4 quan niệm sai lầm về dinh dưỡngDù
không thích, bạn vẫn cố gắng uống nhiều cà phê vì nghĩ nó giúp giảm cân? Đừng
chịu khổ một cách vô ích như vậy; nhiều nghiên cứu đã chứng minh ngay cả khi
dùng 6 tách cà phê mỗi ngày, số năng lượng được "đốt" cũng không tăng thêm.
Cà phê có thể làm giảm cảm giác ăn ngon ở một số người, khiến họ ăn ít hơn, nhưng hiệu quả này không đủ lâu để dẫn đến giảm cân đáng kể. Cà phê là một chất lợi tiểu, có thể làm mất nước dẫn đến mất cân, nhưng đó chỉ là nước (một chất tối cần cho cơ thể mà nếu mất nhiều sẽ gây rối loạn) chứ không phải là mỡ. Nhìn chung, không có bằng chứng nào cho thấy cà phê làm giảm cân. Mặt khác, cà phê thường được dùng chung với đường, một chất gây tăng cân.
Ăn nhiều đường thì bị tiểu đường? Không đúng. Chính khẩu phần giàu chất béo và năng lượng mới dẫn đến béo phì, nguy cơ lớn nhất gây ra tiểu đường type 2. Nguyên nhân chính xác của tiểu đường chưa được hiểu rõ, nhưng yếu tố di truyền, thừa cân và lười vận động đóng vai trò chính.
Bơ thực vật luôn tốt cho tim mạch hơn bơ động vật? Bơ thực vật (margarine) được làm từ dầu thực vật, không chứa cholesterol, lại có nhiều chất béo chưa no hơn bơ, nên dường như có lợi cho tim mạch. Nhưng không phải tất cả margarine đều tốt cho sức khỏe, một vài thứ thậm chí còn xấu hơn vì trong quá trình chế biến đã phát sinh những chất béo bất lợi. Nhìn chung, margarine càng cứng thì càng chứa nhiều chất béo bất lợi.
Dừa chứa nhiều cholesterol? Thực ra, dừa không chứa cholesterol; chất này chỉ có trong chất béo động vật. Dừa có nhiều chất béo phytosterol, được cho là làm giảm triệu chứng tiểu nhắt nhắt ở người phì đại tiền liệt tuyến, đồng thời giảm nguy cơ ung thư đại tràng. Tuy nhiên, việc dùng quá nhiều dừa cũng không có lợi cho sức khỏe vì nó có nhiều chất béo, đặc biệt là chất béo no.
(Theo Người Lao Động)