VỀ CHUYỆN CHỐNG BÉO PHÌ
TS-DS. NGUYỄN HỮU ĐỨC
Trường ĐH Y Dược TPHCM
Định nghĩa về sức khỏe
của Tổ chức Y tế Thế giới hoàn toàn không đề cập đến "mập mạp" mà với nội
dung như sau: "Sức khỏe không chỉ là tình trạng không bệnh tật mà là trạng
thái hoàn toàn sảng khoái về thể chất, tâm thần và xã hội". Trong chừng mực
nào đó, "mập mạp" có khi là có hại vì nếu đo đạc kỹ lưỡng thì là "béo phì",
đó là tình trạng mà người hiểu rõ về sức khỏe chẳng có ai tán dương, trái
lại tích cực phòng chống.
Béo phì đang là vấn đề
lớn về sức khỏe ở các nước đã phát triển. Nước ta đang trong giai đoạn bắt
đầu công nghiệp hóa và chớm có thói quen về sinh hoạt, ăn uống của các nước
công nghiệp, vì thế việc phòng chống béo phì chắc chắn phải được đặt ra. Béo
phì không chỉ liên quan về sự thẩm mỹ của vóc dáng cơ thể mà thường còn kết
hợp với các bệnh như đái tháo đường, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, và với
xu hướng bị hư khớp đỡ (đầu gối, háng, cột sống...).
Béo phì được định nghĩa
là sự tồn tích mô mỡ quá mức, ít nhiều trên toàn thân, dẫn đến sự gia tăng
trên 25% thể trọng hợp lý có tính trên chiều cao và giới tính. Để biết có bị
béo phì hay không, tức cân nặng có vượt quá thể trọng hợp lý, cần phải đo
chỉ số thân khối BMI (viết tắt của Body Mads Index). BMI = cân nặng (Kg)
chia cho bình phương chiều cao (m), thí dụ với người cân nặng 55Kg, cao 1,6m
thì BMI = 55/(1,6)2 = 21,48. Thể trọng hợp lý của nữ: BMI = 18 -
22, nam: BMI = 20 - 25. Nếu BMI của nữ trên 27,5; nam trên 30 xem như bị béo
phì. Nhưng đối với người lo xa, nói chung BMI trên 25 là đã nghĩ đến việc
giảm cân chống béo phì.
Về nguyên nhân dẫn đến
béo phì có thể kể
w Ắn uống quá nhiều chất sinh năng
lượng như chất đường (đặc biệt loại đường tiêu thụ nhanh), chất béo nhưng
thiếu sự vận động thích hợp để tiêu bớt năng lượng đó đi, năng lượng thừa
được tích trữ thành dạng mỡ gây mập.
w Rối loạn biến dưỡng, rối loạn hoạt
động của một số hệ enzym trong cơ thể (như enzym adipose tissue lipoprotein
lipase).
w Rối loạn hoạt động tuyến nội tiết
như tuyến giáp (bị nhược giáp), tuyến não thùy, tuyến sinh dục, tuyến thượng
thận v.v...
Nhiều khi phải đi khám
bệnh để được chẩn đoán xác định các rối loạn vừa kể hầu có hướng điều trị
đúng đắn. Nhưng thông thường là do nguyên nhân đầu tiên tức do có sự mất cân
bằng giữa ăn uống và vận động, và phương cách giảm cân chống béo phì chủ yếu
là:
- Điều chỉnh chế độ ăn
uống: Giảm chất
béo, đường, bột, thêm rau quả (mỗi ngày ăn giảm 500 Kcal để khẩu phần có
khoảng 1.200 Kcal/ngày có thể giảm 0,5 kg thể trọng trong một tuần) cộng
với:
- Hoạt động thể lực
thích hợp: Năng
tập thể dục, chơi thể thao với cường độ và thời lượng tập thích đáng (tập
thể dục ít nhất 60 phút mỗi ngày, nên đến trung tâm dạy thể dục thẩm mỹ để
được hướng dẫn tập đúng).
Về thuốc làm giảm thể
trọng đã được dùng có thể chia làm 3 loại và đều có tác dụng phụ
1. Làm no đầy ống tiêu
hóa với chất độn:
Chứa các chất như gôm Sterculia, Methylcellulose... Khi uống vào không hấp
thu chỉ hút nước trương nở làm đầy bụng, làm giảm cảm giác đói. Tác dụng
phụ: trướng bụng, đầy hơi. Trước khi ăn, ta ăn trái thanh long hoặc uống hột
é (không thêm hoặc thêm rất ít đường) thật no thì không khác gì dùng thuốc
loại này.
2. Gia tăng biến
dưỡng: Thuốc Lipolysin F chứa nội tiết tố
tuyến giáp thyroxin nhằm gia tăng biến dưỡng ở tế bào. Thuốc công hiệu khi
bị béo phì do thiếu thyroxin và dùng thận trọng vì có thể ức chế tuyến giáp
và hại tim.
Có khi thuốc lợi tiểu
được dùng khi có sự tồn tích nước quá đáng trong cơ thể, phải dùng thận
trọng vì có thể gây mất cân bằng nước và chất điện giải trầm trọng. Ở ta,
cần lưu ý có một số thuốc Đông y gọi là giảm mập nhập lậu từ Trung Quốc
trong thành phần có chứa dược liệu có tác dụng lợi tiểu và nhuận tràng,
người dùng không biết có thể dùng quá độ sẽ bị tai biến.
3. Gây chán ăn: Là thuốc chứa các dẫn chất
amphetamin như: Benzedrin, Phenamin, Minapront, Isoméride, Anorex... Đây là
loại thuốc tác động trên hệ thần kinh TW (ở vùng dưới đồi) gây kích thích
(làm cho khó ngủ) và ức chế cảm giác đói. Thuốc thuộc loại nguy hiểm
vì gây nghiện và gây tâm trạng chán chường khi thôi dùng thuốc
(có xu hướng tự tử). Thuốc cần được bác sĩ chỉ định dùng trong thời gian
ngắn (thông thường không quá 4 tuần) đối với người bị bệnh béo phì thuộc
loại trung bình hoặc nặng, việc dùng thuốc được theo dõi kỹ tại bệnh viện.
Năm 1995, ở Pháp,
Isoméride và Pondéral bị cấm vì gây tăng huyết áp ở phổi và làm tổn thương
van tim. Năm 1997, ở ta, Cục Quản lý Dược thông báo (số 28/QLD - QĐ): Rút số
đăng ký biệt dược gây chán ăn Adifax (Fenfluramine) và Pondéral
(Dexfenfluramine) do chính nhà sản xuất báo cáo thuốc gây một số tai biến về
tim mạch. Vào năm 1999, cộng đồng châu Âu lại cấm thêm một số thuốc gây chán
ăn như: Anorex, Prefamone, Moderafan, Fempoporex, Dinitel... do gây nhiều
tác dụng phụ.
Trong khi nhóm thuốc gây
chán ăn kể trên thu hẹp dần và có nguy cơ bị loại bỏ thì vừa rồi lóe sáng
lên một thuốc chống béo phì mới, đó là Orlistat.
Orlistat được xem là
thuốc khởi đầu cho nhóm thuốc "ức chế enzym lipase ở ruột". Khi ta ăn
thức ăn, chất béo (còn gọi là triglycerid) chỉ được hấp thu vào cơ
thể ta nhờ lipase có ở ruột. Lipase phân giải triglycerid thành hai
phần: monoglycerid và acid béo. Chỉ monoglycerid và acid béo
mới hấp thu được qua niêm mạc ruột để rồi sẽ phối hợp trở lại thành
lipoprotein
để đi vào máu và đến tế bào nuôi dưỡng tế bào. Tác dụng của Orlistat là gắn
với lipase làm cho lipase mất hoạt tính, do đó gián tiếp làm chất béo không
hấp thu qua niêm mạc ruột được. Đặc biệt, Orlistat không ngăn cản hoàn toàn
sự hấp thu chất béo (nếu hoàn toàn thì bao nhiêu mỡ ăn vào sẽ theo phân ra
ngoài hết và như thế là mắc chứng đi tiêu phân mỡ) mà chỉ một phần. Một số
công trình nghiên cứu cho thấy Orlistat chỉ làm giảm 30% sự hấp thu mỡ, tức
là nếu dùng Orlistat thì toàn bộ chất béo dùng hàng ngày sẽ mất đi 30% năng
lượng đáng lẽ ra nó phải cung cấp. Chính vì vậy dùng thuốc sẽ an toàn.
Orlistat chỉ gắn với lipase tại ruột và không được hấp thu nên không tác
dụng đến hệ thần kinh TW gây nghiện kiểu của thuốc gây chán ăn.
Bên cạnh Orlistat, người
ta còn nghiên cứu các thuốc giảm thể trọng bằng cách tác động đến sự dẫn
truyền thần kinh. Như sibutramine làm giảm cảm giác đói theo cơ chế ức chế
sự tái hấp thu các chất sinh dục serotonin và noradrenalin tại khớp nối dây
thần kinh. Hay thuốc tác động đến Amylin, Leptin làm cản trở sự dẫn truyền
thần kinh từ ống tiêu hóa, tuyến tụy và mô mỡ về vùng dưới đồi
(hypothalamus) để không còn sự kích thích gây cảm giác đói.
Rõ ràng là con người sẽ
còn nỗ lực hơn rất nhiều trong việc phòng chống các bệnh tật, trong đó có
việc chống béo phì khi bước vào thế kỷ 21.