Mẹ căng thẳng, con lo âu
Người mệ không nên lo lắng thái quá. |
Từ tuần thai thứ 12 đến 22, nếu người mẹ luôn bị stress thì đứa con sau này rất dễ hiếu động thái quá và kém tập trung. Tuy nhiên, bé sẽ được an toàn nếu trạng thái này diễn ra vào cuối thai kỳ.
Khi rơi vào tình huống gây căng thẳng, cơ thể thường sản sinh ra những hoóc môn stress. Ở phụ nữ mang thai, nhóm nội tiết tố này bằng cách nào đó đã tác động đến quá trình phát triển não bộ của bào thai, và quy định hành vi của trẻ sau này, tiến sĩ Bea R. H. Van den Bergh đến từ Đại học Leuven, Bỉ, giải thích.
Những khó khăn trong việc giải toả hàng mớ xung đột trong cuộc sống hằng ngày là nguyên nhân gây nên trạng thái lo âu thái quá ở người mẹ. Một số người thấy khổ sở với các mối quan hệ trong công việc, số khác lại đau đầu vì gia đình nhà chồng... Nếu sự căng thẳng cứ tích tụ mỗi ngày, nó sẽ trở nên dai dẳng và ngày một trầm trọng. Hậu quả là đứa trẻ trong bụng sẽ bị ảnh hưởng. Mức độ nhạy cảm với stress sẽ lên tới đỉnh điểm khi bé được 12-22 tuần tuổi thai và tạo nên dấu ấn trong bộ não đang trên đà hoàn thiện. Khi trẻ lớn lên, tàn dư của hiện tượng "stress bào thai" sẽ thể hiện qua các hành vi bất thường, tâm trạng bồn chồn lo lắng, và một số triệu chứng ADHD - sự rối loạn tâm lý gây thiếu tập trung và hiếu động thái quá.
Để hiểu cặn kẽ hiện tượng trên, Van den Bergh và cộng sự đã đánh giá mức độ stress của 71 phụ nữ trong suốt thời kỳ mang thai và khảo sát tâm lý của họ cùng đứa bé khoảng 8-9 năm sau đó. Đúng như giả định, những người có mức độ lo lắng cao nhất vào giữa thai kỳ đã sinh ra những em bé mang triệu chứng ADHD và hành vi bất thường. Kết quả này không thay đổi ngay cả khi người ta loại bỏ những yếu tố như trình độ học vấn của cha mẹ và tình trạng lo lắng của mẹ sau sinh.
Để hạn chế stress, bản thân thai phụ cần phải làm chủ được bản thân trong các tình huống gây căng thẳng và cố gắng thư giãn càng nhiều càng tốt. Ngoài ra, những người xung quanh, đặc biệt là bạn đời, cần hợp tác giúp đỡ họ vượt qua các "hố đen" tâm lý. "Đơn giản là vì stress của không phải là vấn đề của riêng cá nhân", Van den Bergh nhấn mạnh.
Một số nghiên cứu trước đây cũng đã khẳng định, thai phụ bị stress sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi về nhiều mặt, ví dụ như rối loạn giấc ngủ và tiêu hóa, có vấn đề về cảm xúc... Tuy nhiên, bạn hãy an tâm nếu stress chỉ là một giây phút thoáng qua.
Mỹ Linh (theo Reuters)