghén thì mỗi người mỗi kiểu. Nhiều chị khốn khổ gia đình chồng không hiểu, quy kết đủ thứ. Chẳng hạn như chị Nguyễn Thùy Liên ở Hải Châu, Đà Nẵng. Bà bầu này nghén mùi chén bát sau khi ăn. Mỗi khi rửa bát, chị đều bị nôn thốc nên bị cho là... lười, trốn việc.
Cũng không ít người tuy khổ sở vì nghén nhưng lại thấy hạnh phúc vì được chồng tận tụy chăm sóc, an ủi, sớt chia. Thậm chí có nhiều anh chồng còn... nghén giùm vợ. Anh Trần Trung Việt ở quận Sơn Trà, Đà Nẵng, vốn là người "ghét cay ghét đắng" thịt mỡ, vợ mua thịt về dính một chút mỡ là anh đã la lối om sòm, cả khu tập thể đều nghe. Vậy mà khi vợ mang thai được 1 tháng, anh bỗng nhiên thèm thịt mỡ kinh khủng, thèm đến nỗi phải mua nguyên một cục thịt mỡ gần nửa ký lô, đem luộc, chấm mắm ăn dần với cơm. Nhiều ông khi vợ mang thai bỗng dưng thèm... ngủ, giờ nào cũng ngủ, phút nào cũng ngủ, ngay cả trong giờ làm việc, dù trước đây là người "kén" ngủ. Có nhiều ông lại sợ mùi tanh của cá và thèm ngọt ghê gớm, cứ làm việc được một tiếng đồng hồ là lẳng lặng đi kiếm đồ ngọt để ăn...
Những hiện tượng "kỳ cục" trên được lý giải là do sự "thần giao cách cảm" giữa người cha và em bé trong bụng mẹ.
(Theo Thanh Niên)