Làm gì khi phát hiện thai nhi bị dị tật?
Mặc dù đã được chuẩn bị tâm lý để đón một cháu bé dị tật, các bác sĩ và người sản phụ vẫn không khỏi bàng hoàng nhìn đứa trẻ mới sinh cất tiếng khóc yếu ớt. Cháu chỉ nặng 2,3 kg, cột sống biến dạng nặng, không thể nằm ngửa như những đứa trẻ khác. 2 tháng trước, mẹ cháu, một sản phụ trên 35 tuổi, đã được khám và phát hiện mang thai dị tật.
Chuyện xảy ra mới vài ngày trước đây tại Phòng Đẻ, Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương TP HCM. Các bác sĩ tư vấn đã khuyên người mẹ chấm dứt thai kỳ sớm để tránh những đau đớn khi bé chào đời, đồng thời rút ngắn thời gian mang thai quá mệt mỏi và vô ích. Nhưng vì khát khao có một đứa con, bà cương quyết phủ nhận kết quả chẩn đoán và mọi lời khuyên của bác sĩ .
Thực tế khó chấp nhận
Trước đó, cũng tại bệnh viện này, một người mẹ trẻ đã ngã quỵ khi 2 đứa con gái vừa lọt lòng vài ngày đã chấm dứt cuộc sống. Nỗi đau đó lẽ ra đã được giải quyết sớm hơn nếu người mẹ nghe theo lời khuyên của bác sĩ khi phát hiện chị mang song thai dị tật: dính nhau ở phần bụng và chung nhau vài cơ quan nội tạng.
Trường hợp khác, một sản phụ 27 tuổi được Bệnh viện Hồng Đức TP HCM phát hiện thai bị vô sọ ở tháng thứ 4 nhưng chị đã không tin. Đến mãi tháng thứ 7, khi được Bệnh viện Hùng Vương khẳng định lại chẩn đoán này, chị mới bắt đầu tin đứa con đầu lòng của mình bị dị tật bẩm sinh. Sau đó, các bác sĩ đã rất vất vả mới thuyết phục được chị và gia đình chấp nhận một cuộc đẻ non vì nếu có ra đời thì thai nhi cũng không thể sống được.
Cũng dễ thông cảm với những người phụ nữ này. Thật khó khăn khi chấp nhận sự thật phũ phàng về đứa con tương lai của mình. Dù thế nào thì họ cũng muốn tin là có sự nhầm lẫn nào đó và đứa trẻ sẽ được sinh ra khoẻ mạnh lành lặn như bao trẻ khác.
Thay đổi nếp nghĩ
Trong năm 2000, tại 2 bệnh viện kể trên, có 266 trường hợp thai bị dị tật bẩm sinh, trong đó 188 ca được phát hiện trong thời gian mang thai. Bác sĩ Nguyễn Song Nguyên, Trung tâm Chẩn đoán Tiền sản, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, cho biết, hiện nay, các bác sĩ đã có thể chẩn đoán rõ ràng và tương đối chính xác những trường hợp dị tật hình thể vào tháng thứ 4-6 của thai kỳ. Một số phương pháp xét nghiệm thường được áp dụng là:
- Lấy máu để tìm một loại protein đặc biệt (alpha foeto protein) liên quan đến bệnh Down (trẻ mắc bệnh này thường có bộ mặt khác thường, chậm phát triển tinh thần, có thể kèm bệnh tim bẩm sinh).
- Lấy nước ối của sản phụ để làm nhiễm sắc đồ (xác định bộ nhiễm sắc thể của thai nhi). Phương pháp này giúp phát hiện một số bệnh di truyền bẩm sinh, ví dụ như bệnh Down.
- Siêu âm màu, đặc biệt là siêu âm 3 chiều (phát hiện dị tật hình thể bẩm sinh).
Theo bác sĩ Nguyên, nếu phát hiện thai nhi bị dị tật nhẹ như sứt môi, hở thành bụng, tay chân khoèo, gập góc… các bác sĩ thường giải thích và hướng dẫn sản phụ tiếp tục dưỡng thai. Sau khi sinh sẽ áp dụng các biện pháp phẫu thuật tạo hình, vật lý trị liệu…Với những thai bị dị tật nặng, không có khả năng sống khi ra đời như thai vô sọ, não úng thuỷ (ứ nước trong não)… cách tốt nhát là chấm dứt thai kỳ.
Nhưng giải thích để người mẹ và gia đình hiểu và chấp nhận điều này là hết sức khó khăn. Khác với người phương Tây, đa phần người phương Đông chúng ta thường rất không muốn phá thai, vì bất cứ lý do gì. Nhiều người cảm thấy mình có tội khi ngăn cản sự ra đời của các thai nhi dị tật. Nhưng để những đứa trẻ tàn tật nặng nề ra đời có "nhân đạo" hơn không? Những trẻ này, nếu có sống sót cũng sẽ là một nỗi bất hạnh cho người thân và gánh nặng cho xã hội. Đó là chưa kể nỗi bất hạnh mà chính những trẻ này phải gánh chịu.
Đi khám thai thường xuyên
Theo bác sĩ Vũ Thị Nhung, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương, vẫn còn nhiều trường hợp thai dị tật được phát hiện muộn hoặc chỉ được phát hiện sau khi sinh, phần lớn do sản phụ không đi khám thai thường xuyên. Vì vậy, khi mang thai, sản phụ nên đi khám thai định kỳ, nhất là những người thuộc nhóm nguy cơ:
- Nhiễm siêu vi trùng trong 3 tháng đầu thai kỳ.
- Tiếp xúc với thuốc trừ sâu, chất độc hoá học, tia X.
- Trong gia đình có người bị dị tật, bệnh tâm thần…
- Phụ nữ sinh con sau 35 tuổi.
(Theo Tuổi Trẻ, 10/3).