Sinh không đau bằng gây tê và những biến chứng
15:41' 12/09/2008 (GMT+7)
- Sinh không đau bằng vô cảm nói chung, và gây tê ngoài màng cứng tủy sống, sản phụ có thể gặp những biến chứng như đau lưng, nhức đầu, hạ huyết áp, tổn thương thần kinh gây yếu, mất cảm giác, hoặc liệt...
Ngày càng nhiều phương pháp giúp sản phụ không phải chịu đựng stress tâm lý do cơn đau chuyển dạ: sinh ngả âm đạo có dụng cụ, mổ lấy thai với gây tê tủy sống, sinh không đau nhờ gây tê ngoài màng cứng... (Ảnh minh họa: Hương Cát) |
Từ năm 1988 đến hết 6/2008, tại BV Hùng Vương, 35.000 lượt sản phụ áp dụng gây tê ngoài màng cứng tuỷ sống để đẻ không đau. Sản phụ nằm trong độ tuổi 21-30 chiếm tỷ lệ cao nhất, 50,35%. Tỷ lệ thai phụ sanh con so sử dụng phương pháp đẻ không đau là 54,61%.
Tuỷ sống là trung tâm điều hòa dẫn truyền xung động đau. Giảm đau ngoài màng cứng tuỷ sống bắt đầu cách đây khoảng 100 năm. Sản phụ thường được gây tê với một lượng thuốc tê có nồng độ thấp. Phương pháp này được thực hiện cho những sản phụ có yêu cầu, và đặc biệt đối với những sản phụ có bệnh lý đi kèm (bệnh tim mạch, suyễn,...). Đồng thời, các sản phụ cũng giảm được stress tâm lý do những cơn đau gây ra.
Chuyển dạ được mô tả "từ thống khổ cho đến tột cùng
hạnh phúc". Nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng dự cảm nhận đau đẻ, bao gồm,
thời lượng chuyển dạ, số lần sinh nở, tham gia các lớp chuẩn bị sinh
con/tiền sản, sợ hãi và lo lắng về chuyện sinh con, thái độ và trải
nghiệm đau, và các cơ chế đối phó...
Đau âm ỉ, vọp bẻ (chuột rút), đi kèm với những cơn co bóp tử cung, ngày càng nhiều. Cơn đau này xuất phát từ cổ tử cung và cơ tử cung. Sau đó, cơn đau đẻ bắt đầu chuyển lên thành bụng, vùng thắt lưng cùng, vùng mông và đùi. Trong giai đoạn chuyển tiếp giữa cổ tử cung mở trọn và sổ thai, cơn đau chủ yếu có nguồn gốc từ âm đạo, đi kèm với thai di chuyển trong ống sinh. Phụ nữ có chuyển dạ khó khăn (ví dụ con to và khung chậu nhỏ) tăng nguy cơ sinh mổ cũng như phải chịu đau nhiều hơn trong khi chuyển dạ. Những phụ nữ này có thể sẽ yêu cầu giảm đau chuyển dạ, ví dụ như giảm đau ngoài màng cứng. |
Ưu điểm của giảm đau ngoài màng cứng là: Kiểm soát đau tốt hơn, giảm buồn nôn hoặc ói mửa, đỡ lo âu, khả năng đi lại và di chuyển sớm hơn sau mổ, tỉnh táo và ý thức hơn về môi trường chung quanh, chức năng hô hấp bình thường trở lại nhanh hơn...
Tuy nhiên, tại một hội thảo chuyên đề về gây mê hồi sức trong lĩnh vực sản phụ khoa lần thứ V do BV Từ Dũ cùng với Hội Gây mê hồi sức TP.HCM tổ chức đầu tháng 9 vừa qua, các chuyên gia về sản phụ khoa cảnh báo, phương pháp này cũng có thể đem đến đủ loại biến chứng.
Theo BS. Mark Rosen - ĐH Y Sanfrancisco, California, Mỹ, cảnh báo ngoài nguy cơ không đạt được phong bế đau đầy đủ, bệnh nhân có thể bị hạ huyết áp, nhức đầu, đau lưng, xuất huyết (tụ máu), nhiễm trùng, và tổn thương thần kinh có thể gây yếu, mất cảm giác, hoặc liệt.
Không phong bế hoàn toàn
Vô cảm tuỷ sống tạo ra vô cảm nhanh, dự đoán được và các bác sĩ có thể kiểm soát được. Nhưng đôi khi bị thất bại vì những lý do không rõ. Phong bế một phần hoặc không đủ có thể do di lệch kim trong khi tiêm.
Trong khi đó, gây mê ngoài màng cứng tuỷ sống, các khả năng dẫn đến thất bại còn vô số hơn. Đó có thể là do sự bám dính của dây chằng, mô xơ từ phẫu thuật cột sống trước đây, hoặc đặt nhầm dây dẫn truyền (catête). Catête đặt nhầm có thể vào tĩnh mạch, cạnh đốt sống...
Nhức đầu
Nhức đầu sau chọc rách màng cứng là một biến chứng tương đối phổ biến của phương pháp sinh không đau trong sản khoa. Khả năng của các triệu chứng liên quan đến kích cỡ và hình dạng của kim đâm thủng màng cứng.
Giảm áp lực nội sọ và giãn mạch máu thứ phát dẫn đến triệu chứng kinh điển của nhức đầu, có thể kèm theo co thắt và đau cơ cột sống cổ. Mặc dù các triệu chứng này thường tự khỏi, nhưng có thể dai dẳng. Và dù hầu hết là biến chứng lành tính, nhưng nếu không được điều trị có thể dẫn đến bệnh lý thần kinh sọ hoặc tụ máu ngoài màng cứng.
Liệt thần kinh sọ
Kiểm tra một sản phụ chuyển dạ sinh thường tại BV Từ Dũ (Ảnh: H.Cát) |
Thần kinh vận nhãn ngoài là thần kinh sọ thường bị ảnh hưởng nhất, bị kéo căng do thất thoát dịch não tủy sau khi chọc rách màng cứng. Khởi phát điển hình của triệu chứng "song thị" là 3-10 ngày, sau khi tai biến. Song thị có thể kéo dài hàng tháng. Thiếu máu cục bộ thần kinh thị giác do co kéo hoặc hạ áp kéo dài có thể gây ám điểm vĩnh viễn.
Thần kinh tiền đình ốc tai có thể bị ảnh hưởng bởi vô cảm tủy sống (ước tính khoảng 0,4-9,1%). Kiểm tra thính lực của sản phụ sinh mổ với vô cảm tuỷ sống cho thấy 14% có giảm thị lực.
Liệt dây thần kinh sọ sau khi phong bế thần kinh trung ương thường hiếm gặp và đa phần là lành tính, nhưng hay kéo dài nhiều tháng sau sinh.
Đau lưng
Tần suất đau lưng dưới hậu sản, trong các nghiên cứu từ 10% đến tận 70%, thậm chí cả khi sinh thường không dùng phương pháp giảm đau. Nhiều yếu tố có thể gây đau lưng dưới hậu sản là lên cân trong thai kỳ, trọng lượng thai, thay đổi ở dây chằng, đa thai và sinh nhiều lần.
Sốt
Mặc dù gây tê tủy sống (vô cảm tủy sống) và gây tê ngoài màng cứng (vô cảm ngoài màng cứng) điển hình có liên quan đến giảm thân nhiệt do sự giãn mạch, tái phân bố nhiệt từ trung tâm ra ngoại biên, và mất nhiệt vào môi trường, vô cảm ngoài màng cứng chuyển dạ thường đi kèm với tăng thân nhiệt cao đến 38oC.
BS. Mark Rosen cho biết, theo một số nghiên cứu ngẫu nhiên, 15% phụ nữ được giảm đau ngoài màng cứng khi chuyển dạ bị sốt so với 4% sản phụ khác không được giảm đau ngoài màng cứng.
Điều đáng lo ngại là các bé sơ sinh có mẹ được giảm đau ngoài màng cứng dễ có khả năng bị xét nghiệm tìm nguyên nhân gây sốt và điều trị bằng kháng sinh. Cho dù những em bé này không tăng nguy cơ nhiễm trùng huyết.
Tổn thương thần kinh
Tổn thương do catête hoặc tiêm thuốc tê vào thần kinh là các biến chứng thần kinh đáng sợ nhất của phương pháp này trong sản khoa. Tuỷ sống, chóp tuỷ, và các rễ thần kinh dễ bị tổn hại do chấn thương trực tiếp. Các chấn thương này có thể do xác định không chính xác chỗ đâm kim.
Theo các chuyên gia, nhiều trong số các bệnh thần kinh này có thể phục hồi được, nhưng người phụ nữ đã bị tổn thương vĩnh viễn do vô cảm ngoài màng cứng và tuỷ sống.
-
Hương Cát