Sinh con không đau nhờ gây tê tủy sống
Kỹ thuật này khiến nhiều bà mẹ trẻ, đặc biệt khi sinh con lần đầu, trở nên "vô cảm" khi vượt cạn, lại không ảnh hưởng đến sức khỏe đứa con. Các sản phụ có thể đi lại, nói chuyện hàng giờ cùng chồng trước khi chuyển dạ.
Theo bác sĩ gây mê hồi sức Nguyễn Thị Hồng Vân, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, TP HCM, phương pháp gây tê tuỷ sống đã khắc phục nhiều hạn chế của sinh giảm đau bằng thuốc hoặc gây tê cổ tử cung, vùng thẹn. Do không có độc chất, thuốc tê sẽ không ảnh hưởng thần kinh và lượng máu qua tử cung - nhau người mẹ, không hại đến em bé. Thường thấy hơn cả là gây tê tủy sống kết hợp, cả trong và ngoài màng cứng.
Y học cho biết, đau trong chuyển dạ tương ứng người mẹ bị cắt mất tay, chân. Nguyên nhân do khi sinh, tử cung phải co kéo mạnh để nở rộng (khoảng 10 cm) và bào mỏng cho đầu bé chui ra. Sản phụ do đau kiệt sức mà chửi chồng, gào thét, gây mất thiện cảm.
Do đó, để hạn chế cơn đau, bác sĩ sẽ dùng kim tiêm đặc biệt, chọc thủng da lưng, đến tận ngoài màng cứng tủy sống, luồn dây catheter cố định, bơm thuốc tê trong suốt quá trình chuyển dạ. Bà mẹ lúc này phải có độ mở tử cung là 3 hoặc 4 cm.
Khi bệnh nhân đã mở tử cung độ 6-7 cm, chuyên gia gây mê sẽ tiếp tục dùng xilanh đặc biệt, có kim 25, 27, 29 Gause, nhỏ như sợi tóc để chọc thủng màng cứng, bơm một mũi duy nhất dung dịch thuốc tê và giảm đau. Nếu làm đúng kỹ thuật, sau lần chích thuốc đầu tiên, bệnh nhân có thể tự điều chỉnh mức thuốc tê, đi lại bình thường.
Cái khó trong thực hiện là xác định màng cứng, ranh giới giữa trong và ngoài tủy. Nếu kỹ thuật viên thiếu trình độ, dùng kim to (18 Gause, thường chỉ dùng gây tê ngoài màng) không may chọc thủng màng cứng sẽ gây mất nước não tủy, khiến bệnh nhân chóng mặt. Hiện ở bệnh viện Từ Dũ chỉ có 5/20 bác sĩ gây mê đủ khả năng thực hiện kỹ thuật này.
Bác sĩ Vân cũng lưu ý, nguyên tắc quan trọng khi gây tê là bác sĩ phải vô trùng như phẫu thuật viên trong phòng mổ, sử dụng bộ dụng cụ một lần duy nhất, lọc thuốc tê trước khi bơm và da lưng sát trùng bằng thuốc tốt. Nếu không thực hiện nghiêm ngặt về vệ sinh, bệnh nhân có thể bị nhiễm trùng, gây viêm màng não, viêm não, bại liệt (chạm dây thần kinh), hoặc tụ máu ngoài màng cứng.
Các chị em đủ điều kiện sử dụng biện pháp này là những người không có bệnh về máu và rối loạn đông máu, không nhiễm trùng da lưng (bị các bệnh ngoài da), không cấp cứu sản khoa (tim thai suy, nhau bong non, nhau tiền đạo). Chi phí cho một ca đẻ không đau hiện khoảng 3 triệu đồng, trong đó 400.000 đồng tiền gây tê (ở Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương).
Tại TP HCM, chị em có thể tham khảo tại Bệnh viện Từ Dũ, Hùng Vương và Phụ sản quốc tế.
Lê Nhàn