ĐIỀU NÊN BIẾT VỀ
THAI CHẾT LƯU
BS. PHÓ ĐỨC NHUẬN
Một sự hiểu nhầm đáng
tiếc
Đêm.
Phòng đẻ yên tĩnh, chỉ có
các bóng áo trắng của thầy thuốc và nhân viên trực đi lại, thăm khám và theo
dõi các sản phụ chờ đẻ.
Bỗng cửa ngoài phòng đẻ
rung lên tiếng khóa va vào cửa sắt và một giọng nói bất bình của người nhà
phụ sản:
"Thai của con tôi đã chết
trong bụng mấy ngày nay mà sao các người không lấy nó ra, để hết sáng đến
chiều, hết chiều đến tối. Liệu các người còn "giam hãm" nó đến bao giờ!"
Ở cửa, hai người đàn bà,
một là mẹ, một là chị sản phụ có thai bị chết lưu đang được theo dõi trong
phòng đẻ, mặt mày tức giận, kêu la ầm ĩ. Thầy thuốc trưởng tua trực mời họ
vào giải thích là con em họ đang được theo dõi chuyển dạ nhưng cổ dạ con mở
chưa hết nên chưa đẻ được. Hai người nhà tỏ ra không tin. Xuống dưới sân
bệnh viện họ còn réo tên bác sĩ trực ra mà mắng.
Thật tội nghiệp cho nhóm
trực. Có lẽ gia đình sản phụ này nghĩ rằng con em họ lên phòng đẻ từ sáng,
các thầy thuốc đã gây "khó dễ", không cho thai ra để "vòi vĩnh" gì chăng.
Vậy thực sự của vấn đề
như thế nào?
Vài nét về thai chết
lưu
Khi thai bị chết nhưng
vẫn nằm "lưu" lại trong dạ con bà mẹ thì gọi là thai chết lưu.
Nếu thai còn ít tháng,
việc xác định thai chết lưu có khó khăn hơn khi thai đã lớn.
Người mẹ có thai chết lưu
thường thấy tự nhiên hết nghén nếu thai còn nhỏ, đang ở trong giai đoạn
nghén. Bụng không to thêm hoặc nếu đã to rồi thì mỗi ngày một nhỏ đi. Nếu
thai đã "máy" hoặc "đạp" thì lúc này không còn máy hay đạp nữa. Sau khi thai
chết vú căng to hơn và tiết sữa non.
Nguyên nhân của thai chết
lưu: do bệnh của người mẹ, bệnh lý hoặc dị dạng của con, do bất thường của
bánh nhau, màng nhau hay dây rốn.
Thai chết lưu trước hết
gây nên cảm giác lo hãi ở người mẹ và mọi người trong gia đình vì bị ám ảnh
bởi việc đang mang một xác chết trong bụng. Tuy nhiên phải nói ngay rằng cái
thai chết đó không gây nên mối nguy hiểm gì cho sức khỏe và tính mạng người
mẹ khi không có biến chứng.
Về tiến triển, thai chết
lưu trong trường hợp còn quá non tháng (1-2 tháng) có thể tự tiêu biến đi.
Nhiều khi chính bà mẹ cũng không biết mình đã có thai và đã chết lưu. Nếu
thai đã lớn thì sẽ sẩy (thai 3-6 tháng), hoặc đẻ (thai trên 6 tháng) ra
ngoài. Tuy vậy thời hạn từ khi thai chết đến lúc sẩy hoặc đẻ ở mỗi người một
khác. Thông thường thai chết ở tuổi thai càng lớn thì thời gian lưu lại
trong dạ con càng ngắn. Quá trình sẩy hoặc đẻ của thai chết lưu diễn biến
như các ca sẩy hoặc đẻ bình thường nhưng thời gian dọa sẩy và chuyển dạ đẻ
thường dài hơn và máu có thể ra nhiều hơn. Cũng phải có các cơn co bóp của
dạ con gây đau, cổ dạ con phải mở hết thì thai mới thể ra được.
Điều nguy hiểm nhất đối
với người bị thai chết lưu là ối bị vỡ sớm khi chưa có dấu hiệu sẩy hay
chuyển dạ, vì qua nơi màng ối rách vi khuẩn sẽ vào buồng ối và dạ con gây
nhiễm khuẩn trầm trọng, nguy hiểm cho tính mạng bà mẹ.
Điều nguy hiểm thứ hai là
khi thai lưu lại quá lâu trong dạ con (3-4 tuần trở lên) bà mẹ có thể bị rối
loạn đông máu gây nên băng huyết nặng sau sẩy hoặc đẻ.
Vì vậy nếu thấy có bất
thường trong khi có thai bà mẹ cần đi khám ngay.
Trở lại việc hiểu nhầm
nêu trên
Trường hợp sản phụ đã nêu
trên là một thai chết lưu ở tuổi thai 9 tháng, đang chuyển dạ đẻ. Ối chưa bị
vỡ, cổ dạ con đang trong quá trình mở rộng dần. Khi gia đình thắc mắc thì cổ
dạ con lúc đó đã mở được 7cm và khoảng một giờ sau, cổ dạ con mở hết, ối
cũng đã vỡ trước đó ít phút, sản phụ đẻ một con đã chết lưu cân nặng 2.500g.
Như vậy cuộc đẻ đã diễn
ra bình thường, không có tai biến gì. Thái độ theo dõi chuyển dạ, chờ đợi
cho đến thời điểm kết thúc cuộc đẻ hoàn toàn phù hợp với đường lối chuyên
môn.
Biết là gia đình mình đã
hiểu lầm, sáng hôm sau, bà mẹ của sản phụ gặp lại nhóm trực cám ơn và xin
lỗi.