Hãy để cho cuộc chuyển dạ tự nhiên
(Trích Báo Tuổi Trẻ ngày 1/1/2002 của BS. Vũ Thị Nhung, Giám đốc BV. Hùng Vương)
Vì sao sinh mổ có chiều hướng tăng?
Thời gian chuyển dạ trên thai phụ (TP) thường khá lâu, con so 12 – 18 giờ, con rạ 6 – 9 giờ. Cho nên để thai phụ sinh thường cần rất nhiều thời gian theo dõi. Thế nhưng do TP không chịu đựng được cơn đau, bất hợp tác với thầy thuốc hoặc thân nhân muốn con, cháu chào đời đúng “ngày lành, giờ tốt” nên hay đòi sinh mổ khiến thầy thuốc không muốn theo dõi thêm. Còn thầy thuốc, do lười theo dõi TP (muốn mổ cho xong để nghỉ ngơi, ngủ...) ngại trách nhiệm (lúc chuyển dạ TP có gì trực trặc hay bị khiếu nại), Bác sĩ “chạy sô” làm thêm chỗ khác... nên cũng có khi chỉ định mổ quá “rộng rãi”, không hợp lý.
Trường hợp nào cần sinh mổ?
Chỉ mổ (để rút ngắn thời gian chuyển dạ, chủ động đưa trẻ ra sớm, tránh biến chứng cho mẹ và con) trong tình huống bắt buộc khi TP không thể sinh thường được; hoặc khi TP có bệnh lý kèm theo (sản giật...) mà thời gianchờ đợi cuộc sinh quá lâu có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của thai phụ và thai nhi. Những trường hợp không thể sinh thường là khung chậu bị hẹp hoặc lệch, dị dạng cơ quan sinh dục, thai không cân xứng với khung chậu, ngôi thai bất thường (ngang, ngược), nhau bong non, nhau tiền đạo, có vết mổ cũ, ung thư cổ tử cung, thai quá to, thai suy trong bụng mẹ, nước ối quá ít... Trường hợp dây rốn quàng cổ chỉ có chỉ định mổ khi nào có chèn ép dây rốn, có suy thai; hoặc thai quá ngày bị suy mà không sinh thường được, mới mổ.
Sinh mổ có nguy cơ gì?
Sinh mổ ảnh hưởng đến lần sinh mổ kế tiếp. Nếu lần sinh trước đã mổ thì lần sinh sau có nguy cơ cao. Tp có thể bị vỡ tử cung do nứt, bung vết mổ cũ. Nếu vỡ tử cung, con sẽ chết rất nhanh, mẹ cũng có thể chết nếu ở xa chuyển đến bệnh viện không kịp. Tp sinh mổ còn có nguy cơ gặp phải một số tai biến trong lúc mổ do thuốc mê, kỹ thuật gây mê hoặc do phẫu thuật viên chưa có kinh nghiệm: làm rách thêm vết mổ, nhiễm trùng vết mổ (dễ làm bung vết mổ, băng huyết nặng), làm tổn thương những cơ quan khác ở xung quanh (bàng quang, ruột), làm tổn thương cả em bé (vào mắt...) khi rạch tử cung. Trẻ sinh ra bằng đường bụng cũng có thể bị nghẹt phế quản, phế nang, suy hô hấp do không được thoát hết nhớt trong đường hô hấp và hít phải nhớt đó trở lại. Trẻ cũng có thể ngạt do kỹ thuật lấy thai chưa tốt. Ngoài ra sinh mổ (giống như các ca mổ khác) còn có nguy cơ bị dính ruột, tắc ruột...
Lời khuyên của bác sĩ với thai phụ trước khi sinh?
Không nên đòi sinh mổ, hãy để cho cuộc chuyển dạ tự nhiên là tốt nhất. Cần lưu ý thêm là thai phụ sau sinh mổ sẽ không chăm sóc con tốt bằng các sản phụ sinh thường, mất sức và đau đớn nhiều, phải sử dụng nhiều thuốc hơn, đặc biệt là kháng sinh, ảnh hưởng đến nguồn sữa (ít hoặcmất) ,đòi hỏi người nhà phải mất nhiều thời gian chăm sóc kỹ, bồi dưỡng nhiều hơn. Về kinh tế, sinh mổ tốn kém tiền phẫu thuật, tiền phòng, tiền thuốc... nhiều hơn, thời gian nằm viện lâu. Về thẩm mỹ, còn phải mang thêm sẹo 10cm.