DINH DƯỠNG VÀ PHÁT TRIỂN TRÍ TUỆ
Tác giả : TS. NGUYỄN XUÂN NINH (Viện Dinh dưỡng)
Mơ ước con em mình trở thành những người thông minh, làm việc và học tập có hiệu quả, đạt được những thành tích cao trong các hoạt động khoa học, xã hội, gia đình là một mong muốn chính đáng của tất cả mọi người. Mặc dù trí thông minh còn tùy thuộc vào yếu tố di truyền nhưng qua nhiều nghiên cứu, người ta nhận thấy chế độ dinh dưỡng cũng đóng một vai trò rất quan trọng.
CÁC ÐIỀU KIỆN GIÚP CHO NÃO HOẠT ÐỘNG TỐT
Muốn hoạt động tốt, não bộ của con người cần có 3 điều kiện chính:
- Phải là một bộ não phát triển đầy đủ về cấu trúc giải phẫu, mô học và tồn tại trong một cơ thể khỏe mạnh.
- Hàng ngày được cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết để phát triển, duy trì hoạt động của não và cơ thể.
- Môi trường xung quanh, đặc biệt là với trẻ em (ví dụ điều kiện tự nhiên: khí hậu, thời tiết thuận lợi; Ðiều kiện xã hội và nuôi dạy trẻ phát triển cao...). Nếu những điều kiện này được đáp ứng đầy đủ và thuận lợi sẽ tạo cho trẻ những phản xạ có điều kiện tốt, giúp tích lũy những kiến thức khoa học, xã hội một cách tối ưu.
CÁC BƯỚC PHÁT TRIỂN CỦA NÃO BỘ CON NGƯỜI
Não bộ con người được hình thành và phát triển chủ yếu từ giai đoạn bào thai và hoàn thiện dần sau khi sinh. Giai đoạn 3 tháng đầu của bào thai, các tế bào não phát triển rất nhanh với tốc độ 250.000 tế bào mỗi phút và tiếp tục tăng nhanh đến khi chào đời. Khi mới sinh, não trẻ chưa trưởng thành vì chưa được myeline hóa. Khi trẻ được 6 tháng tuổi, não đã có đủ các thùy, rãnh và bề mặt giống như não người lớn. Cuối năm thứ nhất, trọng lượng não lớn gấp 2 lần lúc sinh. Lúc 3 tuổi, số lượng tế bào thần kinh đạt mức tối đa với khoảng 14 tỷ tế bào thần kinh như người lớn, trọng lượng của não cũng đạt 80% so với khi trưởng thành. Khi 8-9 tuổi, các tế bào thần kinh được biệt hóa hoàn toàn như người lớn, nặng khoảng 1.400g. Từ 9-20 tuổi não chỉ tăng thêm 100g. Sau 3 tuổi, các tế bào thần kinh không được sinh ra thêm mà chỉ hoàn thiện dần về chức năng và cấu trúc. Ngược lại, trong quá trình sống lại có những tế bào thần kinh bị thoái hóa và mất đi; Nếu có những tổn thương xảy ra cho não bộ thì không có sự phục hồi hoàn toàn. Do vậy có thể nói, những năm đầu tiên là "cơ hội duy nhất trong đời" để não bộ được phát triển hoàn hảo. Tất cả các yếu tố có ảnh hưởng đến quá trình phát triển của thai nhi, của trẻ em trong những năm đầu tiên cũng đều ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ.
Myeline hóa các tổ chức và tế bào thần kinh có vai trò quyết định trong quá trình phát triển và biệt hóa, thay đổi ở vỏ não. Myeline là một dạng chất béo bao bọc xung quanh dây thần kinh, đảm bảo chức năng dẫn truyền xung động, điện thế của tế bào thần kinh. Cùng với quá trình myeline hóa, các tế bào thần kinh ngày càng có nhiều nhánh nối kết với nhau giữa các bộ phận trong cơ thể và ngày một dày đặc hơn, làm cho các chức năng điều hòa của não và hệ thần kinh hoàn thiện và tinh vi hơn. Tế bào thần kinh sẽ không hoạt động được, hoặc kém hoạt động nếu không được myeline hóa, hay myeline hóa không hoàn toàn và hậu quả là làm chậm phát triển vận động, trí tuệ, tinh thần.
LÀM THẾ NÀO ÐỂ TRẺ THÔNG MINH?
Từ những đặc điểm cấu trúc của não bộ nêu trên, nếu muốn cho ra đời một trẻ thông minh, chúng ta nên chú ý một số điểm sau:
- Bào thai phải được tạo thành từ những người mẹ, người bố (đặc biệt là người mẹ) khỏe mạnh. Trong suốt thời kỳ thai nghén, vấn đề ăn uống và sức khỏe của người mẹ phải được đảm bảo (đủ lượng và chất), bào thai phải được bảo vệ để phát triển bình thường. Như vậy não bộ sẽ được hình thành và phát triển đầy đủ, tránh được các dị dạng của hệ thần kinh và não.
- Sau khi sinh ra, đặc biệt trong những năm đầu tiên của cuộc đời, vai trò của chế độ dinh dưỡng vô cùng quan trọng, giúp cho số lượng tế bào thần kinh được phát triển và biệt hóa tối ưu. Nếu bị thiếu các chất dinh dưỡng trẻ sẽ bị bệnh suy dinh dưỡng, thiếu máu do thiếu sắt, các rối loạn do thiếu iode...) để lại những hậu quả vĩnh viễn cho não bộ, không hồi phục.
- Trong những năm tiếp theo và thời kỳ vị thành niên, là giai đoạn hoàn thiện myeline hóa và chức năng các tế bào thần kinh, tạo lập các phản xạ có điều kiện, thì vấn đề đảm bảo dinh dưỡng, phòng chống bệnh tật và nuôi dạy đúng, môi trường xung quanh thuận lợi là những yếu tố rất quan trọng cho việc phát triển trí tuệ và nhân cách của trẻ.
Dinh dưỡng đầy đủ, đặc biệt là trong thời kỳ thai nghén đến những năm đầu sau khi sinh có vai trò vô cùng quan trọng, tạo điều kiện tối ưu cho não bộ phát triển, là cơ hội duy nhất trong cả cuộc đời một con người (tất nhiên không được quên các yếu tố khác đã nêu trên).
Giai đoạn bào thai: Hoàn toàn phụ thuộc vào tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe của người mẹ, có thể tóm tắt thực đơn giúp trí thông minh của trẻ phát triển trong giai đoạn này như sau:
Ngay từ trước khi thụ thai: Cha mẹ phải chuẩn bị tốt về sức khỏe (dự trữ đầy đủ về dinh dưỡng) và tinh thần. Khi đã có những thiếu hụt về dinh dưỡng xảy ra từ trước khi có thai (ví dụ như thiếu máu thiếu sắt, thiếu acid folic, thiếu iode), nếu chờ đến khi có thai mới bổ sung viên sắt/ folic hoặc bổ sung iode cho người mẹ thì đã muộn và kém hiệu quả hơn nếu được dự phòng từ trước khi có thai.
Khi có thai: Người mẹ cần ăn uống đủ cả về lượng và chất các chất dinh dưỡng nhằm đảm bảo cho hoạt động cơ thể mẹ và thai nhi phát triển tốt. Trong 9 tháng có thai, người mẹ cần tăng thêm 10-12kg.
Tóm lại, trong giai đoạn này thai phụ cần sử dụng đa dạng nhiều loại thức ăn, ăn thức ăn sạch, ăn các chất đạm, mỡ đường với tỷ lệ cân đối, ăn nhiều cá và rau quả; Phòng chống thiếu máu cho người mẹ và thai nhi bằng cách uống viên bổ sung sắt và folic, sử dụng muối iode hàng ngày.
Giai đoạn sau khi sinh:
Sữa mẹ là nguồn thức ăn tốt nhất cho trẻ, vì vậy cần tận dụng sữa mẹ bằng mọi cách. Các nghiên cứu cho thấy những trẻ được nuôi đầy đủ bằng sữa mẹ thì sự phát triển trí tuệ, sức đề kháng và miễn dịch sẽ tốt hơn những trẻ được nuôi bằng các thức ăn nhân tạo. Từ 6 tháng tuổi, bắt đầu cho trẻ ăn bổ sung thêm các thức ăn khác, nhưng vẫn tiếp tục cho bú mẹ đến 18-24 tháng tuổi.
Bữa ăn bổ sung của trẻ cần có đủ 4 nhóm thực phẩm (nhóm chất bột, nhóm chất đạm, nhóm chất béo, nhóm vitamin và muối khoáng), phối hợp đa dạng các thực phẩm ở tỷ lệ cân đối.
Hiện nay, các nhà sản xuất sữa và thức ăn nhân tạo trên thế giới đều cố gắng tạo ra những sản phẩm có thành phần giống như sữa mẹ hoặc được bổ sung thêm những chất dinh dưỡng thiết yếu, phù hợp với nhu cầu trong từng giai đoạn phát triển của trẻ (các chất vi khoáng và vitamin như calci, sắt, folic, kẽm, iod, vitamin A, các acid amin, chất béo).