Đề phòng thiếu máu khi mang thai
Phụ nữ mang thai dễ bị thiếu máu do thiếu hụt các thành phần tham gia tạo máu. Để tránh tình trạng này, cần ăn uống đa dạng và bổ sung các vi chất qua dược phẩm.
Khi phụ nữ mang thai, nhu cầu về năng lượng và các chất dinh dưỡng cao hơn bình
thường để phù hợp với sự thay đổi sinh lý của người mẹ (như tăng chuyển hóa,
tăng tích lũy mỡ, tăng cân, tăng khối lượng tử cung, tăng lượng máu tuần
hoàn...) và cung cấp cho thai nhi. Vì thế, nếu chế độ dinh dưỡng không đúng và
không đủ, người mẹ sẽ dễ bị thiếu máu do thiếu hụt các thành phần tạo máu.
Quá trình tạo máu đòi hỏi sự tham gia của nhiều chất dinh dưỡng như chất đạm,
sắt, acid folic, vitamin B12... Ở thai phụ, nhu cầu về chất sắt và acid folic
thường tăng gấp đôi so với bình thường. Sắt là thành phần của huyết sắc tố và
nhiều men khác trong cơ thể. Nó tham gia vận chuyển oxy và các chất dinh dưỡng
đến các tế bào. Tỷ lệ chất sắt trong các loại thực phẩm không giống nhau. Với
mỗi loại, khả năng hấp thu sắt của cơ thể cũng khác. Thức ăn có nguồn gốc động
vật (thịt, trứng, gan...) thường giàu chất sắt và tỷ lệ hấp thu cao (30%). Các
loại đậu đỗ có nhiều chất sắt và tỷ lệ hấp thu tương đối cao (20%). Còn các loại
ngũ cốc, lương thực đều nghèo chất sắt. Rau quả tuy chứa ít chất sắt nhưng rất
giàu vitamin C, vừa giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể vừa hỗ trợ hấp thu
sắt được tốt.
Để đề phòng thiếu sắt cho bà mẹ mang thai, chế độ dinh dưỡng của thai phụ cần tăng thêm các thực phẩm giàu sắt như thịt, trứng, gan, bầu dục, đậu đỗ, đồng thời chú ý ăn thêm rau quả để có đủ vitamin C.
Acid folic ngoài việc tham gia cấu tạo hồng cầu còn giúp cho quá trình phân chia tế bào xảy ra bình thường. Trong thời kỳ mang thai, nhu cầu về acid folic (folat) tăng lên rõ rệt. Mức khuyến nghị với phụ nữ có thai là 6.000 mcg folat/ngày (phụ nữ bình thường chỉ cần 280 mcg/ngày). Khẩu phần ăn của người mẹ nếu thiếu folat sẽ ảnh hưởng đến quá trình tạo máu và phát triển thai nhi (bao gồm cân nặng sơ sinh thấp, dị tật ống thần kinh, dẫn đến nhiều bệnh lý như bại liệt, não úng thủy, thai chết lưu....).
Nguồn thực phẩm chứa folat rất đa dạng. Các loại rau xanh, đậu quả,
nước quả, gan, các hạt nẩy mầm (mầm lúa mì, mầm lúa, giá đỗ...) đều
giàu folat. Trong thực phẩm, folat dễ bị phân hủy bởi nhiệt độ và
ánh sáng mặt trời. Trong quá trình chế biến, tỷ lệ folat bị mất là
50-90%. Nếu thức ăn để lâu ngoài ánh sáng, lượng folat sẽ bị hao hụt
đáng kể. Để đảm bảo có đủ folat trong khẩu phần ăn, thai phụ cần ăn
phối hợp nhiều loại thực phẩm, tăng cường ăn rau quả tươi, thực phẩm
mua về cần chế biến ngay và ăn ngay sau khi nấu.
Bên cạnh chế
độ ăn uống, để phòng chống thiếu máu dinh dưỡng, hàng ngày thai phụ
cần uống bổ sung thêm viên sắt/folat (loại viên chứa 60 mg sắt
nguyên tố và 0,4 mg acid folic) ngay từ lúc bắt đầu có thai đến sau
khi sinh 1 tháng.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)