Các dị tật bẩm sinh có thể điều trị được bằng vật lý trị liệu
Tác giả : BS. NGUYỄN THỊ PHƯƠNG TẦN (BV. Phụ sản Từ Dũ)
Các dị tật bẩm sinh
trẻ sơ sinh thường gặp có thể điều trị được bằng vật lý trị liệu (VLTL) là trật khớp háng bẩm sinh (TKHBS), bàn chân biến dạng và vẹo cổ.Trước kia các dị tật bẩm sinh này thường bị trì hoãn điều trị vì lý do trẻ sơ sinh còn quá nhỏ. Nếu chờ khi bé lớn lên để giải quyết phẫu thuật các dị tật thì đã quá trễ, không thể điều trị bằng VLTL được.
Ngày nay việc điều trị sớm các dị tật bẩm sinh (DTBS) như TKHBS, bàn chân biến dạng, vẹo cổ không còn là vấn đề khó khăn, đã được áp dụng phổ biến ở các bệnh viện sản khoa và nhi khoa.
BV. Từ Dũ đã áp dụng phương pháp điều trị sớm các tật TKHBS, biến dạng bàn chân, vẹo cổ cho trẻ sơ sinh và trẻ nhũ nhi bằng phương pháp VLTL. Nắn chỉnh bằng tay với các dụng cụ nẹp, băng keo vừa rẻ tiền, vừa tạo cảm giác nhẹ nhàng, thoải mái cho trẻ. Thời gian điều trị ngắn và tránh được phẫu thuật. Ngược lại nếu điều trị trễ hoặc không được điều trị sẽ dẫn đến tàn tật vĩnh viễn.
Khoa Phục hồi chức năng (PHCN) - Làng Hòa Bình, BV. Phụ sản Từ Dũ đã điều trị khỏi bệnh cho nhiều bệnh nhi sơ sinh bị các tật bẩm sinh. Chỉ còn một số rất ít trường hợp cần phải phẫu thuật chỉnh hình.
Cách phát hiện các dị tật bẩm sinh
1. Trật khớp háng bẩm sinh:
Thường dễ phát hiện nếu khám trẻ sơ sinh thấy các dấu hiệu sau:- Barlow.
- Ortholani.
- Không đối xứng các nếp lằn ở mông.
- Ðùi ngắn đùi dài (galleazzi).
- Hạn chế động tác dạng đùi.
- Chân xoay ngoài tạo tư thế nằm bất thường.
- Siêu âm khớp háng: khi có dấu nghi ngờ TKHBS.
Các trẻ sơ sinh sau đây thường có nguy cơ TKHBS:
- Con so, con gái.
- Sinh mổ ngôi mông.
- Ða thai (song thai, tam thai).
- Gia đình có người bị trật khớp háng bẩm sinh.
Khi phát hiện những dấu hiệu trên, nên đưa trẻ điều trị sớm bằng phương pháp VLTL ở khoa Phục hồi chức năng BV. Từ Dũ và các bệnh viện nhi.
Ðể điều trị bảo tồn TKHBS, dùng gối mút chặn giữa 2 đùi theo kích cỡ khoảng cách 2 đùi và theo cân nặng của từng bé, sau đó cố định bằng tã đặc biệt, nhằm giữ cho khớp hông ở tư thế dạng và gập nhẹ theo tư thế sinh lý của khớp háng bình thường. Hoặc sử dụng nẹp Pavlik, cách làm này được theo dõi bằng SA mỗi tháng, khi bé 6 tháng tuổi kiểm tra lại X-quang để đánh giá kết quả điều trị. Sau đó vẫn kiểm tra dáng đi của bé cho đến khi biết đi vững.
2. Biến dạng bàn
chân trẻ sơ sinhThường dễ phát hiện ngay lúc sinh với các dạng bàn chân Talus (bàn chân gót), Varus (bàn chân có gót xoay vào trong), Convexe (bàn chân lồi), pied équin (bàn chân ngựa)...
Tùy theo thể biến dạng sẽ có cách điều trị chỉnh nắn thích hợp. Có thể nắn chỉnh biến dạng bằng tay, xoa bóp cơ của bàn chân để đưa các sụn xương của trẻ về vị trí bình thường.
Cố định bàn chân đã nắn chỉnh bằng băng keo, nẹp nhựa hoặc bó bột. Tái khám tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của biến dạng bàn chân. Theo dõi kiểm tra cho tới khi bé biết đi vững.
Biến dạng bàn chân thường gặp ở trường hợp thai phụ có nước ối ít, đa thai nên các thai chèn ép nhau trong tử cung, sự co kéo màng ối, do di truyền...
3. Vẹo cổ do cơ ở
trẻ nhũ nhiTật này thường được phát hiện trễ, sau sinh từ 3-6 tuần, có những trường hợp muộn 2-3 tháng sau sinh. Vẹo cổ do cơ là hậu quả của sự chèn ép mô mềm trong thời gian mẹ chuyển dạ sinh, tình trạng này gây vỡ tĩnh mạch làm xuất huyết ứ đọng ở cơ ức đòn chũm, làm phù nề cơ, thoái hóa cơ và xơ hóa cơ, tạo u sợi cơ trong cơ ức đòn chũm; thường xảy ra ở trẻ sinh khó, sinh can thiệp, sinh ngôi mông... Ở trẻ sinh thường cũng có thể xảy ra do trường hợp tử cung mẹ quá nhỏ và chật hẹp.
Các triệu chứng thường gặp gần như hằng định ở trẻ vẹo cổ do cơ: Cổ bị nghiêng bên vẹo, mặt xoay sang bên đối diện, cơ ức đòn chũm bị co cứng hoặc có khối u cơ ức đòn chũm. Ðiều trị vẹo cổ do cơ chỉ là xoa bóp vùng cổ, kéo giãn cơ ức đòn chũm bằng cách xoay nghiêng cổ về bên đối diện một cách nhẹ nhàng để tạo sự cân bằng cho cổ. Vẹo cổ do cơ có thể điều trị khỏi bằng phương pháp VLTL. Ðiều trị ngay khi mới phát hiện các biểu hiện không bình thường của cơ ức đòn chũm.
Cần tập cho trẻ 3-4 lần/ ngày, mỗi lần 5-10 phút. Bệnh có thể khỏi nếu kiên trì điều trị.
Các dị tật bẩm sinh như TKHBS, bàn chân biến dạng, vẹo cổ... có thể điều trị được bằng phương pháp VLTL, và nếu điều trị sớm ngay từ khi bé mới sinh sẽ đạt được kết quả phục hồi tốt, tránh tàn tật cho bé về sau.