VỀ CHẾ PHẨM “HỖ TRỢ DINH DƯỠNG”
Tác giả : TS. DS. NGUYỄN HỮU ĐỨC (Đại học Y Dược TPHCM)
VÀI NÉT VỀ CÁC CHẾ PHẨM “HỖ TRỢ DINH DƯỠNG”
Hiện nay, ở các siêu thị của nhiều nước tiên tiến như Mỹ, có nhiều chế phẩm được bày bán với bao bì, chai lọ và dạng chế phẩm là viên nén, viên nang, trông giống hệt như thuốc nhưng không được xem là thuốc. Đó là những chế phẩm “hỗ trợ dinh dưỡng” hoặc “bổ sung thực phẩm” (Dietary supplement). Nhìn chung, những chế phẩm loại này khá phong phú, gồm chế phẩm bổ sung vitamin và chất khoáng gọi là multivitamins (ở ta đó chính là thuốc, được gọi là thuốc bổ đa sinh tố), đặc biệt là chế phẩm bổ sung vitamin và chất khoáng chống oxy hóa gồm vitamin C, vitamin E, bêta - caroten (tiền vitamin A) và selenium; Các chế phẩm có nguồn gốc dược thảo dùng lâu đời trong Đông y như nhân sâm, lá bạch quả (Ginkgo biloba)..., hoặc vừa là dược thảo vừa là gia vị như tỏi, gừng, nghệ...; Các chế phẩm có nguồn gốc hormone như melatonin (một hormone do tuyến tùng tiết ra), hormone tăng trưởng (human growth hormone, viết tắt là hGH hay GH) được quảng cáo là có tác dụng “chống lão hóa, cải lão hoàn đồng”; Là Coenzyme Q10, DHEA (dehydroepiandrosteron); Là các acid béo có lợi cho tim mạch như acid omega - 3, acid omega - 6 v.v... và v.v... Còn biết bao chế phẩm nữa không tiện kể ra hết và xin được nhắc lại, đó là chế phẩm “hỗ trợ dinh dưỡng” chứ không được xem là thuốc. Do không được xem là thuốc nên chúng không chịu sự quản lý của cơ quan quản lý thuốc của nhà nước (ở Mỹ là FDA, còn ở ta là Cục Quản lý Dược), không cần phải bán trong nhà thuốc mà bất cứ ai cũng có thể tìm mua trong siêu thị.
Khuynh hướng chung của thế giới hiện nay là trở về với thiên nhiên. Vì vậy, có nhiều người thích dùng thuốc có nguồn gốc dược thảo, mà đa số chế phẩm “hỗ trợ dinh dưỡng” là thuộc loại này, thêm nữa việc mua bán rất dễ dàng nên đã dẫn đến việc tiêu thụ ngày càng tăng. Ở Mỹ, trong năm 1997 ước tính có khoảng 60 triệu người đãõ tiêu tốn 3,3 tỷ đôla cho việc sử dụng chế phẩm “hỗ trợ dinh dưỡng” có nguồn gốc dược thảo (không tính đến các loại khác như vitamin, sản phẩm có nguồn gốc hormone).
NHỮNG LƯU Ý KHI SỬ DỤNG CÁC CHẾ PHẨM “HỖ TRỢ DINH DƯỠNG”
Đối với thuốc, nói chung thuốc có nguồn gốc thực vật tương đối an toàn hơn so với thuốc là hóa chất tổng hợp. Đối với chế phẩm “hỗ trợ dinh dưỡng” có nguồn gốc dược thảo cũng thế, thường chứng tỏ tác dụng tích cực, đem lại hiệu quả bồi bổ sức khỏe cho người dùng. Tuy nhiên, bên cạnh đó chúng cũng có thể gây tác hại nếu người tiêu dùng không có những hiểu biết nhất định. Do không được quản lý như dược phẩm nên thường có hiện tượng lạm dụng (người sử dụng dùng trong trường hợp không cần thiết hoặc dùng quá liều lượng). Ngoài ra, do không được quản lý chặt trong khâu sản xuất và phân phối như thuốc nên nguy cơ giả mạo và tình trạng kém phẩm chất đối với các chế phẩm này là rất cao. Đặc biệt có trường hợp, người bệnh đang dùng thuốc chữa bệnh lại dùng thêm chế phẩm “hỗ trợ dinh dưỡng”, dẫn đến tình trạng bị tương tác thuốc bất lợi. Ở Mỹ, người ta ghi nhận có đến 70% bệnh nhân đang dùng chế phẩm “hỗ trợ dinh dưỡng” nhưng không thông báo cho bác sĩ điều trị hoặc dược sĩ chỉ vì họ nghĩ rằng các chế phẩm ấy có nguồn gốc từ “thiên nhiên”, dùng sao cũng được. Chẳng hạn đã xảy ra trường hợp dùng chế phẩm chứa tỏi làm tăng tác dụng gây xuất huyết của thuốc chống đông hay thuốc chống kết tập tiểu cầu uống đồng thời (như thuốc warfarin hay aspirin). Hoặc tỏi làm tăng tác dụng của thuốc insulin trị đái tháo đường một cách quá đáng. Chế phẩm chứa nhân sâm cũng có thể làm tăng tác dụng hạ đường huyết của các thuốc trị đái tháo đường loại uống nếu dùng chung. Phụ nữ dùng chế phẩm chứa phytoestrogen (chất tương tự estrogen có trong thực vật) nếu được điều trị estrogen thay thế sẽ bị triệu chứng thừa estrogen như: buồn nôn, đầy bụng, tăng huyết áp, cương vú, phù. Vì vậy, các bác sĩ và dược sĩ ở Mỹ được khuyến cáo cần hỏi bệnh nhân có dùng chế phẩm “hỗ trợ dinh dưỡng” hay không trước khi chỉ định hay cung cấp thuốc. Ở Mỹ, theo luật định, trên nhãn và bao bì của chế phẩm “hỗ trợ dinh dưỡng” không được ghi những thông tin liên quan đến bệnh và chữa bệnh (do đây không phải là thuốc). Thí dụ, chế phẩm “hỗ trợ dinh dưỡng” không được ghi: “Trị bệnh cảm cúm” (vì cảm cúm được xem là bệnh) mà chỉ được ghi: “Tăng cường hệ miễn dịch (hay sự đề kháng) của cơ thể”. Do vitamin được xem là chế phẩm “hỗ trợ dinh dưỡng” nên các bệnh do thiếu vitamin như scurvy (bệnh do thiếu vitamin C), pellagra (bệnh do thiếu vitamin PP) được ghi nhãn. Hiện nay có một từ ghép khá thông dụng là “nutraceuticals” xem như ghép từ 2 chữ: “nutrients” (thực phẩm) và “pharmaceuticals” (thuốc). Nutraceuticals được dịch là “thuốc - thực phẩm” nhưng vẫn không được xem là thuốc mà là sản phẩm thuộc lĩnh vực liên quan đến chế phẩm “hỗ trợ dinh dưỡng” và “thực phẩm chức năng” (functional food).
CẦN PHÂN BIỆT “THUỐC” VÀ “THỰC PHẨM”
Ở nước ta hiện nay đã có nhiều chế phẩm “hỗ trợ dinh dưỡng” được nhập vào và có tình trạng lập lờ đánh lận con đen giữa “thuốc” và “thực phẩm” khi gán cho cái tên chế phẩm thuộc loại “thuốc - thực phẩm”. Đối với cơ quan quản lý nhà nước, có tình trạng chế phẩm được thông báo là thực phẩm để không chịu sự kiểm soát của ngành y tế. Nhưng đối với người sử dụng thì cũng chế phẩm này lại được giới thiệu, quảng cáo là thuốc trị đủ mọi thứ bệnh. Đã đến lúc nhà nước ta cần có sự quan tâm đến loại sản phẩm đặc biệt này, phân định rõ đâu là lĩnh vực chế phẩm “hỗ trợ dinh dưỡng”. Có thứ phải xem là thuốc mặc dù ở nước ngoài họ xem là chế phẩm “hỗ trợ dinh dưỡng” (thí dụ như thuốc bổ sung vitamin và khoáng chất, hoặc thuốc có nguồn gốc hormone). Còn nếu đã phân định là chế phẩm “hỗ trợ dinh dưỡng”, phải quản lý chặt chẽ phạm vi sử dụng, tuyệt đối không được quảng cáo dùng cho việc chữa bệnh. Cuối cùng người sử dụng cần cảnh giác trước lời đồn đại về các chế phẩm “hỗ trợ dinh dưỡng”. Thực tế cho thấy nhiều chế phẩm mà tác dụng chưa được sự khẳng định chính thức của các nhà khoa học (như GH, DHEA), hoặc thổi phồng tác dụng “cải lão hoàn đồng” một cách quá đáng (như melatonin) đã được một số người tìm cách mua dùng tùy tiện. Xin lưu ý, nếu đang điều trị bệnh, nhất thiết phải hỏi ý kiến hoặc thông báo cho bác sĩ điều trị về các loại thuốc Nam, thuốc Bắc hoặc chế phẩm “hỗ trợ dinh dưỡng” dùng thêm.
Chú thích ảnh:
- DHEA được xem là một chế phẩm có tác dụng “Cải lão hoàn đồng”.
- Rau quả là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng tự nhiên rất tốt cho sức khỏe.
Ảnh: Lê Thị Phước