Những điều cần tránh để sinh con khỏe mạnh
Rượu ảnh hưởng rất xấu đến sự thụ thai. |
Theo sách xưa kể lại, Lý Bạch và Đào Tiềm (Trung Quốc) tuy là các đại thi hào nhưng con cháu của họ đều bất tài vô dụng. Các lương y cho rằng, đó là do 2 thi sĩ này suốt cả cuộc đời đã tìm tứ thơ trong men rượu. Lý Bạch thậm chí còn chết trong cơn say.
Cả Đông và Tây y đều khuyên không nên thụ thai khi vợ hoặc chồng vừa uống rượu. Theo y học cổ truyền, rượu có tính đại nhiệt, dễ gây tác dụng xấu đến tinh huyết, làm rối loạn công năng của các phủ tạng. Hậu quả là việc thụ thai trở nên khó khăn, hoặc đứa bé sinh ra sẽ bị suy yếu cả về thể lực và trí tuệ. Cũng không nên thụ thai khi cơ thể mệt mỏi, lúc thời tiết có sự chuyển tiếp giữa các mùa (chẳng hạn như thời kỳ cuối đông, đầu xuân).
Trước thời điểm định chọn để thụ thai, vợ chồng không nên giao hợp quá độ vì điều này sẽ làm cho thận khí hư suy, tinh huyết không đủ; thai nhi dẫu có thành hình cũng lâm vào tình trạng "tiên thiên bất túc", sinh ra ốm yếu. Điều này cũng giống như việc nấu rượu, nếu cho một lượng nước thích hợp, rượu sẽ đậm đà hương vị; còn khi nước quá nhiều, rượu sẽ nhạt nhẽo.
Khi người vợ đã có mang, 2 người cần thận trọng trong quan hệ tình dục. Theo y học cổ truyền, giao hợp là điều tối kỵ trong dưỡng thai. Việc này khiến cho âm khí động và tiết ra ngoài, làm thai yếu đi, khả năng giữ thai giảm. Việc ân ái còn gây hỏa động bên trong, huyết không an, thần không ổn, cơ thể mệt mỏi, dễ dẫn đến sẩy thai, đẻ khó hoặc sinh con ốm yếu. Sách Bảo sản luận viết: "Phụ nữ có thai phải ở phòng riêng, không được ngủ chung với chồng".
Theo y học hiện đại, thai phụ vẫn có thể quan hệ tình dục. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn khuyên nên giảm bớt số lần và rút ngắn thời gian sinh hoạt, không được kích thích quá mạnh. Trong vài tuần cuối thai kỳ, tốt nhất là nên ngừng quan hệ vợ chồng.
ThS Hoàng Khánh Toàn, Khoa Học & Đời Sống