Dinh dưỡng cho người mắc bệnh gan
Sữa rất tốt cho bệnh nhân gan. |
Khi bị viêm gan cấp, cần áp dụng chế độ nương nhẹ gan và dạ dày, ruột. Chỉ nên uống nước đường, nước luộc rau; truyền dịch glucose và axit amin để thay thế cho sự ăn.
Khi sốt đã giảm, lượng nước tiểu tăng lên, nên ăn sữa với khoảng 1.500 ml/ngày. Sữa là một loại thức ăn tốt vì nó không có nhiều cặn bã, không độc mà còn có khả năng chống độc, lợi tiểu. Có thể dùng sữa đã tách bơ hoặc rút kem pha thêm đường; hoặc dùng các sản phẩm dinh dưỡng khác như: Ensure, Isocal, Sandosource, Vivonex T.E.N...
Cuối giai đoạn viêm gan cấp,
có thể cho bệnh nhân ăn thêm ngũ cốc dưới dạng bột, cháo và khi đã hết sốt thì
áp dụng chế độ ăn nhiều protid và methionin (như sữa tách bơ, thịt nạc, cá nạc)
với mức 2 g protid/kg thể trọng mỗi ngày, đồng thời tăng cường calo, chất bột.
Khi giai đoạn cấp tính đã qua, bệnh nhân ở vào tình trạ ng “yếu gan”, thời kỳ
này có khi kéo dài rất lâu. Người bệnh không chịu được những bữa ăn có quá nhiều
chất béo, nhiều loại thực phẩm, hoặc những thay đổi đột ngột về môi trường, khí
hậu. Chế độ ăn cần chú ý đến những điểm sau: Thức ăn phải tươi, tránh để lâu,
không nên nấu nướng cầu kỳ; không dùng những thực phẩm lạ dễ gây dị ứng; nên ăn
nhiều bữa để hấp thu tốt hơn, chú ý dùng chế độ ăn nương nhẹ cả gan lẫn dạ dày
và ruột; ăn nhiều thịt nạc nhưng tránh ăn thịt súc vật non vì có chứa nhiều
nucleoprotid; ăn nhiều sữa, trứng ăn vừa phải và chỉ nên dùng trứng tươi. Với
chất béo, chỉ nên dùng ít và dùng dạng dầu thực vật, tránh dùng mỡ động vật.
Ngoài ra, cần tăng cường chất đường, mật, bột ngũ cốc, rau quả loại tươi, mềm,
ít xơ, nhiều ngọt. Không dùng gia vị, rượu bia, chất kích thích...
Thực đơn dành cho bệnh nhân viêm gan (giai đoạn cấp tính):
- 6h30: Sữa chua 200 ml; 10h: Phở 1 bát (bánh phở 200 g, thịt nạc 25 g); 13h30: Sữa chua 150 ml; 17h: Cơm (gạo tẻ 100 g), khoai tây hầm thịt bò (khoai tây 200 g, thịt bò 25 g), chuối 1 quả; 19h: Nước cam (cam 200 g, đường 20 g); 21h: Sữa tách bơ 150 ml.
- 6h30: Sữa chua 200 ml. 10h: Cơm (gạo tẻ 100 g), giá xào (giá đỗ 100 g, thịt nạc 20 g, dầu 5 g); 13h30: Sữa chua 150 ml; 17h: Cơm (gạo tẻ 100 g), gan xào (gan lợn 30 g), canh cải (rau cải 100 g), chuối tiêu 1 quả; 19h: Nước cam (cam 200 g, đường 20 g); 21h: Sữa tách bơ 150 ml.
- 6h30: Sữa chua 200 ml; 10h: Mỳ
thịt bò (mỳ sợi 100 g, thịt bò 25 g); 13h30: Sữa chua 150 ml; 17h: Cơm (gạo tẻ
100 g), trứng, thịt hấp (trứng gà 1 quả, thịt nạc 10 g), canh rau ngót (rau ngót
100 g), chuối tiêu 1 quả; 19h: Nước cam (cam 200 g, đường 20 g); 21h: Sữa tách
bơ 150 ml.
Chế độ ăn khi bị xơ gan
Cần cung cấp nhiều protid (1,5-2 g/kg mỗi ngày) và glucid, nhiều vitamin nhóm B, vitamin K. Khi có cổ trướng cần ăn nhạt. Nếu tĩnh mạch thực quản giãn, cần tránh thức ăn có nhiều xơ cứng, đề phòng cọ xát gây vỡ tĩnh mạch do thức ăn. Chế độ ăn trong điều trị xơ gan cần áp dụng kéo dài khoảng 6 tháng hoặc lâu hơn nữa.
Nếu bệnh nhân có nguy cơ bị hôn mê gan (do gan suy nặng), cần hạn chế chất đạm do protid không hấp thu được sẽ đọng lại trong ruột sinh ra nhiều NH3, ngấm vào máu gây độc cho hệ thần kinh.
Đồng thời với
chế độ ăn trong điều trị xơ gan, cần tăng cường các vitamin nhóm B như B1, B2,
PP và các axit amin.
Thực đơn dành cho bệnh nhân xơ gan (giai đoạn
tiến triển):
7h: Sữa tách bơ 200 ml (sữa bột tách bơ 25 g, đường glucose 10 g), bánh bột khoai hấp 2 cái (bột khoai lang hoặc khoai sọ 50 g, đường glucose 20 g).
11h: Cháo thịt (gạo 100 g, thịt nạc 30 g, dầu 5 g, hành 5 g), chuối tiêu 100 g.
14h: Nước mía 250 ml.
16h: Súp rau thịt + bún (bún 150 g, bắp cải 100 g, khoai tây 150 g, hành, mùi 10 g, dầu 5 g), quýt ngọt 200 g.
19h: Chè bột sắn dây 200 ml (bột sắn 25 g, đường glucose 15 g).
TS Nguyễn Thị Lâm, Sức Khỏe & Đời Sống