Vối - nước giải khát và kháng sinh
Trong lá vối có tanin, một số chất khoáng, vitamin và khoảng 4% tinh dầu với mùi thơm dễ chịu. Không những thế, trong lá vối và nụ vối còn có một chất kháng sinh diệt được nhiều loại vi khuẩn gây bệnh.
Mùa hè, sau những giờ lao động mệt mỏi, nếu được ngồi nghỉ uống bát nước vối sẽ thấy hết khát và đỡ mệt hẳn vì ngoài nước ra, cơ thể còn được cung cấp một số muối khoáng và vitamin cần thiết bị mất theo mồ hôi. Các nghiên cứu cho thấy nếu chỉ uống loại nước trắng suông (như nước đun sôi để nguội), chỉ sau 30-40 phút cơ thể sẽ đào thải hết, nhưng nếu uống nước vối hoặc chè tươi, sau cùng một thời gian ấy, cơ thể chỉ đào thải khoảng 1/5 lượng nước đã uống, phần còn lại sẽ được thải ra từ từ sau đó.
Viện Nghiên cứu y học dân tộc đã nghiên cứu tính chất kháng sinh của lá vối đối với một số loại vi khuẩn gram và kết luận, lá vối ở tất cả các giai đoạn phát triển đều có tác dụng kháng sinh rõ rệt, nhất là những lá thu hái vào mùa đông, vì mùa này kháng sinh tập trung nhiều ở lá. Kháng sinh lá vối có tác dụng với nhiều loại vi khuẩn như Streptococcus, Staphylococcus, vi khuẩn bạch hầu, phế cầu, Salmonella, Bacillus subtilis...
Hoạt chất kháng sinh này tan trong nước và các dung môi hữu cơ thông thường, bền vững với nhiệt độ, không độc với cơ thể, có thể dùng dưới dạng sắc, cao, hoặc viên cho những người đầy bụng khó tiêu, tiêu chảy và viêm họng.
Lá vối tươi hay khô sắc đặc được coi là một thuốc sát khuẩn dùng chữa nhiều bệnh ngoài da như ghẻ lở, mụn nhọt. Trong thực tế, nhân dân ta thường lấy lá vối để tươi vò nát, nấu với nước sôi lấy nước đặc gội đầu chữa chốc lở rất hiệu nghiệm.
Ngoài ra, người ta còn dùng lá vối phối hợp với một số vị thuốc khác để chữa tiêu chảy: lá vối 3 cái, vỏ ổi rộp 8 g, núm quả chuối tiêu 10 g. Tất cả đều thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400 ml nước còn lấy100 ml, chia uống làm 2 lần trong ngày. Dùng 2-3 ngày liền. Vỏ thân cây vối cũng được dùng sắc uống chữa đau bụng, ăn không tiêu, liều lượng 6-12 g một ngày.
Cần phân biệt cây này với vối rừng, mọc hoang ở vùng núi. Nó cũng thuộc họ sim và được Đông y dùng vỏ cây làm thuốc, gọi là hậu phác. Vị hậu phác được dùng chữa đau bụng, đầy trướng ăn không tiêu, nôn mửa....
BS Mai Phương, Sức Khỏe & Đời Sống