NHỮNG CHUYỆN SINH ĐẺ KỲ DIỆU
V.T (st)
Người ta thường nói về sự tiến bộ vượt mức của khoa học trong thế kỷ 20
đã thay đổi bộ mặt trái đất nhiều hơn trong 19 thế kỷ trước, nhưng quả thật
không ai có thể hình dung được sự tiến bộ của khoa học về ngành sản khoa lại gây
ra nhiều rắc rối cho con người về cả hai phương diện đạo đức, luân lý và xã hội
như hiện nay. Sau đây là vài trường hợp "bất thường" về sản khoa, hậu quả của sự
tiến bộ kỳ diệu của khoa học, những điều mà vài thập niên trước đây khó có thể
hình dung được. Ví dụ như hai đứa trẻ sinh đôi nhưng lại thụ thai từ hai người
cha khác nhau, đẻ con khi người mẹ bị hôn mê hoặc có con đầu lòng khi đã lục
tuần, cái tuổi dư thừa để làm bà nội, bà ngoại...
Julie Gerber chết vì bệnh ung thư hơn một năm trước đây khi mới 28 tuổi.
Cô để lại cho cha mẹ, ba anh chị em 12 cái phô thai được đông lạnh. Trước khi
chết, Julie mua tinh trùng từ ngân hàng tinh trùng tại tiểu bang California với
ước nguyện sau khi qua đời, cha mẹ, anh chị em của sẽ thuê một người mang một
trong những cái trứng đã thụ tinh của mình. Tuy ước nguyện của bà Julie không
thực hiện được vì không có một cái trứng nào trong 12 cái trứng để lại sống được
trong bụng của người được thuê, dù cha mẹ đã chọn lựa thật cẩn thận. Tuy vậy,
câu chuyện Julie Gerber đã làm tốn nhiều giấy mực trên tất cả các mặt báo vì các
cuộc tranh luận sôi nổi bởi nhiều phe nhóm khác nhau.
Mặc dù giới truyền thông coi trường hợp Julie Gerber như trường hợp đầu
tiên, nhiều trường hợp sinh nở bất thường đã xảy ra trước đó. Ví dụ như trường
hợp của một phụ nữ Ý 26 tuổi tên là Elizabetta đang chữa bệnh hiếm muộn thì bị
đụng xe chết vào ngày Giáng sinh 1992, để lại 4 phôi thai đông lạnh. Người chồng
đau khổ là ông Luigi hỏi ý chị ruột ông ta là bà Elena, 33 tuổi, để nhờ mang
thai hộ một trong những phôi thai. Bà Elena (đã có một con) đồng ý giúp em. Kết
quả bà sinh hạ một bé gái nặng 6 pounds 10 ounces. Bé được đặt tên là
Elizabetta, theo tên người mẹ vắn số mà bé không hề được biết mặt.
Ở Hoa Kỳ, những bé sơ sinh không có mẹ như bé Elizabetta không phải là
không có. Cô Elizabeth Carrasquillo, 18 tuổi bị lạc đạn chết khi cô đi trên một
góc phố đông đúc ở North Philadelphia. Khi đó cô mới 18 tuổi và mang thai 7
tháng. Các bác sĩ của Bệnh viện Đại học Temple, nơi cô Elizabeth được đưa vào
sau khi bị bắn đã tìm mọi cách để cứu thai nhi. Sau nhiều tiếng đồng hồ làm việc
không ngơi nghỉ để cố giữ thân thể Elizabeth sống vừa đủ lâu, họ thực hiện việc
mổ bụng mang thai nhi ra. Kết quả là bé trai nặng 3 1/2 pounds.
Mẹ không nhớ ra con
Sabrina Benoit tỉnh giấc sau cơn hôn mê kéo dài 9 ngày do tai nạn xe cộ
vào tháng 2 năm 1997 để nghe chồng bà loan báo trong khi bà đang hôn mê, bác sĩ
đã giải phẫu để mang hài nhi 7 tháng ra ngoài, bà đã nghĩ chồng bà nói đùa.
Không những Sabrina không nhớ gì về tai nạn xảy ra mà cũng không thể nhớ là mình
đã mang bầu. Gia đình bà phải treo trong phòng những hình ảnh cũ mang bầu của
bà, để giúp bà gợi nhớ về mình cũng như chấp nhận bé Mackenzie không phải là
chuyện diễu, mà chính là đứa con bà đã từng mang nặng trong vòng 7 tháng trước
khi tai nạn xảy ra.
Cặp sinh đôi đẻ cách nhau 2 tháng
Các sách sản khoa thời xưa thường khuyên bác sĩ không nên để hai trẻ sinh
đôi chào đời cách nhau hơn 15 phút. Tuy nhiên, kỷ lục về thời gian cách nhau
giữa hai trẻ sinh đôi thuộc về hai anh em Joshua và Jacob Pasaye, vì đây là hai
anh em song sinh cách nhau 92 ngày, thuộc về hai năm khác nhau. Bà mẹ Janet
Pasaye, 35 tuổi, mới có bầu 5 tháng thì túi nước bao bọc 2 bé song sinh bị bể.
Ngày 26/10/1996 bà hạ sinh bé Joshua, cân nặng 1 pound, 5 ounces tại Bệnh viện
Roskford Memorial ở Chicago. Các bác sĩ tại đây đã chận đứng sự chuyển dạ tiếp
tục của bà và giải phẫu để bịt kín lỗ tử cung lại. Giải pháp này gọi là phương
pháp hoãn để bên trong, đã từng được áp dụng cho hơn 75 trường hợp tại nhiều nơi
trên thế giới. Trường hợp của bà Janet Pasaye, các bác sĩ hy vọng sẽ giữ được để
bào thai còn lại có thêm thời gian phát triển trong bụng mẹ.
Cuộc giải phẫu đã hoàn toàn thành công. Mãi đến ngày 26/1/1997, bà Janet
mới hạ sinh Jacob cân nặng 6 pounds, 1 ounce. Vào lúc đó, anh của Jacob là
Joshua vẫn còn nằm trong lồng ấp và cân khoảng 4 pounds. Sự phục hồi và tiếp tục
phát triển của 1 thai nhi 1 pound, 6 ounces Joshua này đã được coi như là một
phép lạ.
Chị sinh đôi của tôi lớn hơn tôi 2 tuổi
Đầu năm ngoái, báo chí sôi nổi loan tin: "Hai chị em sinh đôi cách nhau
gần 2 năm!". Thật ra, câu chuyện khó tin nhưng có thật này là chuyện của hai
phôi thai do trứng được tặng được thụ tinh với tinh trùng của người cha rồi mang
đông lạnh. Ở đây, giữa ngày sinh đứa bé đầu tiên (do người mẹ thuê thứ nhất) đến
đứa bé thứ hai (do người mẹ thuê thứ hai) tổng cộng là 22 tháng, tạo ra câu
chuyện chị em song sinh cách nhau 2 tuổi. Các báo khi tường thuật vụ này đều có
đăng ảnh bé gái Jennifer Gunter, 2 tuổi đang hôn em trai mới đẻ.
Bác sĩ Ian Craff, thuộc Trung tâm Chữa trị bệnh Hiếm muộn ở Luân Đôn cho
biết "Chuyện này hơi khác thường nhưng không phải là không có những tiền lệ. Vì
nó cũng không khác gì chuyện thụ thai trong ống nghiệm rồi sau đó đặt phôi thai
trở lại trong bụng mẹ. Chỉ khác một điều là ở đây, trường hợp này, người đàn bà
không có dạ con để có thể mang bầu".
Luật về sản phụ khoa ở Anh không cho phép tàng trữ nhiều hơn 3 trứng đã
thụ tinh cho một cặp vợ chồng. Vì đa số những trứng đã thụ tinh này không sống
sót nên rất ít những cặp vợ chồng người Anh có thể có những trẻ song sinh cách
nhau. Ở Hoa Kỳ lại khác. Bạn muốn tàng trữ bao nhiêu trứng cũng được tùy theo số
lượng trứng mà bạn có thể xin được, nên nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn của Mỹ
thường tàng trữ hàng tá trứng đã thụ tinh để... xài dần mỗi khi họ muốn có thêm
con.
Một bé da trắng sinh ra từ một người mẹ da đen
Làm sao một người mẹ da đen lại có thể sinh ra một đứa bé da trắng? Vào
lúc đó, ai cũng nghĩ là bà mẹ đã xin trứng từ một người đàn bà da trắng để tránh
cho con của bà bị kỳ thị da màu khi khôn lớn. Câu chuyện này đã bùng nổ lớn đến
nỗi ông bác sĩ sản khoa đỡ đẻ trong trường hợp này phải lên tiếng để tránh sự
kết tội vô lý dành cho người mẹ da đen này. Theo ông người đàn bà này đã sinh
con một lần. Nhưng sau đó, vì lý do sức khỏe, bà không thể mang thai theo phương
cách tự nhiên được nữa. Số người cho trứng lại hầu hết là da trắng nên thân chủ
ông hầu như không có chọn lựa nào khác, chứ bà ta không có ý muốn sinh con khác
màu da như lời cáo buộc.
Ở bên Anh, muốn có con khác chủng tộc, màu da phải có giấy phép đặc biệt
của Hội chữa trị Hiếm muộn và Cơ quan Kiểm soát Thai nhi (Human Fertilisation và
Embryology Authority). Mặc dù vậy, trước đây một phụ nữ Anh và người chồng lai
khác màu da của bà phải chờ 4 năm, sau đó họ được phép dùng trứng từ người da
trắng để có con, mặc dù họ đã có giấy phép của hai cơ quan kể trên.