ĂN GÌ ÐỂ CÓ SỨC ÐỀ KHÁNG PHÒNG TRÁNH CÚM GÀ?
Tác giả : BS. NGUYỄN LÂN ÐÍNH (Chuyên viên Dinh dưỡng)
Trước nay các chuyên viên dinh dưỡng vẫn khẳng định: Chúng ta chỉ cần ăn uống đúng cách là có thể chống lại được đa số các bệnh nhiễm trùng. Tạp chí Prevention (Phòng bệnh) tháng 10/2002 đã có bài viết nêu rõ: "Bữa ăn thiếu chất là yếu tố chính khiến cơ thể dễ lâm bệnh".
Sau khi sàng lọc kỹ, các nhà nghiên cứu nhận thấy những người nào dùng 11 thức ăn sau đây nhiều hơn sẽ giảm được "30% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân".
Tạp chí trên đã liệt kê 5 loại thức ăn có thể giúp cơ thể đạt sức đề kháng cao nhất, đó là thịt bò, khoai lang, nấm, trà và yaourt. Mấu chốt của vấn đề bao giờ cũng vẫn là: "Toàn bộ khẩu phần ăn cần phải cân đối, song 5 loại thức ăn đầu nên được dùng hàng ngày nhằm giúp cho hệ thống miễn dịch đạt hiệu quả cao nhất. 6 loại còn lại thì mỗi tuần ăn vài ba lần cũng tốt.
Ðặc biệt khi thời tiết thay đổi, chúng ta cần dùng 5 loại thức ăn trên mỗi ngày. Ngủ đủ cũng là một phương cách thiết yếu để có sức đề kháng tối ưu. Cẩn thận hơn nữa - khi trời trở lạnh, người cao tuổi nên tiêm một mũi vaccin chống cúm!
1. Chỉ cần một chút thịt bò
Ðây là một khuyến cáo hơi bất ngờ nhằm tăng sức đề kháng, vì cho tới nay các chuyên viên về sức khỏe vẫn thường khuyên nên giới hạn mức tiêu thụ thịt bò (do là nguồn acid béo no). Giới hạn không có nghĩa không ăn tí nào mà là ăn có mức độ: đừng quá "một suất với 1 lạng thịt bò/ ngày và điều quan trọng là nên ăn toàn thịt nạc, ít béo vì đây là một nguồn kẽm quan trọng".
Thiếu kẽm (Zinc deficiency) có khả năng dễ bị nhiễm trùng. Chức năng của kẽm là giúp cho các bạch huyết cầu phát triển - điều cơ thể rất cần để chống lại các vi khuẩn và siêu vi "ngoại xâm". Ðối với những người ăn chay và không quen dùng "thịt đỏ", nên tìm nguồn thức ăn khác để cung cấp kẽm: không ăn thịt bò, gà, vịt, heo thì ngũ cốc tăng cường (fortified cereals), yaourt và sữa cũng tốt. Còn nếu bạn thích ăn hào (oysters) thì thói quen ấy rất có lợi vì hào là nguồn kẽm số 1.
2. Vào lúc chuyển mùa, hàng ngày chúng ta cũng nên dùng những loại rau, quả, củ có màu vàng cam như khoai lang bí, bí đỏ, cà rốt, đu đủ, lê-ki-ma... để tăng cường thêm vitamin A cho bữa ăn hàng ngày. Ðơn giản là vì vitamin A rất cần cho da - mà da vốn là tuyến phòng vệ đầu tiên của hệ miễn dịch. Ðó là những thức ăn giàu beta-caroten, khi hấp thu vào cơ thể sẽ được chuyển hóa nhanh chóng thành vitamin A. Nói đến caroten, người ta nghĩ ngay đến cà-rốt, nhưng thường 2-3 ngày, ta mới ăn cà-rốt một lần và như thế e rằng chưa đủ. Nên "đổi món" bằng những thức ăn khác để tiếp sức beta-caroten mỗi ngày. Cũng xin lưu ý là ở nước ta, màu xanh đậm của rau ngót, rau muống... và màu đỏ thắm của gấc, dưa hấu, cà chua cũng chứa nhiều beta-caroten.
3. Nên ăn nấm
Cùng với thịt bò, nấm cũng là một thức ăn giúp tăng sức đề kháng. Giống như thịt bò, nó cũng có tác dụng giúp cơ thể tăng việc sản xuất bạch cầu. Một số công trình nghiên cứu gần đây còn phát hiện nấm sẽ khiến những bạch huyết cầu tấn công các vi khuẩn lạ mạnh hơn... Các giống nấm tốt nhất là nấm hương tươi (tên Nhật là shiitake) và nấm mỡ (tên Nhật là maitake), thường rất dễ kiếm ở các chợ hay siêu thị.
4. Uống trà
Thói quen uống trà mỗi ngày của người Á Ðông hay người Anh là rất tốt. Trà đen kiểu Ceylan hay trà xanh như trà Thái Nguyên đều có hiệu quả chống cảm cúm. Trà là một nguồn Polyphenols dồi dào, các chất Polyphenols sẽ thanh toán các "gốc tự do" có thể làm phương hại đến acid DNA trong nhân tế bào và thúc đẩy tiến trình lão hóa. Như vậy, chỉ cần uống 1 tách trà mỗi ngày, chúng ta sẽ "trẻ lâu" vì các chất Polyphenols kháng oxy-hóa loại trừ được các gốc tự do (là những mầm mống dẫn đến bệnh tật và lão hóa), mà với cùng một trọng lượng thì trà giàu chất kháng oxy-hóa hơn trái cây và rau tươi rất nhiều.
5. Ăn Yaourt
Yaourt đem lại những giống vi khuẩn phụ sinh (probiotics) có lợi cho các vi khuẩn "bạn" sống trong ruột kết, và là một thành phần quan trọng trong các tuyến phòng vệ miễn dịch của cơ thể. Bạn càng cần ăn yaourt nếu bác sĩ đã kê toa kháng sinh dạng uống, vì kháng sinh diệt vi khuẩn gây bệnh nhưng cũng diệt luôn đa số các vi khuẩn có ích (dòng bifidus chẳng hạn) có tác dụng thúc đẩy quá trình tiêu hóa thức ăn. Nếu không có chúng, ta sẽ dễ bị các vi khuẩn "gây bệnh" tấn công và bị tiêu chảy.
6. Tỏi (Garlic)
Có thể nói tỏi là thức ăn có tác dụng chống lại bệnh tật mạnh nhất. Nhiều công trình nghiên cứu đã đề cao hiệu lực của loại thức ăn kỳ diệu này, nhưng có lẽ hiệu quả thực tế lớn nhất của tỏi là đặc tính kháng siêu vi của nó: Tỏi diệt được các siêu vi gây cảm, cúm. Theo BS. James North, Ph.D, một nhà vi sinh vật học tại trường Ðại học Brigham Young: "Khi cảm thấy bắt đầu đau họng, bạn hãy ăn ngay tỏi là có thể khỏi ngay".
7. Dầu Ô-liu sống đặc biệt (Extra Virgin Olive Oil)
Theo Th.S Elizabeth Somer, chuyên viên tiết thực bang Oregon, dầu ô-liu có tác dụng tăng cường sức khỏe của bạn gấp đôi. Dựa vào cách lý luận sau đây: Các chất béo "no" trong thịt và các sản phẩm từ sữa nguyên kem làm tăng hàm lượng cholesterol LDL "xấu", có khuynh hướng làm tắc động mạch và hạ thấp chất cholesterol HDL "tốt" của bạn. Dầu ô-liu diệu kỳ ở chỗ chỉ làm hạ thành phần cholesterol xấu mà không ảnh hưởng gì đến thành phần cholesterol tốt.
8. Nho đỏ (Red Grapes)
Các nhà nghiên cứu đã nhiều lần chứng minh rằng uống rượu chát (uống có mức độ) sẽ làm tăng sức khoẻ và tăng tuổi thọ. Hiện tượng này hẳn có liên quan tới các đặc tính kháng oxy mạnh của những chất hiện diện trong nho đỏ - gọi là các chất bioflavonoids. Tuy nhiên, bạn không cần phải tập uống rượu vang đỏ mà có thể ăn nho tươi cả vỏ, nhưng nên chọn nho đỏ - vì nho xanh không bổ bằng.
9. Các hạt ngũ cốc toàn vẹn (Whole Grains)
Một công trình nghiên cứu năm 1999 của trường Ðại học Minnesota khám phá ra rằng: Dùng các hạt ngũ cốc toàn vẹn (cả cám) có khả năng làm tăng tuổi thọ, vì chúng hàm chứa những tác nhân chống ung thư, giúp ổn định các mức nồng độ huyết đường lượng và Insulin trong máu.
Nguồn thức ăn tốt nhất là các ngũ cốc; với mỗi phần đem lại ít nhất 5g chất xơ, bánh mì làm bằng hỗn hợp nhiều cốc loại như lúa mạch đen (pumpernickel, rye) hay lúa mì nguyên hạt (whole wheat), hoặc gạo lức.
10. Nước toàn vẹn (Whole Water)
Dù nước không được xếp là "thức ăn", song lại là một thành phần tối quan trọng cho sức khỏe. Một loạt công trình nghiên cứu gần đây đã cho thấy những lợi ích của nước toàn vẹn. Hiện nay ở Mỹ chỉ có hai thứ nước toàn vẹn được chứng nhận, đó là nước Evian và Trinity Springs, (thực sự được lấy từ nguồn nước ở độ sâu nhất thế giới). Ở Việt Nam, có thể chọn LaVie, Dakai, Vĩnh Hảo.
11. Kem và Sô-cô-la
Có các đặc tính tốt cho sức khỏe tâm thần. Những công trình nghiên cứu y khoa cho thấy các chất phenylethylamines tìm thấy trong sô-cô-la rõ ràng có tác dụng hỗ trợ tinh thần. Các tài liệu đã chứng minh dân Aztec từng sử dụng cacao như một vị thuốc. Ngay cả bác sĩ nổi tiếng người Pháp Francis Joseph Victor Broussais năm 1788 cũng đã tuyên bố về sô-cô-la như sau: "Sô-cô-la chất lượng tốt có tác dụng hạ sốt, nuôi dưỡng người bệnh và phục hồi sức khỏe cho bệnh nhân".
Kết luận
Trong thời gian có dịch cúm gà, ngoài việc phải kiêng, thịt gà vịt và trứng; còn rất nhiều thức ăn khác, mà nếu biết lựa chọn sẽ giúp chúng ta tăng sức đề kháng giúp cơ thể khoẻ mạnh cho tới khi hết dịch.
Dùng nhiều "thức ăn lành mạnh" hơn - như những thứ liệt kê trên đây - vừa giúp bạn thưởng thức được những món mình vốn ưa thích, như kem và sô-cô-la chẳng hạn - vừa là một phương cách rất tốt và cân đối để cải thiện sức đề kháng... thông qua dinh dưỡng.