Nước uống
Nước là yếu tố chủ yếu thứ 2 sau ôxy, để duy trì sự sống. Không có nước cơ thể không tồn tại được vì tất cả những quá trình chuyển hoá, những phản ứng hoá học, những quá trình sinh sống đều xảy ra trong môi trường nước.
Nếu tính theo trọng lượng, ở cơ thể người trưởng thành, nước chiếm từ 58% đến 67%, trẻ em nước có thể là 70%-75%.
Nhu cầu về nước phụ thuộc vào quá trình chuyển hóa cơ bản, với khối lượng và trạng thái thức ăn, với sự hoạt động của cơ thể, với khả năng cô đặc của thận, với nhiệt độ của môi trường bên ngoài và tốc độ lớn của cơ thể... Nói chung nhu cầu nước thay đổi từ 0,3 lít đến 1 lít ( ở trẻ bú mẹ) từ 1 lít đến 1,8lít (ở trẻ từ 1-15 tuổi) và từ 1,8 lít đến 2,5 lít ở người lớn. Trong số 2,5 lít nước, nhu cầu nước uống là 1,2 lít, nước thức ăn là 1lít, nước sinh ra từ chuyển hoá là 0,3lít.
Nắng nóng làm tăng nhu cầu về nước do cơ thể bị mất nước qua da (tăng tiết mồ hôi) và qua phổi (tăng nhịp thở). Mất nước sẽ làm giảm thể tích máu, giảm máu qua thận, giảm bài tiết nước tiểu, gây rối loạn chuyển hoá trong tế bào, làm tăng urê, tăng các sản phẩm tan trong máu. Mất nước còn giảm đi những chất điện giải quan trọng trong cơ thể...
Do vậy phải uống nước để bù lượng nước đã mất, nhưng uống gì thì ta cần chú ý, dù đang khát dữ dội vẫn phải tìm nước sạch, nước đã nấu chín, nước dừa, nước trái cây, nước trà... Các sản công nghiệp (Coca Cola, Pepsi, Cola, nước khoáng...) có thể sử dụng, nhưng thận trọng với những thứ nước không có hoặc không rõ nơi sản xuất, vận chuyển, bảo quản không hợp vệ sinh. Bia là một trong những thứ giải khát được nhiều người, nhất là các đấng mày râu ưa chuộng. Uống bia nhiều tới mức ghiền thì không nên, vì dễ béo bụng mập phì không có lợi cho sức khỏe và nhiều khi còn gây ra những bệnh tật khó chữa, nhất là đối với những ngưòi có tuổi
BS Nguyễn Hữu Toán
Muà hè nên uống loại nước gì?
Người lao động nặng nhọc, chơi thể thao trong môi trường nóng nực thường ra nhiều mồ hôi, kéo theo mất nước tế bào, mất muối khoáng và chất dinh dưỡng. Người như vậy dễ bị táo bón, tiểu ít dẫn đến các chất độc không thể đào thải quá đà, sẽ tích tụ lại trong cơ thể. Hiện nay một số gia đình và nhất là một số buổi họp hành, hội thảo người ta thường dùng các loại nước giải khát đóng chai. Các loại nước giải khát đóng chai đa số là an toàn về vi sinh nhưng tính chất thành phần chất lượng của nó lại có ảnh hưởng đến sức khoẻ một số đối tượng nào đó.
Các loại nước giải khát có đường có tác dụng tốt đối với người bình thường, người gầy, nhưng người mập thì không nên uống. Nếu sợ béo mà vẫn thích uống nước ngọt thì có loại nước giải khát cho người ăn kiêng như loại Diet Coke. Nước tinh lọc, tinh khiết (nước uống đóng chai) làm lại từ nước máy chỉ là thứ nước an toàn. Loại này có tác dụng giải khát chậm hơn nhiều so với nước khoáng thiên nhiên hay nước khoáng hoá, giàu vitamin hoá. Nước trái cây ép là loại nước giàu chất dinh dưỡng, giàu vitamin và vi chất dinh dưỡng. Nước giải khát có mùi hương hoa quả không phải là nước ép trái cây
Bao bì và nhãn trên từng sản phẩm đã mang các thông tin hướng dẫn người tiêu dùng. Vậy cách xem phải như thế nào?
Nước khoáng và nước uống đóng chai phải trong suốt không màu, không cặn, không rêu, vỏ chai còn mới, không bị trầy xước, không bị hở. Ðể tránh mua hàng giả ta cần phải đối chiếu nhãn hiệu hoặc tên cơ sở sản xuất có trên nắp chai trên nhãn và dưới đáy chai phải trùng nhau. Nước giải khát có đường thường có màu nhưng phải trong không đục, không có váng cặn. Ðề phòng loại vỏ chai cũ, bẩn và nắp đã bị đứt vành nhựa giữa nút chai và cổ chai. Loại này rất dễ là hàng giả.
Không nên quên xem hạn sử dụng (HSD). HSD là khoảng thời gian mà chất lượng và an toàn sản phẩm của sản phẩm có giá trị sử dụng như một thực phẩm .Hết hạn thời gian sử dụng là thời gian mà chất lượng và an toàn của sản phẩm đã giảm đáng kể hoặc không còn an toàn. Thường là hạn sử dụng đưọc in la-ze ngay trên thành chai nhựa đáy lon hoặc in trên nhãn của chai thủy tinh
Nếu bạn ưa dùng nước khoáng điều đáng nhớ nất là phải chú ý đến thành phần riêng của từng chất vi khoáng có trong nước khoáng. Có những nội dung liên quan đến thành phần đưọc quy định phải chú trọng trên nhãn, gồm: Hàm lượng khoáng trên 1500mg/l phải ghi " hàm lượng khoáng cao" và nếu thấp hơn 500mg/l ghi là : "hàm lượng khoáng thấp".
Tổng lượng khoáng hoà tan là một chỉ tiêu đáng quan tâm. Các loại nước khoáng như Vital, Thạch Bích, Dakai 333, Quang Hanh có TDS trung bình (trên dưới 250mg/l) dễ uống và có thể thường xuyên nhưng khó phân biệt với nước thường. Trên thị trường có một số loại nước lọc bắt chước mẫu mã nhãn, chai dùng lại vỏ chai La Vie vì sự khó phân biệt này
Mặt khác, ta thấy đa số nước khoáng có hàm lượng flour rất thấp. Nước máy mà ta dùng hàng ngày cũng chưa được bổ sung thêm flour tại nhà máy. Tiêu chuẩn nước máy đối với flour ở các nước nằm trong độ khoảng 0,5-1,5mg/l. Dưới mức này mà ta không được bổ sung thêm Flour từ các nguồn thức ăn khác sẽ bị sâu răng, nhưng qua 1mức này lại dẫn tới mục răng. Một số nguồn nước khoáng ở miền Trung chẳng hạn Thạch Bích tuy thuộc loại có chứa Flo lại là nguồn bổ sung flo tiện lợi. Nước khoáng và nước ngọt có ga nhân tạo kích thích tiêu hoá tốt nhưng không tốt cho trẻ nhỏ và người viêm loét dạ dày, tá tràng. Những người bị viêm loét dạ dày cường toan (thường đau bụng lúc đói) lại nên uống loại nước khoáng "kiềm" chưá nhiều bicacbonate hay nước soda. Những người có bệnh thận , bệnh tim, huyết áp cao không dùng loại mặn. Trẻ em không dùng loại "giàu sulphate"
Tóm lại người sức khỏe bình thường có thể uống bất cứ loại nước giải khát nào. Người có bệnh và trẻ em nên thận trọng khi uống các loại nước chế biến công nghiệp. Nước thiên nhiên đủ điều kiện không màu, không mùi vị lạ được đun sôi vẫn là thứ nước được trời cho và an toàn tuyệt đối, không có chống chỉ định với tất cả mọi người. Nước trà tươi nước đường cam vắt, chanh... là món giải khát truyền thống tuyệt vời rất nên dùng.
Bác Sĩ Nguyễn Văn Dũng