Các món dược thiện từ ốc
Canh ốc lá vang nấu cùng ớt hiểm, khế chua ăn với bún trong những buổi trưa hè là phương thuốc phục hồi sức khỏe nhanh chóng, giúp khí huyết thông suốt. Nhờ đó, bạn sẽ lấy lại được sự hăng say trong buổi chiều làm việc.
Ốc nước ngọt còn gọi là ốc đồng, ốc vàng, danh oa. Thịt ốc tính hàn, vị ngọt, thành phần chủ yếu là chất đạm, mỡ, cacbua hydrrat, canxi, photpho, sắt, các sinh tố B2, PP, A... Đông y dùng ốc luộc để chữa vàng da, phù thũng, bệnh gan, thủy đậu, trĩ, nhiễm trùng... Có thể chế biến ốc thành nhiều món ăn rất tốt cho sức khoẻ.
Tuy nhiên, những người tỳ vị hư hàn, rối loạn tiêu hóa kéo dài, người có vết loét lâu không lành... nên kiêng hoặc hạn chế ăn ốc.
Một số món ăn bổ dưỡng từ ốc:
- Ốc hấp lá gừng: Thịt ốc băm kỹ, trộn với giò sống, cuốn một vòng lá gừng non, nhồi vào vỏ ốc, hấp cách thuỷ. Sự kết hợp giữa tính hàn của ốc và tính nóng của gừng giúp duy trì sự cân bằng cho cơ thể, bồi bổ thêm nhiều chất dinh dưỡng, làm tăng cường sức khỏe bền lâu.
- Ốc nấu giả ba ba: Nấu như món ốc bung cùng thịt ba chỉ, chuối xanh, đậu phụ nướng, thêm tía tô... Có tác dụng làm ấm người, dưỡng huyết, bổ âm, ích vị, thông khí, chữa suy nhược cơ thể.
- Ốc bươu áp lửa:
Ốc nấu chín trong nước; cây sả đập dập hòa gia vị, đổ nước hỗn hợp gia vị vào
miệng ốc, nướng cạn trên bếp than hồng, giúp cho vị ốc dai giòn, thơm đậm, bổ
dưỡng vô song.
- Ốc xào rượu: Có thể xào ốc với khế, rượu, chấm
với xì dầu trộn lẫn gừng băm nhỏ và mì chính. Nước ốc có lẫn rượu có thể trút ra
cốc để uống cùng món nhắm. Món ốc này có tác dụng ích thận, tráng dương, thanh
nhiệt, lợi tiểu.
- Giò ốc: Ốc luộc
chín, khêu phần miệng, xào với tiêu, gừng, mì chính, mộc nhĩ, nấm hương và thịt
thủ lợn, để nguội rồi gói trong khuôn sắt lót lá chuối. Giò ốc nén càng chặt
càng ngon. Sau khi luộc giò, bỏ khuôn sắt, lại bó thanh giò bằng 8 thanh tre cật
cho thật chặt.
Người xưa dùng giò ốc để trị chứng hoàng đản, thần kinh suy
nhược, khí huyết không đủ, phù thũng, lao hạch...
(Theo Sức Khoẻ & Đời Sống)