Pectin, vị thuốc quý có trong vỏ hạt bưởi và cùi bưởi
Tác giả : XUÂN NGỌC
Nước ta có nhiều giống bưởi: Bưởi trắng, bưởi đào, bưởi chua, bưởi ngọt, bưởi đắng, bưởi dôn dốt chua. Bưởi ngon nổi tiếng ở miền Bắc là bưởi Ðoan Hùng (Phú Thọ). Ở miền Nam là bưởi Năm Roi. Bưởi còn gọi là bòng. Tên khoa học: Citrus Grandis Osbeck. Họ Cam (Rutaceae).
Mùa bưởi chín kéo dài từ tháng 8 năm trước đến tháng 2 năm sau. Nó là thứ quả không thể thiếu trong Tết Trung thu và trên mâm ngũ quả của mọi gia đình nước ta trong dịp Tết Nguyên đán.
Bưởi được nhiều người ưa thích, song chúng ta lại thường chỉ ăn múi và vứt bỏ hạt, cùi (vỏ quả giữa), vỏ (vỏ quả ngoài). Tuy nhiên chúng lại có những chất rất có lợi cho sức khỏe.
PECTIN - VỊ THUỐC QUÝ CÓ TRONG CÙI BƯỞI, VỎ HẠT BƯỞI
Pectin là chất nhầy bao quanh vỏ hạt bưởi và trong cùi quả bưởi chín. Bản chất của nó là một loại chất xơ, tan trong nước, làm tăng độ nhớt.
- Trong cùi bưởi tươi chứa từ 1-2% pectin (khô), nhưng khi phơi cùi bưởi khô thì chỉ còn 0,5-1% pectin (khô).
- Quanh vỏ hạt bưởi tươi có từ 3-16% pectin (khô), khi phơi khô vỏ hạt bưởi (nhân trong còn ẩm) thì có 4-20% pectin (khô).
Pectin tinh chế có dạng chất bột trắng màu xám nhạt, là một chất keo hút nước và rất dễ tan trong nước.
- Trong quả bưởi tươi, cùi tươi chiếm 10-40%. Hạt tươi chiếm 3-6%, vỏ ngoài 10% (có quả hạt lép hết chỉ còn vài hạt mẩy).
- Kỹ thuật chiết xuất pectin khá đơn giản: dung môi là nước sôi.
Trong công nghệ thực phẩm, pectin được dùng để chế bánh kẹo cao cấp.
Trong công nghệ dược phẩm, Pectin được dùng chế thuốc uống, thuốc tiêm (bắp, dưới da) để cầm máu trước và sau phẫu thuật răng hàm mặt, tai mũi họng, phụ khoa. Chữa chảy máu đường tiêu hóa, tiết niệu. Dung dịch pectin 5% còn được sử dụng như thuốc sát trùng H2O2 (nước oxy già) trong phẫu thuật răng hàm mặt, tai mũi họng (không gây xót lại cầm máu tốt). Thấm bông nhét vào chỗ nhổ răng để cầm máu. Trên thị trường hiện có biệt dược Hacmophobin (Ðức) và Arhemapectin (Pháp).
TÁC DỤNG DƯỢC LÝ CỦA PECTIN
Pectin là một loại chất xơ hòa tan trong nước. Nó không cung cấp năng lượng nhưng có nhiều giá trị phòng, chữa bệnh như:
- Kéo dài thời gian tiêu hóa thức ăn trong ruột, có tác dụng tăng hấp thu dưỡng chất trong thức ăn. Giảm béo (do tạo cảm giác no bụng kéo dài, giảm năng lượng ăn vào, do đó giúp giảm cân ở người béo phì).
- Giảm hấp thu lipid.
- Giảm cholesterol toàn phần trong máu (đặc biệt là giảm cholesterol xấu LDL-c) ở người rối loạn lipid máu.
- Khống chế tăng đường huyết trước và sau bữa ăn ở người có bệnh tiểu đường.
- Chống táo bón.
- Cầm máu.
- Sát trùng.
CÁCH CHIẾT PECTIN THÔ QUANH VỎ HẠT BƯỞI
Trong gia đình, sau khi ăn bưởi ta có thể tận dụng nguồn pectin quanh vỏ hạt bưởi để làm thuốc phòng và chữa các bệnh nói trên.
Cách làm: Hạt bưởi chọn bỏ hết hạt lép. Nếu lượng hạt nhiều thì chỉ lấy khoảng 20 hạt (để chế nước pectin dùng trong 1 ngày), số còn lại đem phơi hoặc sấy thật khô (vỏ ngoài). Ðựng trong túi PE khô sạch (hoặc trong lọ khô sạch) để dùng dần. Chú ý tránh ẩm vì dễ mốc. Cho hạt bưởi vào cốc, rót nước sôi (còn nóng khoảng 70-800C) ngập hạt, dùng dĩa nhiều răng đánh liên tục chừng 5-6 phút rồi gạn hết nước nhầy vào một cốc riêng. Tiếp tục làm như vậy cho đến khi lấy hết nước nhầy (sờ tay vào vỏ hạt thấy hết nhầy).
Tùy theo từng giống bưởi, quả bưởi, có loại nhiều pectin phải đánh hạt với nước 5-6 lần mới hết nhầy. Loại ít pectin chỉ cần làm 3 lần là được.
CÁCH DÙNG NƯỚC PECTIN THÔ ÐỂ PHÒNG, CHỮA BỆNH
- Chống táo bón; Rối loạn lipid máu, bệnh tim mạch: Uống 50ml sau khi ăn bữa chính 60 phút.
- Giảm béo, ngừa tiểu đường: Uống 50ml trước khi ăn bữa chính 5-10 phút.
- Chống chảy máu (răng, máu cam, rong kinh, đa kinh), mỗi lần dùng 20ml cách nhau 20 phút/lần trong giờ đầu.
Chú ý
Sau khi chế 3 giờ, nếu không dùng hết, nên cho vào tủ lạnh (có thể bảo quản được 48 giờ). Lúc này Pectin sẽ đông lại giống như thạch trắng.
Pectin có trong nhiều loại quả, song chỉ có cùi và vỏ hạt bưởi là có tỷ lệ cao và dễ chiết xuất nhất
Chú thích ảnh: Hạt, múi, cùi và vỏ bưởi. Ảnh: Trần Xuân Thuyết.
src="images/