Canh trứng cà chua, một món ăn bổ dưỡng cho sức khỏe
Tác giả : BS. QUÁCH TUẤN VINH
Trong bữa ăn thường nhật của người Việt Nam, bên cạnh các món mặn, thường không thể thiếu món canh. Thế nhưng có thể bạn chưa biết, chính bát canh đơn sơ có thể lại là một bài thuốc quý!
Ðến nay, tôi vẫn không thể quên được bát canh trứng cà chua mẹ nấu nơi sơ tán trong những ngày chiến tranh chống Mỹ. Nay xin giới thiệu cùng các bạn giá trị của loại canh này, vừa ngon miệng vừa là dược thiện mang lại sức khỏe cho con người.
Cách nấu canh trứng - cà chua
Có thể nói, ở nước ta bất cứ bà nội trợ nào cũng có thể nấu một bát canh trứng vừa ngon vừa bổ dưỡng. Chỉ cần 1-2 quả trứng gà hay trứng vịt, đánh bông lên cho tan lẫn lòng đỏ và lòng trắng. Ðể đậm đà, bạn cần cho thêm chút nước mắm, mì chính vào trứng và trộn đều. Dùng 1-2 quả cà chua chín đỏ, cắt nhỏ, bỏ hạt đem nấu chín với nước. Thêm vài tai nấm hương để tăng mùi hương dân dã, sau đó từ từ vừa quấy nhẹ nồi canh đã sôi vừa đổ bát trứng vào, quấy đều. Thế là bạn đã có được một nồi canh trứng như ý.
Cà chua chứa nhiều loại vitamin rất có lợi cho sức khỏe
Từ kinh nghiệm của y học cổ truyền và qua nghiên cứu của y học hiện đại, các nhà khoa học đã xác nhận: Trong cà chua chứa rất nhiều loại vitamin khác nhau như vitamin C, B1, B2, B6, PP... và Lycopen, beta caroten. Thành phần đạm, đường, chất béo có trong cà chua rất ít, do vậy có thể coi đây là một loại thực phẩm nghèo năng lượng, rất thích hợp cho người mắc bệnh béo phì, một căn bệnh được coi là yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch. Ngoài ra trong cà chua có một loại sắc tố tạo nên màu đỏ tươi của cà, được gọi là Lycopen cùng với beta caroten (vitamin A tự nhiên) có tác dụng chống oxy hóa tế bào, rất tốt trong việc dự phòng các bệnh tim mạch. Một nghiên cứu của Ðại học Harvard (Mỹ) được thực hiện trên 90.000 nữ y tá đã đi đến kết luận: Nguy cơ đột quỵ do vỡ mạch máu não giảm ở những người ăn nhiều thực phẩm có chứa vitamin A tự nhiên. Vitamin C có trong cà chua với hàm lượng nhỏ, chỉ vào khoảng 12-15mg/100g cà chua. So với táo, lượng vitamin C trong cà chua chỉ bằng 1/10, nhưng bù lại cà chua lại có nhiều Lycopen và vitamin A thiên nhiên.
Do có nhiều tác dụng quý, người Pháp ngay từ những năm 1778 đã gọi cà chua là "trái táo vàng" hay "trái táo tình yêu".
Tác dụng của trứng gà
Các y gia đời trước đã đặt tên cho trứng gà là kê tử hoàng, một loại thuốc có tác dụng bổ huyết, dưỡng huyết. Nhiều bài thuốc Ðông y đã áp dụng trứng gà như một thức ăn bổ dưỡng và thuốc điều trị. Ðến nay, theo kết luận của các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà dinh dưỡng Mỹ đã xem trứng gà là một vũ khí dinh dưỡng tự nhiên, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng. Trong trứng gà HDL-Cholesterol cần thiết và có lợi cho cơ thể cùng nhiều chất dinh dưỡng khác như vitamin B12, D, E, Riboflavin, Folate... Ðặc biệt vitamin E, acid béo Omega-3 của trứng khi liên kết với nhau sẽ tạo thành một hợp thức hóa học có khả năng làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Acid béo Omega-3 có tác dụng giảm tỷ lệ nhồi máu cơ tim, giảm đường máu, cải thiện tình trạng bệnh đái tháo đường, giảm sự hình thành các bệnh tắc mạch. Có tác dụng tích cực trong nhiều bệnh tim mạch, cao huyết áp, stress, suy nhược, kích thích tiêu hóa, chống táo bón, chống viêm xương khớp, tăng khả năng thải độc của gan, bổ não, nâng cao trí lực, phòng ngừa suy não, nâng cao năng lực trí tuệ, chống dị ứng, giảm ung thư và giảm các triệu chứng khó chịu trong thời gian có kinh ở phụ nữ...
Trứng gà còn là nguồn cung cấp nhiều acid amin cần thiết và có lợi cho cơ thể. Ðặc biệt, trứng gà chứa nhiều Lysin, là một trong 8 acid amin đặc biệt cần thiết cho cơ thể. Trong 100g trứng gà có chứa 1.070mg Lysin, nhiều gấp 9 lần so với sữa mẹ. Ðây là một acid amin tham gia tích cực vào sự phát triển của cơ thể. Ngoài ra Lecithin có nhiều trong lòng đỏ trứng có đặc tính kết hợp với chất béo để thấm qua thành ruột vào máu đi nuôi cơ thể, làm cho cholesterol không tăng trong huyết tương.
Cuối cùng, chúc các bạn tự nấu được một bát canh trứng vừa đậm đà hương vị đồng quê, vừa có tác dụng bổ dưỡng cho sức khỏe!