Chế độ ăn cho người viêm gan
Bác sĩ Nguyễn Lân Ðính
Gan là một cơ quan thiếu yếu chủ chốt cho việc chuyển hoá mọi chất dinh dưỡng nên có thể có nhiều chế độ ăn uống khác nhau, tuỳ theo giai đoạn phát triển của bệnh.
Tuy nhiên, một khi chẩn đoán bệnh đã được xác định, và trong những giai đoạn bệnh phát triển, bệnh nhân cần nằm nghỉ và theo phép tiết thực để phục hồi phần nào chức năng gan và để ngừa những tổn thương nặng hơn. Vì thế người ta thường theo các hướng xử lý sau đây:
1.Sau những ngày đầu, có khi phải nuôi bằng tĩnh mạch rồi nuôi bằng ống. Một khi bắt đầu ăn được, người ta hay cho ăn theo chế độ ăn lỏng, rồi ăn đặc dần, cho đến khi trở lại bình thường. Xin nhắc trong bệnh viêm gan, không hề có chỉ định phải kiêng cholesterol, nên vẫn có thể ăn trứng và các phụ tạng (như gan heo) được.
2.Nếu bị sút cân nhiều và có cả những triệu chứng suy dinh dưỡng khác (như phù chân, lở mép, sưng nướu...) cần tăng số calo có khi tới 3.000 và lượng protein dưới dạng thức ăn động vật lên tới 100g hoặc hơn nữa.
3.Ða số bệnh nhân dung nạp được một lượng dầu mỡ khá cao; tuy nhiên, nếu vàng da tắc mật thì cũng chẳng nên cho dầu mỡ vì có cho cũng không hấp thu được và sẽ ra phân ("phân mỡ").
4.Cho ăn bột đường thoải mái hầu tăng lượng calo.
5.Tình trạng suy gan càng nặng thì càng phải kiêng đạm động vật nhiều: lúc đó bắt buộc phải lựa chọn các chất đạm thực vật, thường có giàu acid amin có nhánh vì loại này tương đối ít phần amin hơn - phần này sẽ phải được gan chuyển hoá thành ammoniac và urê. Protein thực vật cũng ít các acid amin thơm, không có hemoglobin là những chất có cấu trúc vòng, bắt gan phải làm việc nhiều.