SINH KHÔNG ÐAU ÐÃ LÀ HIỆN THỰC
Tác giả : Thạc sĩ NGUYỄN DUY ANH (Phó Giám đốc BV. Phụ sản Hà Nội)
Trước nay, y học luôn tìm kiếm những phương pháp làm dịu sự đau đớn trong khi sinh nở. Chẳng hạn từ xa xưa, người Trung Hoa đã sử dụng các loại lá cây làm thuốc gây buồn ngủ, hoặc dùng thuốc phiện đun sôi cho sản phụ ngửi để giảm đau. Người Ba Tư thì từng dùng rượu để giảm đau khi sinh. Còn ở châu Âu, từ thời trung cổ người ta đã áp dụng tâm lý trị liệu pháp như ám thị hoặc làm phân tán tư tưởng.
Từ khi Pavlov tìm ra phản xạ có điều kiện, lý thuyết này đã được các nhà sản khoa Nga áp dụng như một biện pháp tâm lý giúp giảm đau khi sinh. Bác sĩ De Dimand Lamaze đã hoàn chỉnh và áp dụng rộng rãi ở Pháp, được gọi là phương pháp "tâm lý dự phòng" (Psycho prophylaxis) hay phương pháp Lamaze.
NHỮNG NGHIÊN CỨU VÀ PHƯƠNG CÁCH CHẾ NGỰ CƠN ÐAU
Nguyên nhân gây đau khi sinh
- Những nguyên nhân về cơ thể học: Cả tử cung là một khối cơ lớn, co bóp rất mạnh khi chuyển dạ. Sự xóa mở của cổ tử cung, từ một ống cơ khép kín cổ tử cung mở rộng ra tới 10cm để thai xuống; Sự căng giãn quá mức của tử cung vì chứa thai, nhau, ối; Sự căng giãn các dây chằng, phúc mạc và căng giãn cơ, da thành bụng - đều là những yếu tố gây đau.
- Những nguyên nhân về tâm - sinh lý học: Ðó là sự lo sợ, ám ảnh từ những lần sinh trước, do người khác kể lại hoặc do các sản phụ bên cạnh kêu la, khóc lóc vật vã... Lý thuyết Dick - read đã nói rõ về mối liên quan giữa trạng thái lo sợ dẫn đến căng thẳng thần kinh và gây đau đớn.
Hậu quả bất lợi của đau trong cuộc sinh
Nói như vậy có nghĩa là đau cũng có mặt lợi? Ðúng vậy, cơn co tử cung (gây ra các cơn đau) là động lực chính của cuộc chuyển dạ để giúp thai nhi xổ ra ngoài.
Tuy nhiên những cơn đau quá mức sẽ ảnh hưởng xấu tới cả bà mẹ và thai nhi theo cơ chế:
Các phương pháp khống chế cơn đau
Giảm đau không dùng thuốc:
Sản phụ cần được tư vấn tại các lớp tư vấn trước sinh để biết trước về diễn biến cuộc sinh, biết cách tự chăm sóc khi chuyển dạ như: đi lại, ngồi, nằm nghỉ ra sao?; Biết chọn tư thế dễ chịu nhất cho mẹ và có lợi nhất cho thai; Biết cách thở trong và ngoài cơn đau; Cách tập trung tư tưởng để phân tán cảm giác đau.
Ngoài ra, những lời động viên khuyến khích, chia sẻ hoặc cử chỉ trìu mến của nhân viên y tế và người thân sẽ giúp sản phụ thực sự vơi đi sự lo lắng và làm dịu bớt những cơn đau.
Tư thế của sản phụ lúc chuyển dạ và rặn sinh cũng đóng vai trò rất quan trọng. Vì vậy cần giúp sản phụ chọn tư thế dễ chịu nhất. Tư thế rặn sinh cũng vậy. Tư thế nằm ngửa truyền thống sẽ tạo điều kiện tiện lợi cho các nhân viên y tế theo dõi nhưng có khi không thuận lợi cho sản phụ. Có thể chọn tư thế ngồi xổm, nằm nghiêng, thậm chí tư thế đứng dạng chân để theo dõi, giúp kết thúc cuộc sinh dễ dàng và ít đau đớn hơn.
Biết trước về cuộc sinh sẽ giúp sản phụ không hoang mang, lo lắng trước những cơn đau. Và như đã nói, sự động viên an ủi, chăm sóc của nhân viên y tế và người thân có vai trò rất quan trọng giúp sản phụ nhẹ bớt được cơn đau, như thế người đỡ đẻ không chỉ làm việc bằng đôi tay mà còn phải bằng cả trái tim mình.
Những thuốc làm dịu cơn đau:
Thuốc giảm co cơ, an thần, điều hòa cơn co về tần số và cường độ, giúp cổ tử cung mở nhanh rất thường được dùng. Tuy nhiên một số thuốc giảm đau, thuốc an thần sẽ làm giảm sức rặn của sản phụ, giảm chức năng hô hấp, kém đáp ứng với các hướng dẫn của nhân viên y tế. Thậm chí còn có thể tác động tới thần kinh, làm giảm phản xạ của trẻ sơ sinh.
Thuốc gây tê tủy sống:
Ðây là biện pháp làm hết hẳn đau đớn trong cuộc sinh, mà không ảnh hưởng tới sức khỏe của sản phụ và thai nhi. Một Catheter (ống nhựa nhỏ) sẽ được đặt vào vùng ngoài màng cứng ở cột sống thắt lưng để bơm thuốc tê, sản phụ sẽ mất hoàn toàn cảm giác đau khi sinh. Hầu hết các phụ nữ châu Âu rất thích lựa chọn phương pháp này. Tuy nhiên thường chỉ được áp dụng ở các cơ sở sản khoa lớn có điều kiện theo dõi sát tim thai và cơn co qua máy monitor.
Chú thích ảnh: Một buổi tập thể dục trước sinh tại BV. Phụ sản Hà Nội.