Sữa cũng có thể gây phiền toái
Bạn sẽ dễ cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ nếu uống sữa vào lúc quá đói hoặc khi chưa ăn sáng. Tốt nhất là nên ăn trước khi uống sữa, dù chỉ là một ít bánh mì hay vài cái bánh quy.
Nếu uống sữa khi không có tinh bột lót dạ, bạn chỉ hấp thu được một nửa dưỡng chất trong sữa mà thôi. Lúc đói, dạ dày co bóp mạnh nên sữa chưa được tiêu hóa hết cũng bị đẩy xuống đường ruột.
Bạn không nên vừa uống sữa vừa ăn hoa quả. Một số protein trong sữa khi gặp chất chua trong hoa quả sẽ kết tủa, gây hại cho dạ dày.
Sữa cũng không phải là thứ đồ uống để bạn đun sôi sẵn và tích trữ trong phích. Nó sẽ biến chất trong môi trường nhiệt độ, gây viêm dạ dày, đường ruột. Đun sôi sữa để uống ngay thì được, nhưng không nên cho đường vào trước khi đun. Trong môi trường nhiệt độ cao, thành phần của sữa và đường kết hợp sẽ sinh ra chất độc. Hãy đun sôi sữa, để nguội còn 70 độ rồi mới cho đường vào. Trong quá trình đun, đừng để sôi quá lâu vì sẽ phá hủy các thành phần dinh dưỡng.
Đừng nghĩ rằng càng uống nhiều sữa càng tốt. Nếu bạn uống quá nhiều, cơ thể sẽ không hấp thu hết các chất dinh dưỡng và gặp nhiều tác dụng phụ.
Loại sữa nào phù hợp với bạn?
Nếu bạn tiêu hóa kém, hãy dùng loại sữa ít hoặc không có lactoza vì chất này sẽ gây đầy bụng, rối loạn tiêu hóa. Nếu bạn mang thai, hãy uống loại sữa bổ sung canxi. Bình thường, trong 250 ml sữa có khoảng 300 mg canxi; nhưng không đủ cho cả bạn và đứa bé. Nên dùng sữa dành cho các bà mẹ vì nó có thêm 25% lượng canxi.
Nếu muốn bảo vệ hệ tim mạch, hãy dùng sữa có omega 3, uống 250 ml mỗi ngày.
Nếu phải ăn kiêng chất béo, bạn nên dùng sữa đã tách kem. Trong sữa nguyên chất có 3,6% là kem, còn trong sữa đã tách kem, chỉ số này là 0,3%. Do đã bị mất hầu hết lượng chất béo nên số vitamin hòa tan trong mỡ của sữa tách kem cũng giảm nhiều.
(Theo Tư Vấn Tiêu Dùng)