Có độc tính trong một số thực phẩm bổ sung dinh dưỡng
Một sản phẩm của Vision. |
Chị N.T. Duyên (45 tuổi, Hà Tây) được đưa đến Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng mệt mỏi, tiếp xúc chậm, phản xạ gân xương mất ở 2 chân, giảm ở hai tay... Các xét nghiệm cho thấy chị bị ngộ độc Vision - loại thực phẩm bổ sung dinh dưỡng.
Chị Duyên bị đau vùng hạ vị 2 năm nay, được mách rằng dùng "thuốc" Vision sẽ trị hết bệnh. Người bán Vision đã “chẩn đoán” chị có thể bị bệnh gan, có u và kê 5 lọ Vision: Chromevital 4 viên/ngày, Pax 4 viên/ngày, Antiox 4 viên/ngày, Hytpumakc 2 viên/ngày, Aetokc 4 viên/ngày. Tổng số thuốc trên giá 1,5 triệu đồng. Người bán còn giới thiệu Vision là một thần dược, có thể chữa bách bệnh; riêng 5 sản phẩm trên có thể chữa bệnh gan, tiêu khối u...
Sau hơn 2 ngày sử dụng, chị Duyên bị hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, nôn nhiều lần, tức ngực, khó thở... và được gia đình đưa đi cấp cứu. Qua xét nghiệm máu, nước tiểu, Trung tâm Chống độc chẩn đoán chị Duyên bị ngộ độc sản phẩm Vision. Bệnh nhân được truyền dịch natriclorua 0,9% và glucose và đã bình phục.
Theo nhận định của Trung tâm Chống độc, sản phẩm Vision không phải là thuốc nhưng từ hình thức đến các thành phần, chỉ định và chống chỉ định đều giống các loại thuốc. Trong Vision có những hoạt chất không phải là dinh dưỡng, có độc tính rõ ràng (một số độc tính đã biểu hiện ở bệnh nhân Duyên) và những hoạt chất cần được kiểm soát liều chặt chẽ... Trung tâm Chống độc khẳng định Vision cũng không phải là sản phẩm dinh dưỡng vì trên nhãn mác không thấy thành phần gluxit - protit - lipit nhưng lại có các thành phần gây hại hoặc không rõ tác dụng trên người.
Sản phẩm của Vision đang được phân phối bởi 10.000 đại lý theo hình thức “mạng” như một loại sản phẩm dinh dưỡng bổ sung. Một số người bán sản phẩm còn giới thiệu nó là thần dược, chữa bách bệnh, gây nhầm lẫn và nguy hiểm cho người tiêu dùng. Vì vậy, Trung tâm Chống độc đã kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét lại việc cho lưu hành Vision như sản phẩm dinh dưỡng; và xem xét hệ thống phân phối sản phẩm Vision.
Ngay sau đó, ngày 14/7, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) cũng gửi văn bản kiến nghị đến các bộ Y tế, Thương mại, Văn hóa - Thông tin... về việc ngăn chặn tình trạng bán hàng đa cấp đối với các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng. Theo Vinastas, đối với các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng, cần áp dụng các quy chế ghi nhãn riêng, kiểm soát chặt chẽ thông tin quảng cáo khi lưu hành.
Riêng với sản phẩm của Vision, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) từng có văn bản đề nghị không cho nhập khẩu như là sản phẩm dược vì chưa kiểm nghiệm được thành phần, chưa qua thử nghiệm lâm sàng... Nhưng sau đó, Cục Quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (cũng thuộc Bộ Y tế) lại cho phép nhập dưới dạng “thực phẩm bổ sung”. Hiện có 20 loại “thực phẩm bổ sung” của Vision đã được phép nhập khẩu.
(Theo Thanh Niên)