Ăn và nhịn ăn
Tác giả : GS. HOÀNG BẢO CHÂU
Thông thường khi đói
chúng ta thấy muốn ăn. Khi ăn đủ sẽ
có cảm giác no. Cảm giác ăn, cảm giác no do trung khu ăn, trung khu no chỉ huy.
Thức ăn con người vẫn dùng trước nay là ngũ cốc (gạo, mì, ngô, khoai, sắn), rau,
quả, thịt, cá với các cách chế biến khác nhau tùy theo thời đại, tập quán của
từng khu vực, từng tộc người. Thức ăn qua quá trình tiêu hóa, chuyển thành các chất dinh dưỡng có cấu trúc đơn giản, vào máu để đến các tế bào, chuyển thành các thành phần đặc trưng của tế bào giúp ta tồn tại và phát triển, hoặc để phân giải vật chất giải phóng năng lượng cho cơ thể hoạt động và thải các sản phẩm chuyển hóa ra ngoài cơ thể, cũng như tạo ra các tế bào con giống hệt tế bào mẹ để bù vào số đã chết đi do sinh lý hay bệnh lý.
NÊN ĂN VỪA ÐỦ
Nên ăn vừa đủ, không nhiều quá cũng không ít quá. Thông thường người ta khuyên: ăn đủ cả chất bột, rau quả, thịt nhằm cung cấp cho cơ thể đủ các chất glucid, lipid, protid, các vitamin, muối khoáng và các chất vi lượng; và khi đã có cảm giác no thì ngừng ăn. Hải Thượng Lãn Ông còn khuyên "Bớt ăn mấy miếng, nhịn thèm hơn đau", ý nói là ăn đến sắp no thì ngừng. Ðiều này nếu chú ý thì ai cũng có thể thực hiện được.
Các nhà dinh dưỡng ngày nay cho rằng: Ăn vừa đủ có nghĩa là năng lượng do thức ăn đưa vào cơ thể vừa bằng năng lượng mà cơ thể phải tiêu hao để duy trì các hoạt động (nằm, ngồi, đi, đứng, lao động...). Năng lượng được tính bằng calo. Người ta đã tính được ở 1 người nặng 55kg, khi nằm yên cần tiêu hao 1.400Kca; Khi ăn, thêm 180Kca; Khi ngồi tiêu hao 1.800-2.000Kca; Khi làm việc chân tay cần 5.000-6.000Kca (gấp 3-4 lần so với khi nằm yên); Khi lên gác cần gấp 17 lần khi nằm yên. Trẻ em đang tuổi phát triển cần nhiều hơn người lớn, bà mẹ mang thai cần nhiều hơn phụ nữ bình thường để có đủ năng lượng cung cấp cho thai... Như vậy, vấn đề ăn đủ tùy thuộc vào từng người và trạng thái hoạt động của họ theo hướng: cần năng lượng nhiều thì ăn nhiều; cần năng lượng ít thì ăn ít.
Người ta cũng thấy rằng, thường một nửa số calo ăn vào được dùng cho chuyển hóa cơ bản (nằm nghỉ hoàn toàn và không ăn trong 24 giờ...). Người lao động dùng 40%, nếu là lực sĩ dùng 50% hoặc nhiều hơn, và 10% dùng cho việc tiêu hóa.
Nếu ăn quá lượng cần thiết thì khối mô tế bào sẽ tăng lên, glucid thừa sẽ chuyển thành acid béo, một số amin để dự trữ. Nếu quá mức thì dẫn đến béo phì. Còn ăn không đủ lượng thì khối mô tế bào sẽ giảm đi vì glucid thiếu, cơ thể sẽ tiêu mỡ và protid dự trữ để bù đắp phần năng lượng thiếu.
Người ta cho rằng nếu sút cân do tự ý thay đổi chế độ ăn hoặc luyện tập thì không bao giờ phải lo lắng, vì thường là do mất thể dịch nên sút cân nhanh. Ðã có một nghiên cứu cho 13 người ăn mức 1070Kca/ngày trong 24 ngày, thấy 3 ngày đầu sút cân nhanh, trong đó 70% là do mất nước, còn các giai đoạn sau là mất lipid và protid.
Ngày nhịn ăn | Sút trọng lượng TB/kg/ngày | Nước % | Chất béo % | Protid % | 1-3
11-13
22-24 | 0,80
0,23
0,4 | 70
19
0 | 25
69
85 | 5
12
15 |
Qua đó có thể thấy nhịn ăn ở người không có bệnh dẫn đến sút cân là quy luật sinh lý, chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn là phục hồi được. Còn sút cân do bệnh gây nên thì cần phải điều trị, vì đó là nguyên nhân của sút cân.
Nhịn ăn (chủ động hoặc bị động) là không ăn uống gì hoặc ăn không đủ no, không đủ năng lượng để bù vào năng lượng đã được tiêu hao.
Chúng ta từng biết những cuộc nhịn ăn hoàn toàn (tuyệt thực) của các nhà chính trị chống lại chế độ hà khắc của quân thù. Họ có thể nhịn ăn dài ngày, ngắn ngày, song không có tử vong (nếu không có yếu tố gây tử vong tác động) và sau đó vẫn phục hồi. Tuy nhiên, trong giai đoạn đói ăn, nếu cho ăn một lúc quá nhiều có thể dẫn đến tử vong (Hải Thượng Lãn Ông có câu: Chết vì bội thực cũng nhiều, ngờ đâu lại có người nghèo chết no). Còn nếu khi đói lả, cho dần từng thìa nước cháo để tỉnh lại, rồi cho cháo loãng, ít một, rồi cháo đặc... thì cứu được.
Nhiều bệnh nhân sốt cao, trong giai đoạn phát nặng thật sự không có cảm giác đói, no và miệng đắng không muốn ăn gì, có thể kéo dài vài ngày. Sau khi hết sốt, dần dần mới cảm thấy đói và thèm ăn. Nhịn ăn trong giai đoạn bệnh cấp tính là một phản ứng của cơ thể, đó là do toàn cơ thể tập trung vào công việc bài tiết độc tố, chứ không chú trọng vào việc hấp thu thức ăn.
Tôi đã gặp nhiều phụ nữ ăn kiêng chống béo đến thăm bệnh với triệu chứng hoa mắt chóng mặt. Sau khi bắt mạch thấy mạch nhỏ, ấn xuống sức cản yếu (mạch tế, hư). Tôi hướng dẫn bệnh nhân tự xem mạch của mình để thấy rõ mạch nhỏ, sức cản yếu là do trong mạch không có nhiều máu (y học cổ truyền gọi là khí huyết hư). Ngoài cho thuốc bổ khí huyết, tôi nhắc bệnh nhân nên ăn đủ để giữ sức khỏe.
HẬU QUẢ CỦA NHỊN ĂN VÀ CÁCH PHÒNG CHỐNG
Những người kiêng ăn không hoàn toàn để chữa hoặc phòng béo nếu nhịn quá mức dễ có trạng thái hoa mắt, chóng mặt khi thay đổi tư thế từ ngồi sang đứng, có người thấy tối sầm, có thể ngất xỉu.
Cách phòng các chứng này thường như sau: Không đứng dậy đột ngột mà đứng từ từ, nếu thấy hoa mắt, chóng mặt thì nhắm ngay mắt lại, vịn vào một điểm cố định, chờ một lúc mở mắt ra và hoạt động bình thường. Chớ nên vẫn mở mắt tiếp tục đi vì có thể dẫn đến tối xầm và ngất xỉu. Nếu bệnh nhân ngất xỉu thì cho nằm đầu thấp, uống nước đường nóng. Có nhiều người lúc nào cũng có kẹo trong túi, nếu thấy hơi đói thì ngậm kẹo ngay nên chủ động tránh được trạng thái hoa mắt, chóng mặt.
Người nhịn ăn không hoàn toàn để chống béo đều nhằm mục đích chủ động làm tiêu hao các chất dư thừa (nước ứ đọng, mỡ), loại thải các chất độc hại, tái tạo cơ thể, vẫn giữ cho cơ thể có đầy đủ sinh lực để sống và làm việc. Song cũng cần lưu ý, nếu nhịn đói quá mức, năng lượng đưa vào thấp hơn năng lượng yêu cầu quá nhiều thì cơ thể bắt buộc phải tự tiêu hủy các mô lành để duy trì sự sống, dẫn đến suy kiệt cả phần khối mô tế bào và phần sinh lực. Lúc đó đã chuyển sang giai đoạn đói ăn, tự hủy, dễ bị yếu tố gây bệnh tấn công. Vì vậy nếu bắt đầu cảm thấy người chóng mệt mỏi, dễ hoa mắt chóng mặt thì cần tăng ngay khẩu phần ăn đầy đủ để cơ thể chịu đựng được quá trình giảm ăn.
Lại có những người mắc một số bệnh mạn tính đã qua điều trị bằng các phương pháp Ðông Tây y không kết quả nên tự nhịn ăn để chữa, hy vọng thông qua việc tiêu hao các chất dư thừa, loại thải các chất độc hại trong cơ thể, tái tạo lại cơ thể của quá trình nhịn ăn để phục hồi sức khỏe.
Trong số những bệnh nhân này, có người không bị sút cân do bệnh đang có (như hen suyễn, viêm phế quản mạn, sỏi bàng quang, xơ cứng mạch, phì đại tuyến tiền liệt, tăng huyết áp, sa dạ dày...). Họ vẫn có khả năng cung cấp đầy đủ năng lượng cho cơ thể. Loại thứ hai là những bệnh nhân đã có sút cân do bệnh gây nên (u bướu đòi hỏi tăng tổng hợp protid vào u, cơ thể phải tiêu protid toàn thân để cung cấp cho u, ăn không đủ bù, suy mòn.).
Ở trường hợp thứ nhất, nếu dùng cách nhịn ăn để chữa thì có thể đạt hiệu quả như chữa béo phì. Tuy nhiên, các bệnh nhân thường được dùng cách nhịn hoàn toàn 10 ngày hoặc hơn (20 ngày, 30 ngày) tùy người, tùy bệnh và kết quả có được.
Ở trường hợp thứ hai, vì cơ thể đã bị suy mòn do bệnh, nay lại nhịn ăn nữa nên sẽ có tác dụng không tốt do làm cơ thể suy kiệt thêm. Vì vậy khi bệnh đã đến giai đoạn suy kiệt thì không nên nhịn ăn vì lợi bất cập hại. Có tác giả khuyên các phụ nữ không nên dùng phương pháp nhịn ăn trong thời kỳ cho con bú (vì sẽ không có sữa) và những người không tin vào nhịn ăn hoàn toàn dài ngày có thể đem lại kết quả tốt cho mình.
Trong đời sống của mỗi người, có lẽ ai cũng đã có lúc nhịn ăn; chẳng hạn khi ốm không thấy đói, miệng đắng, nhỡ độ đường không có gì ăn, nhịn ăn không hoàn toàn để nhẹ cân... Tuy năng lượng thức ăn đưa vào không đủ bù cho năng lượng đã tiêu hao, song cơ thể có thể tự điều chỉnh, tiêu hao bớt dự trữ, loại trừ độc hại, tiêu các mô lành khi cần thiết, giữ lại tối đa các yếu tố cần thiết và cơ thể vẫn hoạt động bình thường; Nhưng nhất thiết không nên nhịn ăn khi cơ thể đã ở trạng thái suy kiệt khó phục hồi.
Chú thích ảnh: Nuôi ăn cho bệnh nhân xông dạ dày.