Bồi dưỡng bằng vịt ba món
Tác giả : Lương y BÀNG CẨM
Gà vịt đều là những thức ăn tốt cho chúng ta tẩm bổ, giá trị dinh dưỡng của thịt vịt cũng ngang với thịt gà. Xét từ góc độ Ðông y, thức ăn của vịt phần nhiều là vật sống dưới nước, nên thịt vịt có vị ngọt, tính hàn, vào các kinh phế, tỳ, thận. Có tác dụng tư bổ, dưỡng vị, bổ thận, trừ nhiệt trong xương, tiêu thủy thũng, chỉ kiết nhiệt, trị ho hóa đàm... Thích hợp cho người mang nhiệt trong người; Người suy nhược cơ thể, chán ăn, phát sốt, đại tiện bón kết và thủy thũng dùng thịt vịt càng có lợi. Dân gian tương truyền rằng, vịt còn là "thánh dược" của người bệnh lao phổi. Sách "Bản thảo cương mục" ghi nhận: Thịt vịt chủ đại bổ hư lao, tiêu độc nhiệt, lợi tiểu tiện, trừ thủy thũng, tiêu trướng mãn, lợi tạng phủ, thoái sang thũng (tiêu sưng), định kinh giản (ổn định co giật).
Thịt vịt mang tính hàn, vì vậy người bệnh lạnh đau vùng bụng, tiêu lỏng, đau lưng, đau bụng kinh... tạm thời không dùng. Ngoài ra, thịt vịt dùng nhiều sẽ có những tác dụng "đánh hơi", "tẩy ruột", vì thế không nên dùng nhiều quá. Dưới đây xin giới thiệu 3 món nấu với thịt vịt dùng bồi dưỡng cơ thể.
1. Vịt hầm Ngọc - Sâm:
Ngọc trúc, Sa sâm mỗi thứ 50g; Vịt già một con; Hành, gừng tươi, muối tinh luyện mỗi thứ lượng vừa đủ.
Vịt làm sạch sẽ cùng Sa sâm, Ngọc trúc cho vào nồi đất, thêm nước lượng vừa, nấu sôi với lửa lớn rồi hầm với lửa nhỏ trên một giờ, để thịt vịt mềm nhừ, nêm gia vị.
Dùng canh ăn thịt, có tác dụng bổ phế tư âm. Thích hợp cho người bệnh tiểu đường, mắc chứng ho suyễn của phế âm hư, viêm dạ dày mãn tính của vị âm hư, đại tiện bón kết do dịch khô ruột táo gây ra...
2. Vịt hấp Ðông trùng hạ thảo:
Ðông trùng hạ thảo 1g; Vịt già 1 con; Rượu, gừng, hành, bột tiêu, muối ăn mỗi thứ lượng vừa đủ.
Vịt bỏ nội tạng và chân móng, rửa sạch, trần qua nước sôi, lấy ra để ráo; Ðông trùng hạ thảo rửa sạch bằng nước ấm; Hành, gừng xắt sẵn. Dùng dao rạch một đường từ đầu đến cổ vịt, nhét 8-10 cọng Ðông trùng hạ thảo vào rồi khâu lại, dùng lượng Ðông trùng hạ thảo còn lại cùng gừng, hành đặt trong bụng vịt, cho vào thau sành, đổ thêm canh ngon, nêm thêm muối, bột tiêu, rượu, dùng giấy dán kín miệng thau, cho vào nồi hấp khoảng 2 giờ.
Tác dụng bổ phế thận, ích tinh tủy, thích hợp cho các chứng ho suyễn hư lao, tự ra mồ hôi, mồ hôi trộm, liệt dương di tinh, lưng gối yếu, bệnh lâu không hồi phục...
3. Vịt nấu khiếm thực:
Khiếm thực 200g; Vịt già 1 con; Hành, gừng, muối, rượu mỗi thứ lượng vừa đủ.
Vịt sau khi giết mổ, làm sạch, bỏ khiếm thực đã rửa sạch vào bụng vịt. Cho vịt vào nồi đất, thêm nước lượng vừa đủ, nấu đến sôi với lửa lớn; Thêm hành, gừng, rượu rồi dùng lửa nhỏ hầm khoảng 2 giờ cho đến khi thịt mềm nhừ.
Dùng canh ăn thịt, có tác dụng ích tỳ dưỡng vị, kiện tỳ lợi thủy, cố thận liễm tinh. Thích hợp cho các trường hợp mắc chứng tiêu khát của tỳ vị hư nhược, tỳ hư thủy thũng, thận hư, di tinh...
Một số món ăn bổ dưỡng khác nấu với thịt vịt
- Vịt tần với Hải sâm và thịt dăm bông, sức tư bổ càng lớn, nước canh vịt bổ phần âm của ngũ tạng.
- Vịt nấu cháo gạo nếp có công hiệu dưỡng vị, bổ huyết, sinh tân dịch (tạo nước), rất bổ cho người suy nhược cơ thể sau bệnh.
- Vịt hầm với rong biển, làm mềm hóa mạch máu, giảm huyết áp; Tác dụng tốt đối với xơ vữa động mạch do tuổi già, cao huyết áp, bệnh tim mạch.
- Vịt hầm với măng, chữa trĩ ra máu ở người cao tuổi.
Các loại vịt như vịt ta, vịt xiêm, vịt trời (le le) đều có công năng bổ ích cường tráng, thanh độc nhiệt, chữa nhiệt kiết. Nếu dùng làm thuốc, nên chọn vịt trời là tốt hơn cả.?