CAO LY SÂM GÓP MẶT THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM
Tác giả : Lương y BÀNG CẨM
Tăng cường thể lực, bồi bổ cơ thể, phòng chống tiểu đường, tăng cường hoạt động gan, chống lão hóa, tăng cường trí lực, điều hòa huyết áp, ngăn ngừa bệnh tật, tăng cường tiêu hóa, chống bệnh ung thư, chống xơ cứng động mạch; Có khả năng tăng cường miễn dịch cho cơ thể chống lại sự xâm nhập của virus, ngăn ngừa các bệnh do ô nhiễm môi trường gây ra, nhất là bệnh ung thư… Đó là những tính năng dược lý quí giá của nhân sâm, đã trở thành đề tài nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới trong suốt nhiều năm qua.
Chủng loại đa dạng và phong phú
Cao Ly sâm là một trong các loại nhân sâm, tên “Cao Ly” cho biết đây là đặc sản của cả Hàn Quốc lẫn CHDCND Triều Tiên, Cao Ly sâm là loại dược liệu quý đã được dùng ít nhất từ 5.000 năm trước, xuất phát từ nền y học dân gian thuộc bán đảo Triều Tiên. Từ thời Tam Quốc, người Trung Hoa gọi nhân sâm là thần dược, tiên dược. Hiện nay, nhiều công ty sâm Hàn Quốc đã góp mặt trên thị trường Việt Nam với hệ thống đại lý khắp nơi, từ khu trung tâm dược liệu Q5, Q6, Q11... đến các quận Bình Thạnh, Gò Vấp...
Chị Đỗ Thị Huy, chủ một cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm sâm Cao Ly cho biết: Hiện nay loại dược liệu quý này đã được các công ty chính quốc chế tác thành nhiều mặt hàng đa dạng như sâm nguyên củ, sâm lát, sâm khô, sâm tươi, cao sâm, viên sâm, rượu sâm, trà sâm, kẹo sâm... với giá bán từ vài ngàn đồng đến vài triệu đồng tùy loại.
Cách phân biệt Cao Ly sâm và sâm Trung Quốc
Lương y Nguyễn Công Đức, giảng viên khoa Y học Cổ truyền - ĐHYD cho biết: có lẽ do mặt hàng này được ưa chuộng nên nhiều người đã mở đại lý để hưởng tỷ lệ phần trăm hoa hồng. Các nhà bào chế còn kết hợp thêm một vài thứ khác như lộc nhung, linh chi, mật ong để vừa đa dạng hóa sản phẩm, vừa thỏa mãn thêm nhu cầu bồi bổ và nâng cao sức khỏe. Theo tôi, giá trị nhất vẫn là sâm nguyên củ, sâm lát (cả khô và tươi). Tuy nhiên, khi chọn mua nên quan sát kỹ để tránh nhầm lẫn. Cụ thể sâm Cao Ly gồm Hồng sâm và Bạch sâm (Panax ginseng C. A. Mey - thuộc họ Ngũ gia bì Araliaceae), với đặc điểm thân sâm (rễ cái) thô cứng, phần trên ép thành hình trụ vuông không đều, đầu rễ ngắn (một hay hai đầu), thân sâm dài 7-16 cm, đường kính 1-2 cm, vùng vai của thân sâm rộng; Đối với loại to, vai và đầu ngang bằng nhau (Nhân sâm có dáng vóc như người). Bề ngoài màu nâu đỏ đến nâu đen, một số phần trên màu vàng, dưới thân sâm có 1-3 rễ nhánh, nặng và chắc, mặt cắt sáng bóng, khi nếm vị đắng, hơi ngọt, mùi thơm. Bạch sâm cũng là rễ phơi hay sấy khô của cây nhân sâm, với cùng một tên khoa học vừa nêu. Trong thương phẩm, người ta chia ra Bạch sâm của Bắc và Nam Triều Tiên. Mặt hàng này hình trụ tròn, bề ngoài màu vàng trắng, trên có những vân nhỏ màu nâu nhạt, rễ con phần lớn bị loại bỏ, mặt cắt có tâm tròn, khi nếm hơi có mùi thơm, vị ngọt, hơi chua. Hàng nhái là loại Nhân sâm Trung Quốc qua gia công chế biến; hình trụ tròn không đều, hơi trong, màu vàng nâu, sau khi ngâm rã ra thành những mảnh vụn lớn nhỏ không đều. Nói chung, sâm là dược liệu đứng đầu trong các vị thuốc bổ của Đông y và có giá khá đắt, vì vậy nếu có nhu cầu, bạn nên lựa chọn cẩn thận những chủng loại phù hợp với mục đích sử dụng.
Chú thích ảnh: Một số sản phẩm Cao Ly sâm có trên thị trường Việt Nam.
src="images/