Ăn gì để ngừa cúm?
Tỏi tây. |
Đông y gọi bệnh cúm là lưu hành tính cảm mạo, và virus gây bệnh là phong tà độc. Để phòng bệnh, có thể ăn 3-5 tép tỏi tươi hoặc khô trong các bữa ăn, hoặc chế biến dưới dạng tương tỏi hoặc rượu tỏi.
Một số thực phẩm có tác dụng tăng cường sức đề kháng và bảo vệ cơ thể trong mùa dịch cúm:
1. Tỏi tây (Allium porrum L.): chứa nhiều vitamin B, C, các chất khoáng như sắt, canxi, phôtpho, magiê, natri, kali, mangan, silic, tinh dầu, chất nhầy, cellulose... có tác dụng bổ thần kinh, lợi tiểu, sát khuẩn, nhuận tràng và bổ dưỡng cơ thể.
Có thể dùng tỏi tây dưới dạng ăn sống, thái nhỏ trộn chung với các loại rau khác, hoặc sắc nước uống, nấu canh, nấu súp với khoai tây, cà rốt và xào với đậu hũ, thịt bò, heo...
2. Hành (Allium fistulosum L.): có tác dụng ra mồ hôi, lợi tiểu, chống viêm nhiễm. Có thể dùng dưới dạng tươi hoặc khô, ăn sống hoặc luộc chín, muối dưa. Ngày dùng 15-20 g khô hoặc 30-40 g tươi.
3. Hành tây (Allium cepa L.) trong 100 g hành tây có chứa: nước 88 g, protein 1,8 g; gluxit 8,3 g; chất xơ 0,1 g; tro 0,8 g; canxi 38 mg; phôtpho 58 mg; sắt 0,8 mg; vitamin B1 0,03 mg; B2 0,04 mg; PP 0,2 mg; carbon 10 mg; carotene 0,03 mg.
Hành tây có tác dụng lợi tiểu, dễ tiêu hóa, sát khuẩn, chống nhiễm khuẩn, trị ho, an thần nhẹ, chống đau nhức, mệt mỏi, bổ thần kinh và bổ dưỡng cơ thể. Hành tây có thể ăn sống, ngâm trong nước nóng, dấm hoặc xào với các thực phẩm khác. Ngày dùng 50-100 g trong các bữa ăn.
4. Tỏi (Allium satium L.): nên ăn 3-5 tép tỏi tươi hoặc khô mỗi ngày, hoặc chế biến thành:
- Tương tỏi: tỏi bóc vỏ, rửa sạch, đun sôi với một nước lượng vừa phải, sau đó nghiền nát, dùng gạc sạch lọc lấy nước, đóng chai và nút kín. Ngày dùng 1-2 muỗng canh, hòa với nước sôi để nguội, uống sau bữa ăn.
- Rượu tỏi: dùng 200 g tỏi đã bóc vỏ, rửa sạch, để ráo nước, đem nghiền nát rồi ngâm trong 1.000 ml rượu 60 độ, sau 10 ngày lọc lấy nước. Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 25-30 giọt.
Ngoài 4 thực phẩm trên, nên dùng bổ sung một số khác có tác dụng tăng cường chức năng miễn dịch như: mè (vừng), chuối, mật ong, đào, đậu tương, rau hẹ, củ cải, cà rốt, cải cúc, mộc nhĩ, tuyết nhĩ, nấm hương và các loại rau thơm như tía tô, bạc hà, kinh giới, húng quế, diếp cá.
(Theo Khoa Học và Đời Sống)