Người mẹ có thai dùng thuốc như thế nào?
Tác giả : DS. LÃ XUÂN HOÀN
Khi mang thai cơ thể người mẹ cũng như bào thai liên tục thay đổi và phát triển (Ở giai đoạn đầu thai kỳ, người mẹ có nhiều thay đổi về huyết áp, thận, tăng cung lượng tim, mật.). Do đó khi mắc các bệnh mãn tính hay cấp tính, bác sĩ sẽ phải cân nhắc giữa lợi ích về sức khỏe người mẹ và nguy cơ ảnh hưởng xấu đến bào thai để quyết định nên dùng thuốc nào, liều lượng bao nhiêu cho thích hợp?
ẢNH HƯỞNG CỦA THUỐC ÐẾN CÁC GIAI ÐOẠN MANG THAI
1. Pha phân đoạn: Vào 2 tuần đầu của thai kỳ, độc tính thuốc có thể gây di chứng hoặc làm phôi bào chết.
2. Thời kỳ phôi: Kéo dài 75 ngày, thai phát triển nhanh, hầu hết các cơ quan được hình thành, rất nhạy cảm với thuốc. Thời kỳ này dùng thuốc rất nguy hiểm, nếu người mẹ tự ý dùng thuốc có thể gây quái thai.
3. Thời kỳ thai: Thai ít nhạy cảm hơn nhưng luôn luôn bị thuốc tấn công, gây độc cho bào thai.
4. Thời kỳ sơ sinh: Bắt đầu từ tháng thứ 6-9, nhau thai biến chất dần, nhiều chất thuốc thấm qua thai, gan và thận chưa thải được. Lúc trở dạ nếu mẹ dùng thuốc có thể gây ngộ độc cho trẻ sơ sinh. Thuốc có thể thấm vào thai qua hệ nhung mao, bề mặt của nhau có diện tích 50m2. Mỗi loại thuốc tập trung ở những nơi khác nhau, như Tetracyclin ở xương và mầm răng, Chloroquin ở võng mạc mắt...
Tùy từng thời kỳ mà thuốc có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của bào thai
- 3 tháng đầu một số thuốc có thể gây quái thai.
- Tuần thứ 3-11 có nguy cơ lớn nhất.
- Tháng thứ 4-9: Ảnh hưởng hoặc gây độc cho thai.
- Ðến gần ngày sinh hoặc khi trở dạ, dùng thuốc vẫn có hại cho thai.
Vì thế trong 3 tháng đầu người mẹ nên tránh dùng thuốc, không được tự ý dùng thuốc, nếu dùng phải theo đơn bác sĩ. Nên lựa chọn loại thuốc an toàn đã quen dùng, liều nhỏ. Không dùng các loại thuốc mới trước đây chưa dùng bao giờ.
LƯU Ý VỀ MỘT SỐ THUỐC THÔNG THƯỜNG
1. Một số thuốc có thể gây quái thai, dị tật
- Quinin gây điếc.
- Quinidin làm giảm thị lực.
- Chloroquin gây điếc, phì đại nửa người.
- Các Tetracyclin gây dị tật chân tay, đục thủy tinh thể; Thể tập trung ở xương và mầm răng (Tetracyclin - Oxytetracyclin, Clotetracyclin).
- Kháng sinh Aminoglucozid gây điếc. Cấm dùng suốt thai kỳ.
- Captopril gây dị tật và thai chết lưu. Không được dùng thuốc này.
- Phenobarbital gây dị tật ở tim, khe môi và vòm miệng, hệ xương, thần kinh trung ương và ống tiêu hóa.
- Penicilamin gây dị tật ở mô liên kết và các dị tật khác.
2. Gây bất thường về chức năng ở thai và trẻ sơ sinh
- Sulfamid đe dọa vàng da. Cấm dùng trong 3 tháng đầu của thai kỳ.
- Rifampicin đe dọa chảy máu. Nếu cần phải dùng cùng vitamin K.
- Chloramphenicol gây hội chứng xám. Không dùng trong 3 tháng cuối.
- Sulfamid chống tiểu đường gây nguy cơ giảm thiểu đường huyết ở thai nhi.
- Thuốc giảm đau, thuốc ngủ gây nguy hiểm ở trẻ sơ sinh. Cấm dùng trong 3 tháng cuối thai kỳ.
- Thuốc hạ huyết áp (Diazoxid) dùng dài ngày gây rụng tóc, ức chế co bóp tử cung khi sinh.
- Rezecpin làm trẻ mới sinh tim đập chậm, tắc mũi, buồn ngủ.
ÐỐI VỚI CÁC LOẠI KHÁNG SINH
1. Không dùng được
- Chloramphenicol, Norflo-xacin.
- Emetin, Ofloxacin.
- Dihydroemetin, các Sulfamid.
- Erythromycin, các Tetra-cyclin.
- Grisofulvin, Co trimoxazon.
- Nitrofurantoin, các quinolon.
- Trimethoprim.
2. Dùng thận trọng
- Clindamycin, Quinacrin.
- Ethambutol, Rifampicin.
- Isoniazid, Vancomycin.
- Mebendazol, Quinin.
3. Một số thuốc sau đây không được dùng khi có thai và cho con bú
- Thuốc chống lo âu, gây ngủ, an thần.
- Thuốc Antihistamin, Benzodiazepin, Barbiturat.
- Thuốc chống đông máu: (Heparin - tiêu khối (Enzyme).
- Thuốc chống co giật: (Hydantoin, Barbiturat, Benzodiazepin).
- Thuốc chống trầm cảm (3 vòng - IMAO).
- Thuốc chống tiểu đường (Sulfonylurea, insulin).
- Thuốc kháng Histamin (Receptor H1, dẫn chất ethanolamin).
- Thuốc điều trị tăng huyết áp: (Adrenergic, phong bế beta...).
- Thuốc lợi tiểu (thiazid... lợi tiểu quai, thẩm thấu...).
- Thuốc trị Parkinson (Dopamin - chống tiết Cholin).
- Thuốc chống loạn tâm thần (Phenothiazin, Thioxanthen, Dibenzodiazepin...).
- Thuốc chống ho, long đờm.
- Thuốc phong bế lựa chọn beta.
- Thuốc giãn phế quản.
- Thuốc kích thích não.
- Thuốc kháng histamin H2.
- Thuốc ức chế miễn dịch.
- Thuốc nhuận tràng (kích thích - thẩm thấu, làm mềm, tạo khối).
- Thuốc gây ngủ giảm đau (gây ngủ, hạ sốt không gây ngủ).
- Thuốc chống viêm không steroid.
- Thuốc kích dục (hormone sinh dục).
Trên đây là một số vấn đề cơ bản về việc dùng thuốc khi có thai. Các bà mẹ cần hết sức lưu ý và thận trọng. Nếu phải dùng, nên tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sĩ điều trị để bảo đảm cho sự an toàn của cả mẹ?và con.