MÓN SINH TỐ GIÚP TRỊ CAO HUYẾT ÁP, TIỂU ĐƯỜNG…
Tác giả : Lương y: BÀNG CẨM
Gần đây, một số độc giả đã gửi thư về tòa soạn SK&ĐS cuối tuần nhờ giải thích công dụng của một loại thức uống có công dụng trị cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch, thấp khớp… gồm các loại trái cây: táo (bom) 1 trái, ớt xanh Đà Lạt 1/2 trái, khổ qua 1/2 trái, cần tây Đà Lạt 1 cọng, dưa leo 1/2 trái, cho vào máy ép ra 300ml sinh tố. Sau đây chúng tôi xin phân tích về công dụng và cách dùng của loại sinh tố này.
Tập sách “Dinh dưỡng và thực liệu của các thức ăn” (nhiều tác giả), Nhà xuất bản KHKT Thượng Hải đã phân tích như sau:
- Táo: Có hàm lượng đường fruitose cao nhất trong các loại trái cây. Ngoài ra, còn có acid malic, acid tannic, chất xơ, calci, phospho, sắt, pectin, kali, lipid, protid và nhiều loại vitamin rất tốt cho cơ thể. Theo Đông y, táo có tính mát, vị ngọt chua, có công hiệu kiện tỳ ích vị, trị các chứng buồn nôn, chán ăn; Công năng bổ dưỡng tâm khí, dùng trong chứng tinh thần uể oải; Còn có tác dụng sinh tân nhuận táo chỉ khát, dùng trị ho, tâm phiền miệng khát do thử nhiệt. Do chứa acid hữu cơ và acid tannic nên có tác dụng thu liễm (co se); Pectin, chất xơ có tác dụng hấp thu vi khuẩn và độc tố, dùng trị tiêu chảy. Bên cạnh đó chất xơ, acid hữu cơ lại kích thích đường ruột làm mềm phân nên giúp đại tiện thông. Táo chứa chất kali có lợi cho việc bài tiết natri, có tác dụng nhất định đối với chứng cao huyết áp, trì hoãn sự lão hóa. Acid hữu cơ trong táo còn kích thích bài tiết dịch vị, trợ giúp tiêu hóa.
- Ớt xanh Đà Lạt: Chứa khá nhiều protid, đường, calci, phospho, sắt, beta-caroten, vitamin B1, B2, PP, C. Đặc biệt, ớt xanh Đà Lạt chứa nhiều vitamin C nhất trong các loại rau, quả. Chứa alkaloid chính là capsaicine và sắc tố carotenoid là capsanthine, adenine, betaine và choline. Các chất này tác dụng kích thích tuyến dịch vị, gia tăng sự bài tiết, vì thế tăng cường tác dụng tiêu hóa; Ngoài ra, còn kích thích tim đập nhanh, làm tăng tốc tuần hoàn, có tác dụng hành huyết làm ấm, ức chế tích tụ mỡ, có tác dụng nhất định trong phòng ngừa béo phì. Ớt có tính nóng, vị cay, tác dụng ôn trung tán hàn, kiện vị tiêu thực, trị đau bụng do lạnh, nôn ói, tả lỵ.
- Khổ qua: Chứa một ít protid, lipid, glucid; Chứa khá nhiều chất xơ thô, calci, phospho, sắt, beta-caroten, vitamin B1, B2, PP, C, nhiều loại acid amin, 5-HT... đều là những chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Khổ qua tính hàn, vị đắng, dưỡng huyết tư can, thanh nhiệt khử thử, sáng mắt giải độc, dùng trị các chứng bệnh nhiệt phiền khát, trúng nắng phát sốt, kiết lỵ, ung nhọt, đau mắt đỏ do nhiệt... Các thử nghiệm đã chứng minh khổ qua có chứa một chất tựa như insulin với tác dụng giảm đường huyết rõ rệt, vì vậy có thể dùng làm thuốc trị bệnh tiểu đường.
- Cần tây Đà Lạt: Chứa calci, sắt, phospho, giàu protid - gấp đôi so với các loại rau khác. Cần tây còn chứa nhiều acid amin tự do, tinh dầu, mannitol, inositol, nhiều loại vitamin, giúp tăng cảm giác thèm ăn, xúc tiến tuần hoàn máu và bổ não. Cần tây tính mát, vị ngọt, tác dụng thanh nhiệt, lợi thủy, trị cuồng nhiệt phiền khát, lậu, thủy thũng; Giúp hóa đàm hạ khí, trị đàm nhiều đầy ngực, lao hạch... Thử nghiệm đã chứng minh rau cần có tác dụng giảm áp rõ rệt, thời gian duy trì tùy theo liều lượng.
- Dưa leo: Chứa calci, phospho, sắt, nhiều muối kali, chất nhầy, các acid amin, chất thơm, vitamin A, B1, B2, PP và C. Dưa leo tính mát, vị ngọt, tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, lợi tiểu, trừ thấp, tiêu sưng.
Tóm lại, món sinh tố này có thể giúp phòng ngừa bệnh cao huyết áp và tiểu đường. Tuy nhiên, nên cách 3 ngày dùng 1 lần (tuần dùng 2 lần), vì hầu hết các loại trái cây đều mang tính mát (trừ ớt xanh) để đảm bảo cân bằng hàn - nhiệt cho cơ thể. Cũng cần chú ý nên dùng cả phần vỏ của các loại trái cây trên để giữ được đầy đủ các hoạt chất.