Dinh dưỡng phòng bệnh tim mạch
Nếu sợ bệnh tim mạch thì đừng ăn nhiều muối. |
Không nên ăn muộn vào bữa tối, tốt nhất là ăn trước giờ đi ngủ khoảng 1,5-2 tiếng. Nếu hay ngủ muộn, bạn nên uống 1 cốc sữa trước khi lên giường. Đừng đi ngủ khi thấy đói bụng.
Các bệnh tim mạch như xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, hẹp mạch vành... rất phổ biến ở xã hội hiện đại. Những bệnh này đòi hỏi chữa trị lâu dài, tốn kém; hiệu quả thấp, nguy cơ tử vong cao. Để phòng bệnh, ngoài việc tập luyện thể dục thể thao hợp lý, bạn cần có chế độ dinh dưỡng thích hợp với các nguyên tắc:
1. Ăn uống đa dạng: Bao gồm thức ăn có nguồn gốc từ động vật (thịt, cá, trứng, sữa) và thực vật (rau củ, hoa quả, gạo, mỳ, các loại đậu).
2. Tuân thủ nghiêm ngặt chế độ dinh dưỡng: Nên ăn 3 bữa/ngày (người già 4-5 bữa/ngày), ăn đúng giờ quy định để tạo cho cơ thể hình thành phản xạ: dạ dày tiết nhiều dịch vào khoảng thời gian nhất định, khiến sự tiêu hóa thức ăn diễn ra nhanh và dễ dàng.
3. Ăn vừa đủ no: Để tránh bị thừa cân và phòng ngừa bệnh tật, mỗi người nên ăn vừa đủ no, không ăn nhiều, ăn cố.
4. Hạn chế thức ăn có nhiều chất béo: Hạn chế sử dụng các loại thịt, cá xuống còn 150-200 gam/ngày. Sử dụng thịt thăn, thịt bắp không dính mỡ. Loại bỏ tất cả những phần mỡ nhìn thấy trước khi chế biến và lượng mỡ được tạo ra trong quá trình đun nấu. Không ăn nước xào, nước ninh xương ống, xương cục; không ăn da, đầu, cổ, cánh, chân của các loại gia cầm; hạn chế ăn phủ tạng động vật.
Dùng dầu thực vật để chế biến thức ăn, nhưng cũng phải hạn chế. Không ăn quá 2-3 quả trứng trong một tuần và phải cách ngày.
5. Hạn chế đồ ngọt: Đường là chất cung cấp một lượng lớn gluxit và calo, không có vitamin và khoáng nên được gọi là chất chứa "calo rỗng". Khi hấp thụ chất đường, cơ thể phải tiêu tốn một lượng lớn vitamin nhóm B. Người thường xuyên ăn nhiều đường sẽ phát triển bệnh xơ vữa động mạch, tiểu đường, ung thư.
6. Hạn chế dùng muối ăn: Thói quen ăn mặn rất có hại, là một trong những nguyên nhân gây bệnh tăng huyết áp. Huyết áp cao làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não, suy thận, suy tim và xuất hiện các cơn đau tim.
7. Hạn chế uống rượu, bia: Nghiện rượu gây ra những rối loạn trầm trọng về tâm thần kinh. Với hệ tim mạch, rượu gây tổn thương cơ tim, tăng kích thước tim, giảm khả năng đẩy máu của tim và khi đó, những công việc nhẹ có thể gây khó thở. Rượu làm giãn các mạch máu ngoại vi, máu dồn ra ngoài da nhiều hơn, bởi vậy người uống rượu dễ bị nhiễm lạnh (mất nhiệt), nhất là vào mùa đông.
TS Đặng Quốc Nam, Sức Khỏe & Đời Sống