CHỚ COI THƯỜNG VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM
Sức khỏe của mỗi người,
sức khỏe của cộng đồng phụ thuộc rất nhiều vào việc ăn uống. Ông bà ta hay
nhắc câu: "Họa do khẩu xuất, bệnh tòng khẩu nhập" (Tai họa do mồm ra, bệnh
theo đường miệng vào). Dưỡng sinh, sống lâu, bên cạnh vấn đề cách sống, lối
sống, thở... vấn đề ăn cũng chiếm phần cốt yếu.
Thế mà từ lâu ở nước ta
do đói nghèo, chiến tranh... việc vệ sinh ăn uống bị coi thường. Gần đây,
đất nước có khá lên, nhưng lại sinh ra lắm tệ hại về mặt này. Môi trường bị
tàn phá, nguồn nước bị ô nhiễm, thức ăn thức uống chứa nhiều độc hại, lại
thêm ý thức, kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm còn kém sút, khiến cho
số người, số vụ ngộ độc thực phẩm tăng lên, có vụ hàng trăm người. May mà
nhờ cứu chữa kịp thời, số ca tử vong ít; nhưng với đà này sức khỏe, tuổi thọ
giảm sút. Điều đáng nói là sự gian manh, vô trách nhiệm của một số người chế
biến thực phẩm và sự buông lỏng quản lý của các cơ quan Nhà nước... làm cho
tình hình trở nên bức xúc hơn.
Tháng vệ sinh an toàn
thực phẩm đang được phát động, chỉ thị 08/1999 của Thủ tướng Chính phủ ngày
15/4/1999 và công văn 4092 ngày 22/6/1999 của Bộ trưởng Y tế... đòi hỏi các
cơ quan có trách nhiệm và toàn xã hội thực hiện nghiêm việc quan trọng cấp
bách này. Tăng cường ý thức, tăng cường pháp luật, tăng cường phương tiện...
cho việc giữ gìn vệ sinh, an toàn thực phẩm là việc cần làm ngay. Riêng
ngành Y tế thì việc phổ biến kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm để phòng
ngừa, việc phối hợp với các cơ quan chức năng khác để kiểm tra, phát hiện,
xử lý các vi phạm đồng thời tổ chức tốt việc cứu chữa các vụ ngộ độc thức
ăn... là những việc làm thường xuyên và ngày càng cần làm tốt hơn nữa.
Đã đến lúc toàn xã hội
tiến lên một nấc thang mới trong việc bảo vệ cuộc sống, sức khỏe của mình và
trong việc đó, chớ nên coi thường việc giữ gìn an toàn vệ sinh thực phẩm.
SK&ĐS