Tháng sinh tiết lộ nguy cơ mắc bệnh đa xơ cứng
Việc tiếp xúc với quá ít ánh nắng trong thời kỳ mang thai có thể là một yếu tố. |
Những người sống ở bán cầu bắc sinh vào tháng 5 sẽ có nguy cơ mắc bệnh đa xơ cứng cao hơn người ra đời vào các tháng khác. Trong khi đó, những em bé sinh vào tháng 11 lại giảm khả năng mắc căn bệnh này.
Cuộc phân tích dữ liệu trên 42.000 người ở Canada, Anh, Đan Mạch và Thụy Điển cho thấy những em bé sinh vào tháng 5 tăng 13% nguy cơ bị đa xơ cứng khi lớn lên, còn trẻ em sinh vào tháng 11 giảm được 19% rủi ro.
Hiệu ứng này tương tự ở mọi nước nhưng nổi trội nhất ở Scotland, nơi có tỷ lệ mắc bệnh đa xơ cứng cao nhất thế giới. Mặc dù các nhà khoa học không giải thích được mối tương quan giữa tháng sinh và căn bệnh, họ cho rằng nó có thể liên quan tới sự tiếp xúc ánh nắng và hàm lượng vitamin D của người mẹ, từ đó ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ sơ sinh.
Vào những tháng mùa đông ở bán cầu bắc, mỗi ngày bị rút ngắn đi, vì thế hạn chế lượng ánh nắng mà phụ nữ tiếp xúc trong thời kỳ mang thai. Cơ thể tạo ra vitamin D từ ánh nắng. Những thực phẩm như dầu cá và lòng đỏ trứng rất giàu vitamin này.
"Có vẻ như tác nhân ảnh hưởng tới nguy cơ mắc bệnh đa xơ cứng xảy ra vào thời điểm rất sớm, hoặc là trong thời kỳ thai nghén hoặc quanh thời điểm sinh", giáo sư George Ebers tại Đại học Oxford nói.
Bệnh đa xơ cứng xảy ra khi các tế bào của hệ miễn dịch tấn công và phá huỷ vỏ bọc myelin bảo vệ tế bào thần kinh trong não và tuỷ sống. Nguyên nhân của bệnh này vẫn chưa rõ ràng. Các nhà khoa học tin rằng nó có thể là sự kết hợp của di truyền, chế độ ăn uống và các yếu tố môi trường.
Căn bệnh này hiếm có ở châu Phi và phổ biến ở những người sống ở xứ lạnh. Hầu hết những người bệnh nằm trong độ tuổi 20-50. Phụ nữ mắc nhiều hơn nam giới, do vậy rất khó để chẩn đoán, bởi các triệu chứng như nhức ngứa, mệt mỏi, mất cân bằng và nói lắp thường không rõ rệt.
Kết quả cũng có thể lý giải phần nào nguy cơ gia tăng bệnh đa xơ cứng ở những người châu Á và Caribe di cư tới Anh.
M.T. (theo IOL)