Rối loạn tâm thần thời kỳ sinh đẻ
Những vất vả và căng thẳng của thời kỳ sinh đẻ, chăm sóc đứa con sơ sinh và sự thay đổi về nội tiết có thể khiến người mẹ có những rối loạn tâm thần. Người mẹ hoặc quá lo lắng, cáu kỉnh, hoặc xuất hiện các hoang tưởng, thậm chí có thể tự sát hoặc cố ý làm hại con.
Sau đây là một số biểu hiện bệnh lý thường gặp ở phụ nữ sau khi sinh con.
1. Trầm cảm không điển hình
Thường xảy ra vào ngày thứ 3 sau khi sinh. Từ vui vẻ, phấn khởi, người mẹ chuyển sang buồn bã và sợ hãi về khả năng nuôi con, lo lắng về sự hoàn thiện và an toàn của con. Họ luôn nhạy cảm với nhu cầu được chăm sóc, ăn uống, bế bồng của con (ví dụ, thấy con cựa hơi mạnh, hay dướn người, hơi khóc là đã lo lắng sợ con bị đói lạnh hoặc bị bệnh gì đó mà mình chưa biết). Ở họ có thể xuất hiện cơn chảy nước mắt không giải thích được. Nguyên nhân của hội chứng này là sự thay đổi nội tiết và sự biến đổi tâm lý sau đẻ.
Hội chứng này thường nhẹ và lành tính, có thể tự mất đi sau vài ngày nếu có sự quan tâm chăm sóc, nâng đỡ về mặt tình cảm của những người xung quanh. Điều chủ yếu là bà mẹ phải được chăm sóc và hướng dẫn, giải thích để có kiến thức về việc chăm sóc và nuôi con ngay từ những tháng cuối của thời kỳ mang thai và cả sau khi sinh.
2. Trầm cảm điển hình
Hội chứng này xuất hiện sau đẻ từ 9 đến 15 tháng. Biểu hiện lâm sàng: Dễ nổi cáu, cảm xúc dễ thay đổi, có biểu hiện suy nhược, cơn chảy nước mắt, luôn xuất hiện cảm giác bất lực. Bệnh nhân quá lo lắng về cách cho con ăn, cách giữ vệ sinh, cách dạy dỗ... Đối tượng dễ bị dạng trầm cảm này là những phụ nữ làm mẹ quá sớm hoặc chưa chuẩn bị sẵn sàng về tâm lý và hiểu biết để làm mẹ; người bị thiếu hụt tình cảm hoặc là nạn nhân của một sự đối xử tàn tệ thời thơ ấu.
3. Loạn thần kèm theo lú lẫn và mê mộng
Trạng thái này xuất hiện đột ngột, rõ nhất ở tuần lễ thứ 2. Triệu chứng đa dạng: lo âu, kích động, cơn chảy nước mắt, có khi hung hãn tấn công, có khi lại nằm mệt lử, lú lẫn, nhận thức sai về không gian, thời gian; có khi lại mê mộng, lo sợ.
Có biểu hiện hoang tưởng tập trung vào con như: sợ trẻ bị đói, bị chết, phủ định vai trò của người cha (cho rằng trẻ sinh ra không cần cha). Bệnh nhân cũng có thể hoang tưởng tập trung vào bản thân như cảm thấy bị đe dọa, bị bắt buộc uống thuốc độc, thuốc ngủ, lo sợ điều xấu sẽ đến. Trạng thái lo sợ dai dẳng và nặng nề có thể dẫn đến tự sát hoặc giết con.
Trạng thái này sẽ tiến triển thuận lợi nếu được điều trị đúng và kịp thời, nhưng dễ tái phát sau một thời gian ngắn.
4. Hưng cảm điển hình sau đẻ
Xuất hiện trong vòng 2 tuần sau đẻ, có thể gây kích động, mất định hướng nặng. Bệnh nhân có hoang tưởng rằng mình đầy quyền lực, đang thực hiện sứ mệnh của thượng đế.
Lưu ý trong điều trị
- Bệnh nhân cần được đưa đến bác sĩ chuyên khoa tâm thần để thăm khám và lựa chọn thuốc điều trị một cách thận trọng.
- Ngừng cho con bú. Hầu hết các thuốc hướng thần đều thải trừ qua đường sữa của mẹ.
- Người mẹ có triệu chứng loạn thần cần nhập viện và cách ly với đứa trẻ. Khi trạng thái tâm thần của người mẹ cho phép, cần cho gặp con dưới sự theo dõi của nhân viên y tế để tái lập mối quan hệ giữa mẹ và con.
Bác Sĩ Gia Đình