Sinh mổ chọn ngày: có thể mẹ "tròn" nhưng... con không "vuông"
Tác giả : LOAN PHƯƠNG
NHỮNG QUÝ TỬ ÐÁNG THƯƠNG
7g30 sáng 9/11/2003, bà D.T.H.N., ngụ tại quận 7 được mổ bắt con ở tuần thai thứ 36-37 tại một bệnh viện tư vì có vết mổ lấy thai cũ. Cuộc mổ diễn ra tốt đẹp, bé trai 3,4kg chào đời nhưng 30 phút sau, bé khó thở, rên rỉ và tím tái. BS. Cam Ngọc Phượng - Trưởng khoa Hồi sức sơ sinh (HSSS) Bệnh viện Nhi đồng I (BVNÐ I) - được mời sang hội chẩn, cho chỉ định đặt nội khí quản bóp bóng giúp thở và chuyển bé về BVNÐ I. Dù được hỗ trợ hô hấp với chế độ thở máy đặc biệt tần số cao 100 lần/phút nhưng cho đến nay, sau gần 3 tuần nhập viện, tình trạng suy hô hấp (SHH) của bé vẫn chưa cải thiện.
Trước đó, vào đầu tháng 5/2003, khoa HSSS tiếp nhận một bé trai 3,2kg đủ tháng, con đầu lòng bà P.S., người Hoa ngụ ở quận 10. Bé được mổ bắt con tại một bệnh viện tư vào "ngày giờ tốt" mà gia đình đã xem tử vi! Bé sinh ra hồng hào, khóc tốt nhưng sau đó... SHH nặng, người tím tái, thở rút lõm lồng ngực 100 lần/phút. Bé được thở oxy áp lực dương liên tục qua mũi (NCPAP) với nồng độ oxy trong khí hít vào là 100% nhưng tình trạng SHH không cải thiện, bé được đặt nội khí quản giúp thở bằng máy với áp lực cao. Nhờ sự tận tâm của khoa, bé vượt qua cơn nguy hiểm nhưng phải nằm viện gần 3 tuần.
Cuối tháng 3/2003, một bé trai 2,95kg được mổ bắt con khi thai được 36-37 tuần vào ngày đã được gia đình và BS định trước vì mẹ có vết mổ lấy thai cũ. Sau sinh 1 giờ, bé khó thở và phải thở NSPAP nhưng mức độ SHH tăng dần, bé được đặt nội khí quản giúp thở và nhập khoa HSSS BVNÐ I. Sau 15 ngày thở máy tần số cao, áp lực cao và hỗ trợ với thuốc vận mạch, bé lại bị thêm chứng loạn sản phổi nên phải thở oxy kéo dài. Cha của bé cũng là một bác sĩ đã không ngờ và không hiểu vì sao bé SHH nặng đến vậy! Tiên lượng cứu sống rất mong manh, khoa phải theo dõi sát diễn biến và tiến trình điều trị cho bé vì chỉ cần một thay đổi nhỏ là sự sống của bé có thể bị ảnh hưởng. May mắn là bé vẫn sống và phát triển tốt nhưng phải nằm viện hơn 1 tháng rưỡi.
Cũng trong tháng 3/2003, khoa đã điều trị cho một trẻ được sinh mổ "chủ động" khi gần tới ngày sinh vì... bà mẹ 20 tuổi sợ đau bụng đẻ! Và trong lúc chúng tôi đang viết bài này, cũng có một cú điện thoại gọi đến nhờ hỏi thăm tình hình của người nhà - một bác sĩ "chọn" sinh mổ vì... khó có con! Theo BS. Cam Ngọc Phượng, từ đầu năm đến nay đã có 30 trẻ sơ sinh sinh mổ khi chưa có dấu hiệu chuyển dạ, bị SHH đã được điều trị tại khoa, trong đó 20 trẻ SHH nhẹ, có cơn thở nhanh thoáng qua, 10 trẻ SHH nặng phải nằm viện dài ngày. Ðáng thương nhất là có 2 trẻ đã tử vong vì SHH nặng kèm ngạt lúc sinh.
ÐIỀU KỲ DIỆU CỦA CHUYỂN DẠ
Chiều 19/11/2003, tại buổi sinh hoạt khoa học kỹ thuật của BVNÐ I, Thạc sĩ BS. Phạm Thị Thanh Tâm, đại diện khoa HSSS cảnh báo tình trạng SHH ở trẻ sơ sinh sinh mổ "chọn ngày" - sinh mổ khi chưa khởi phát chuyển dạ, không do bệnh lý của mẹ hoặc của con. Hiện tượng này rộ lên khoảng một năm rưỡi nay, khá nhiều trẻ sinh "gần đủ tháng" được sinh mổ chọn ngày trong khi mẹ không có bệnh lý đặc biệt, không bị vỡ ối sớm; trẻ sinh ra có cân nặng khá tốt từ 3-3,5kg, không dị tật, không ngạt, không bị nhiễm trùng, không hít phân su... Với tình trạng thể chất lý tưởng như vậy và sinh ra trong gia đình có điều kiện kinh tế, đáng ra trẻ phải được chào đời một cách hoàn hảo hơn nhưng chỉ trong vài giờ sau sinh lại SHH nặng và có thể nguy hiểm đến tính mạng. Nguyên nhân duy nhất là do trẻ sinh mổ khi mẹ chưa chuyển dạ.
Nếu sinh tự nhiên, cơ thể trẻ "ép" nhỏ lại để qua âm đạo, dịch chứa trong phổi được tống ra ngoài - như miếng bọt biển sũng nước được vắt khô đi - sau đó, phổi nở ra và dành chỗ cho khí hít vào. Ðặc biệt, trong thời gian chuyển dạ, một số hormone (nội tiết tố) như: Cortisol ACTH, Oxytocin, Catecholamines, Stress hormon (prostaglandin I2, prostaglandin E2, nitric oxide nội sinh...) được sản sinh, giúp trẻ chống stress trong những giờ đầu sau sinh, kích thích sản xuất và bài tiết surfactant - chất có sẵn trong phổi, được tiết ra ở trẻ sinh có qua chuyển dạ, giúp phế nang không xẹp ở thì thở ra; Ngoài ra, các nội tiết tố còn giúp làm giãn mạch máu phổi, kích thích tái hấp thu dịch phế nang làm hô hấp tốt.
3 CƠ CHẾ GÂY SHH Ở TRẺ SINH MỔ CHƯA CHUYỂN DẠ
BS. Tâm cho biết cách đây 25 năm, thế giới đã cảnh báo về trường hợp SHH ở trẻ sinh mổ chưa chuyển dạ. Nguyên nhân chủ yếu là bệnh màng trong - bệnh thường gặp ở trẻ sinh non, ở các ca bệnh này gọi là bê?h màng trong do thầy thuốc. Trẻ sinh mổ chưa chuyển dạ mắc bệnh màng trong vì sinh mổ là yếu tố thuận lợi, trẻ lại thiếu hormone được sản xuất ra trong quá trình chuyển dạ và có thể trẻ "bị" sinh non vì ngày dự sinh không chính xác... Nhiều thông tin tìm thấy trên Internet cho biết trẻ sinh mổ ở tuổi thai 37 tuần có tần suất bệnh màng trong là 3/1.000, gấp 13 lần so với trẻ ở tuổi thai 38 tuần và gấp 30 lần so với trẻ ở tuổi thai 39 tuần. Phổi của trẻ sinh mổ thường ứ dịch phế nang, thể tích khí trong lồng ngực của trẻ giảm gần 1/2 so với trẻ sinh thường. Ở thời điểm 30 phút và 2 giờ sau sinh, độ nở phổi, nồng độ Catecholamines và Cortisol trong máu của trẻ sinh mổ chưa chuyển dạ thấp hơn trẻ sinh thường nên khả năng chống stress, sự tái hấp thu dịch phế nang và khả năng hô hấp của trẻ kém hơn. Ở trẻ sinh mổ còn có hiện tượng cao áp phổi tồn tại với tần suất 4/1.000, gấp 5 lần so với trẻ sinh thường vì trẻ không chui qua âm đạo, không bị ép lồng ngực, thiếu surfactant và những chất gây giãn mạch máu phổi tạo ra trong quá trình chuyển dạ. Như vậy, không qua chuyển dạ, cơ thể trẻ sẽ thiếu những nội tiết tố giúp cho sự hô hấp, có thể dẫn đến hậu quả là SHH nặng.
CẦN HIỂU BIẾT HƠN VỀ BẤT LỢI CỦA VIỆC SINH MỔ CHƯA CHUYỂN DẠ
BS. Bạch Văn Cam - Trưởng khối HSCC BVNÐI cho rằng chuyển dạ giống như quá trình lay thức trẻ dậy, nó diễn ra từ từ và cần có thời gian để trẻ "chuẩn bị" bước vào cuộc sống mới. Sinh mổ bỏ qua chuyển dạ là đột ngột "đánh thức" trẻ dậy, làm trẻ khó thích ứng với những thay đổi quá nhanh về môi trường sống. Sinh mổ chọn ngày thường do thai quá ngày, bất xứng đầu chậu; mẹ có vết mổ lấy thai cũ hoặc bệnh tim, bệnh tiểu đường... Ngoài ra cũng có trường hợp sinh mổ chọn ngày do một số nguyên nhân khó chấp nhận như trẻ là con "quý" (con trai, con của cha mẹ lớn tuổi hoặc được thụ tinh trong ống nghiệm); Có khi bà mẹ thiếu tự tin, sợ đau đẻ hoặc muốn cơ quan niệu - sinh dục ngoài không bị tổn thương; Có khi là để thuận tiện cho cha mẹ, cho bác sĩ và cũng có phần vì lợi nhuận. Năm 1982, thế giới đã thành lập Tổ chức ICAN để cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ em qua việc ngăn cản sinh mổ không cần thiết. Năm 1985, 60 bác sĩ chuyên khoa đầu ngành sản trên thế giới đã tham gia một hội nghị do WHO tổ chức chống lại việc lạm dụng sinh mổ, thống nhất các chỉ định mổ bắt thai và xác định tỷ lệ sinh mổ chấp nhận được là 10-15%. Tháng 7/2003, Tổ chức CDC cho biết tỷ lệ sinh mổ năm 2002 của Mỹ là 26,1%, cao hơn 5 lần so với 30 năm trước đây. Ở nước ta, tỷ lệ sinh mổ cũng đang gia tăng, ước khoảng 20% nhưng hiện các thai phụ chưa được thông tin đầy đủ về bất lợi của sinh mổ và bản thân bác sĩ sản có thể chưa biết hết về nguyên nhân, tai biến do sinh mổ.
Sinh mổ còn gây bấ? lợi cho cả mẹ, nguy cơ tai biến gây mê, nhiễm trùng vết mổ... ở bà mẹ tăng gấp 3 lần so với sinh thường. Vì thế, theo BS. Cam, sản phụ cần nghe kỹ phân tích của thầy thuốc; Thầy thuốc phải tìm hiểu và cung cấp đầy đủ hơn các thông tin về sinh mổ cho bà mẹ, nhất là về mặt bất lợi để sinh mổ không còn là chọn lựa tự phát mà phải được thực hiện theo đúng chỉ định.